Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023 | 17:47

Nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao và chú trọng phòng trừ sâu hại

Để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương đã có giải pháp tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó còn chú trọng các biện pháp bảo vệ lúa vụ xuân, tránh các loại sâu bệnh gây hại.

Thâm canh lúa chất lượng cao

Trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao về chất lượng của lúa gạo, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập cho bà con nông dân, nhiều huyện trên địa bàn của tỉnh Nghệ An đã gia tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao.

Giống lúa thuần chất lượng cao QJ1 của Tập đoàn TH chọn tạo. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Vụ xuân năm 2023, xã Hoa Thành (Yên Thành) gieo cấy hơn 200 ha lúa, trong đó, lúa TBR225 là giống chủ lực, với diện tích 118 ha, chiếm 57,5%. Ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 90 ha sản xuất liên kết, gồm 40 ha lúa giống và 50 ha lúa thương phẩm, liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa TBR225, HD11, HDT10, với giá thu mua 6.100 đồng/kg thóc tươi. Những diện tích còn lại, xã tập trung cơ cấu theo hướng năng suất, chất lượng, với các giống như nếp N97, VNR20, Thiên ưu 8.

“Tăng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất lúa giống đã đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao mà lại rất thuận lợi tiêu thụ, đỡ công phơi, bảo quản sau thu hoạch” - ông Nguyễn Công Hồng nói.

Năm 2022, không chỉ là vụ sản xuất đầu tiên huyện Hưng Nguyên có diện tích lúa chất lượng cao vượt kế hoạch đề ra, mà cũng lần đầu tiên, 18/18 xã, thị trấn đồng loạt triển khai xây dựng, sản xuất các cánh đồng lớn. Diện tích lúa thuần chất lượng cao trên địa bàn đạt tới 3.922 ha trong tổng số 5.180 ha lúa xuân của huyện.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất lúa vụ xuân tại các địa phương. Ảnh: Phú Hương

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm qua, nhiều mô hình hiệu quả trong thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã hình thành. Năm 2022, toàn huyện có hơn 4.000 ha lúa sản xuất liên kết thu mua lúa hàng hóa, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Huyện cũng xây dựng 46 mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích gần 2.830 ha.

“Thực tế, mặc dù các giống lúa thuần chất lượng cao thường chỉ đạt năng suất bình quân 6,5 - 6,6 tấn/ha, trong khi lúa lai có thể đạt trên 7 tấn/ha, nhưng do chất lượng gạo ngon, giá bán cao hơn từ 10 - 15%, nên vẫn đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân” ông Dương nói.

Huyện Hưng Nguyên cũng xây dựng được 35 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 698 ha; 1 mô hình 6 ha sản xuất lúa hữu cơ tại xã Châu Nhân. Các cánh đồng lớn đều sử dụng những giống lúa có khả năng thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng chịu thâm canh tốt, chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài trắng, trong, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm nhẹ, vị đậm, ngon, thích hợp sản xuất hàng hóa. Theo đánh giá, năng suất thực thu trung bình của các cánh đồng lớn đạt 68,3 tạ/ha, doanh thu trung bình tăng 18,6% so với sản xuất đại trà.

Nông dân huyện Yên Thành thu hoạch lúa. Ảnh: Phú Hương

Hiện nay, Nghệ An đã giảm dần diện tích lúa có năng suất thấp, chất lượng kém như Nhị ưu 838, Nhị ưu 986... và tăng dần các giống lúa lai và lúa thuần có chất lượng tốt. Nếu trước đây diện tích lúa lai trong vụ xuân chiếm tới 60.000 ha (trên 60% tổng diện tích lúa), thì đến vụ xuân năm nay, trong 91.000 ha lúa thì lúa lai chiếm chưa đầy 40.000 ha; đáng ghi nhận, diện tích lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần) vụ xuân 2023 là trên 41.500 ha.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Nghệ An tiếp tục chủ trương hỗ trợ, đưa nhanh các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá trở lên; ưu tiên phát triển mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất; với các giống lúa chủ lực như VNR 20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, Thái xuyên 111, VT 404, Long hương 8117…

“Tuy nhiên, các giống có năng suất cao, gạo chất lượng thường dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, nên các địa phương, ngành chuyên môn và người dân cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất; tăng sử dụng phân hữu cơ, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, sản xuất tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật”, ông Nguyễn Tiến Đức khuyến cáo.

