Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 1 năm 2023 | 10:52

Nhiều mô hình kinh tế mới ở Phong Thổ cho hiệu quả cao

Nuôi cá nước lạnh, trồng nho hạ đen trong nhà màng, phát triển vùng cây ăn quả ôn đới – là những mô hình kinh tế mới mà các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thị trấn Phong Thổ (Phong Thổ, Lai Châu) đang chú trọng thực hiện.

Qua đó, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tạo nên diện mạo mới cho bức tranh kinh tế ở địa phương.

Mô hình mới

Mô hình trồng nho hạ đen trong nhà màng của Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu, thị trấn Phong Thổ đang phát triển tốt.

Chúng tôi cùng cán bộ thị trấn Phong Thổ xuống thăm mô hình trồng nho hạ đen và nho mẫu đơn trong nhà màng của Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu ở thôn Vàng Bó. Đây là mô hình nhà màng đầu tiên tại huyện Phong Thổ, triển khai thực hiện vào tháng 6 năm nay với quy mô 7.000m2. Được biết, đơn vị đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt; thuê nhân công lao động làm cỏ và chăm sóc cho cây trồng. Cho đến nay, 2 loại giống cây này đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên vào giữa năm sau.

Rời khu nhà màng, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của HTX Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất. Vào khu vườn, chúng tôi được thoả thích ngắm nhìn những quả bưởi vàng căng tròn; thanh long sai trĩu, quả đỏ chín mọng. HTX Xuân Oanh là một trong những đơn vị điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế ở thị trấn Phong Thổ. Với diện tích vài héc ta đất nông nghiệp, HTX trồng hơn 260 trụ thanh long, 80 gốc bưởi da xanh; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi ngựa bạch để nấu cao; nuôi hơn 20 con cầy, hàng  chục con trâu sinh sản. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ có 2 mô hình trên, mà hiện nay trên địa bàn thị trấn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con như: mô hình trồng mía đường ở thôn Đoàn Kết, Thống Nhất; nuôi cá nước lạnh của HTX Dương Yến…

Mô hình nuôi ngựa bạch nấu cao của HTX Xuân Oanh, thị trấn Phong Thổ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình gần một trăm triệu đồng mỗi năm.

Để có được kết quả này, cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, chú trọng thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục “nhanh, gọn, hiệu quả” cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến chứng thực nguồn gốc sản phẩm, giấy tờ thuê đất…

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Phong Thổ có 11ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 6,4ha, năng suất 70 tấn/ha, sản lượng 448 tấn; 196,41ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, chuối, thanh long, táo; 7.000m2 nho hạ đen và nho mẫu đơn. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 10.897 con. Diện tích thuỷ sản 5,3ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt ước đạt trên 11 tấn, trong đó có hơn 500m2 nuôi cá tầm, cá hồi của HTX Dương Yến – đơn vị có 3 sản phẩm chế biến từ 2 loại cá này đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh.

Thời gian tới, thị trấn Phong Thổ sẽ tiếp tục mở rộng nhiều mô hình kinh tế hay, sáng tạo. Trở thành một trong những địa phương điển hình phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, tạo động lực cho Nhân dân trên địa bàn tích cực đổi mới, mạnh dạn đầu tư sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập cao, giúp các hộ ổn định cuộc sống trước sự leo thang của giá cả thị trường.

Phát triển nuôi cá nước lạnh

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, thị trường cá nước lạnh từ chậm tiêu thụ, giá rẻ, nay đã sôi động trở lại. Sức mua từ người dân và các nhà hàng lớn nhằm phục vụ khách du lịch nhiều cùng với giá bán cao thúc dục chủ các cơ sở nuôi cá mở rộng quy mô nuôi. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ ở xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ). Cách đây 8 năm, HTX mới chỉ có 3 bể với thể tích 360m3. Dần dần qua các năm, HTX mở rộng quy mô nuôi. Nhất là năm 2022, HTX đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng thêm 4 bể cá (thể tích 130m3/bể), nâng tổng số bể của HTX lên 20 bể với tổng thể tích 2.500m3. 

HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ chăm sóc tốt đàn cá hiện có, kết hợp mở rộng quy mô nuôi cá nước lạnh.