Vì vậy không chỉ mở rộng diện tích trồng các loại giống lúa có chất lượng cao, việc chăm sóc và bảo vệ lúa không bị sâu bệnh phá hoại là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thường xuyên có công tác kiểm tra, chỉ đạo và phun thuốc diệt sâu bệnh ngay từ sớm.

Khẩn trương bảo vệ lúa vụ đông xuân

Thời gian qua, thời tiết diễn biến thuận lợi kết hợp cây lúa phát triển tốt đã tạo điều kiện cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại trên diện rộng. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đang tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt và rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa - Ảnh: L.A

Vụ đông xuân năm nay gia đình ông Võ Văn Bắc ở tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong xuống giống được gần 5 sào lúa. Từ đầu vụ đến nay, mặc dù đã dùng đủ mọi cách như rải thuốc diệt chuột sinh học, cắm bao nilon dọa chuột, đặt bẫy quanh ruộng… nhưng đến thời điểm này hầu như toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông đều bị chuột phá hại.

“Trước khi vào vụ đông xuân, xã đã phát động nông dân ra quân diệt chuột, làm vệ sinh đồng ruộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chuột vẫn phát sinh gây hại với mức độ nghiêm trọng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ ở đây cho dù đã đặt bẫy, quây lưới nilon xung quanh ruộng, thậm chí đắp lại bờ vùng, bờ thửa để giữ mức nước cao trong ruộng nhưng cũng không hiệu quả. Chuột vẫn bơi ra để cắn phá. Ngoài ra hiện tại bệnh đạo ôn lá cũng đã bắt đầu xuất hiện rải rác”, ông Bắc cho hay.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị Nguyễn Hữu Hằng thông tin, trong tổng số hơn 5.900 ha lúa trên địa bàn huyện Triệu Phong hiện đã có khoảng 500 ha bị chuột gây hại từ 5 - 40%. Diện tích bị bệnh đạo ôn lá khoảng 18 ha, tỉ lệ bệnh trung bình từ 5 - 8%, nơi cao lên đến 10 - 15%. Dự báo trong thời gian tới chuột tiếp tục gia tăng mật độ gây hại lúa ở giai đoạn làm đòng, nhất là ở những thửa ruộng khô nước, ruộng gần kênh mương, mồ mả và các vùng ruộng không chủ động diệt chuột. Bên cạnh đó, dự kiến sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông… sẽ phát sinh gây hại ở giai đoạn lúa làm đòng - trổ.

Do vậy, nông dân cần theo dõi, phát hiện sớm để có biện pháp quản lý thích hợp, tránh ảnh hưởng đến năng suất. “Cùng với tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp, diệt thường xuyên và liên tục, các hộ nông dân cần tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, nhất là các giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7; trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm để phun trừ kịp thời khi bệnh mới phát sinh, tỉ lệ bệnh khoảng 5%.

Tại huyện Hải Lăng, toàn huyện hiện có hơn 30 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỉ lệ bệnh từ 5 - 10%, nơi cao lên đến 20%. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn làm đòng - trổ đến cuối vụ có hiệu quả.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh đã gieo trồng trên 25.800 ha lúa, hơn 3.500 ha ngô, 3.000 ha lạc và trên 10.500 ha sắn. Thời gian qua, điều kiện thời tiết thuận lợi, kết hợp cây trồng phát triển tốt đã tạo điều kiện cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại trên diện rộng như: chuột gây hại khoảng 1.200 ha, trong đó nhiễm nặng 114 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 5 - 15%, nơi cao lên đến 25 - 30%; bệnh đạo ôn lá hơn 260 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến từ 10 - 15%, nơi cao 20 - 25%.

Ngoài ra, bệnh khảm lá vi rút phát sinh gây hại trên một số diện tích sắn mới trồng, sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh thối gốc hại lạc... cũng đã phát sinh gây hại. Dự báo trong thời gian đến, thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh và gây hại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, để chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt và rút ngắn thời gian sinh trưởng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác, nắm bắt thông tin và chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch hại kịp thời.

Thời điểm này đang rất thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, để kịp thời ngăn chặn và dập dịch bệnh ngay từ lúc ban đầu, ngoài việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, bà con nông dân cần phải thường xuyên kiểm tra và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của ngành chuyên về phòng chống dịch bệnh cho lúa.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top