Anh Vũ Văn An - đại diện HTX cho hay: “Thời điểm năm 2020, 2021 dịch Covid-19 bùng phát, lan mạnh làm cho thị trường du lịch gần như “đóng băng”. Các nhà hàng không nhập cá; nhu cầu mua cá của người dân cũng thấp khiến việc bán cá gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm cá hồi chỉ bán được 150.000 - 200.000 đồng/kg, cao là 250.000 đồng/kg. May mắn từ đầu năm 2022 trở lại đây, dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Đầu ra cho cá dễ dàng, “cung” không đủ “cầu”. Giá bán cá tăng cao, cá hồi tại HTX bán từ 390.000 - 400.000 đồng/kg, có lúc cao được 480.000-500.000 đồng/kg. Hiện tại, HTX bán hết cá có trọng lượng 1kg trở lên, còn lại đang tập trung nuôi để phục vụ nhu cầu khách hàng”.

Nguồn thu của HTX năm 2022, sau khi trừ chi phí đạt 1,5 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2023, HTX dự kiến đầu tư xây dựng thêm 1 trang trại cá gần HTX quy mô 10 bể. Dự kiến sẽ nuôi 7 đợt cá/năm (tăng 2 đợt so với những năm trước), mỗi đợt nuôi khoảng 1,5 vạn cá.

Cùng với HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ, Xí nghiệp 56 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu II) đứng chân trên địa bàn xã Tung Qua Lìn cũng tập trung tăng đàn, chăm sóc cẩn thận đàn cá hiện có, đảm bảo cung ứng nguồn hàng cho khách hàng dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Thiếu tá Chu Văn Thứ - Đội trưởng Đội Sản xuất - Kinh doanh tổng hợp số 2 (Xí nghiệp 56) khẳng định, năm 2022 Xí nghiệp làm mới 3 bể cá quây bạt, thể tích 300m3. Lợi ích của bể quây bạt là tiết kiệm chi phí (chỉ 25-30 triệu đồng/bể), hạn chế mầm bệnh mà vẫn đảm bảo môi trường, điều kiện nuôi. Giờ đây, Xí nghiệp 56 có 10 bể cá, tổng thể tích 700m3 nuôi rất nhiều cá tầm, cá hồi. Được chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình, nguồn thức ăn đảm bảo nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Xí nghiệp đang đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Năm 2022, nuôi cá mang lại thu nhập cho Xí nghiệp 56 trên 1 tỷ đồng. Điều quan trọng nhất là nuôi cá nước lạnh trở thành mô hình kinh tế hiệu quả để nhiều người dân đến học hỏi kinh nghiệm, phát triển kinh tế. Năm 2023, xí nghiệp sẽ làm thêm 3 bể quây bạt để nuôi cá nước lạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ đang có 4 cơ sở nuôi cá nước lạnh gồm: Trại cá hồi của Xí nghiệp 56, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356; Trại cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải; HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ; HTX Dương Yến với tổng thể tích nuôi 3.587,00m3, sản lượng 36 tấn/năm. Thời gian qua, để khai thác tiềm năng lợi thế phát triển nuôi cá nước lạnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức nuôi cá nước lạnh tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức, cá nhân thường xuyên kiểm tra, nắm bắt quy mô, thể tích nuôi cá nước lạnh; tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia kinh doanh, chế biến, xây dựng các sản phẩm OCOP.

Đến nay, thị trường cá nước lạnh đang duy trì ổn định, mặt hàng được cung ứng rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Nuôi cá cũng mang lại nguồn thu cao cho người nuôi, góp phần giải quyết việc làm. Nhất là trong năm 2022 giá bán cá hồi, cá tầm tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ các cơ sở phấn khởi mở rộng quy mô. Đặc biệt, toàn huyện đã có 3 sản phẩm: cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc, ruốc cá hồi của HTX Dương Yến được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay. Nhằm bắt kịp xu thế này và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, huyện Phong Thổ tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững.

“Mục sở thị” mô hình trồng nho và măng tây đầu tiên trên địa bàn huyện Phong Thổ tại bản Vàng Bó (thị trấn Phong Thổ) chúng tôi thấy được sự quyết tâm, kỳ vọng của Công ty TNHH một thành viên Trường Phát Lai Châu - đơn vị đầu tư bài bản, quy mô từ hệ thống nhà lưới, tưới tiêu, cây giống... để tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Anh Đậu Xuân Vân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Phát Lai Châu chia sẻ: “Từ tháng 9/2022, công ty triển khai trồng 1ha nho với 2.500 cây nho hạt đen, gần 1.000 cây nho sữa và 1ha măng tây. Với mục tiêu thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân nơi đây trong ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, từ khi triển khai mô hình công ty sử dụng máy móc hiện đại tiến hành thử nghiệm, test chất lượng đất, nhiệt độ nhằm khảo sát và đánh giá sự phù hợp trước khi tiến hành trồng. Nho sữa được trồng từ 100% giống nhập từ nước ngoài, là dòng nho cao cấp - đây là giống nho đầu tiên được triển khai trồng tại tỉnh. Trong tất cả các khâu, Công ty đều sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ đảm bảo, thân thiện với môi trường hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn”.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nhất là việc tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Trong trồng trọt, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vào sản xuất. Năm 2022 đã thực hiện hỗ trợ 8.604kg giống lúa thuần xác nhận để sản xuất vụ mùa; 9.162kg ngô lai vụ thu đông, 44.095kg vôi cải tạo ruộng. Mở rộng và phát triển diện tích lúa đặc sản của địa phương (tẻ râu, nếp tan…) với diện tích 231,7ha tại các xã: Sin Suối Hồ, Bản Lang, Nậm Xe, Dào San... theo phương thức liên kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa thuần chất lượng cao gắn chế biến và tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè năng suất cao như: PH8, kim tuyên.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chính quyền thị trấn kiểm tra mô hình trồng nho, măng tây của Công ty TNHH một thành viên Trường Phát Lai Châu - mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt.

Phát triển một số giống cây ăn quả mới như: Xoài GL4, chanh leo, lê VH6 và chuyển giao kỹ thuật để hỗ trợ cải tạo vườn tạp với diện tích 126,86ha xoài, lê. Kêu gọi các cá nhân, hộ gia đình triển khai mở rộng phát triển vùng trồng cây dược liệu, nhất là cây Sâm Lai Châu. Mở rộng phát triển chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ diện tích mía với quy mô 105ha; mở rộng và hình thành vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ dong riềng với quy mô 145ha. Nhờ đó, an ninh lương thực đảm bảo, năm 2022 tổng sản lượng lương thực đạt 36.971 tấn (tăng 22 tấn so với năm 2021); hình thành vùng sản xuất tập trung với quy mô trên 130ha.

Về chăn nuôi, thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong việc cải tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi tiến bộ. Huyện thông qua các chương trình dự án hỗ trợ, nâng cao nhận thức, ý thức chăm sóc phát triển chăn nuôi tại địa bàn từ chăn nuôi thả rông không trồng cỏ chuyển dần sang hình thức chăn nuôi có chuồng trại kết hợp trồng cỏ. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hầm biogas; công tác thú y và phòng, chống dịch bệnh cũng được huyện quan tâm triển khai. Mở rộng một số vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và phát triển nuôi cá nước lạnh với một số giống có giá trị kinh tế cao như: cá hồi, cá tầm tại các xã vùng cao. Tập trung chuyển đổi một số giống cá truyền thống sang nuôi một số giống cá có năng suất cao như: chép lai V1, rô phi đơn tính... Đến nay, trên địa bàn có 4 cơ sở nuôi cá nước lạnh; huyện đã hỗ trợ xây dựng được 1.600m2 chuồng trại, 350m3 hầm biogas; xây dựng và chuyển giao 1 mô hình chăn nuôi trâu với quy mô 49 con; tốc độ tăng trưởng đàn đạt 5%/năm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ giới hóa trong sản xuất; đưa thiết bị, máy móc hiện đại vào trong các khâu thu hoạch, gieo cấy và chăm sóc. Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cấp phát các loại máy móc như: máy cày, máy bừa, máy gặt công suất nhỏ, máy tuốt lúa liên hoàn… cho người dân. Hết năm 2022 trên địa bàn huyện có 76 máy gặt đập liên hợp, trên 4.820 máy làm đất các loại, 309 máy tuốt lúa mini động cơ, 1.370 máy tách hạt, 518 máy chế biến thức ăn mini... Việc cơ giới hóa góp phần thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động và giảm được khoảng 7-10% chi phí thâm canh và thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững, lâu dài, yếu tố quan trọng và quyết định sự thành bại đó là người dân tin tưởng và làm theo. Do đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư các cơ sở sản xuất, mô hình kinh tế có ứng dụng KHCN.

Đến nay, toàn huyện có 5 cơ sở đang xin chủ trương, khảo sát và hoàn thiện chủ trương đầu tư vào địa bàn. Từ các cơ sở trên, người dân có thể tận mắt chứng kiến, trực tiếp làm và đúc kết kinh nghiệm, áp dụng cho phù hợp. Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: gạo nếp tan Bản Lang; cao ngựa bạch AZ Phong Thổ; 3 sản phẩm chè cổ thụ: Hồng trà Mồ Sì San, Hoàng trà Mồ Sì San, Trà xanh Mồ Sì San; sản phẩm ruốc cá hồi, cá tầm cắt khúc Dương Yến... Từ ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, giảm nghèo và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn”.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen... tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người.

  • A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.

  • Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Theo kế hoạch năm 2024, Lục Ngạn (Bắc Giang) có một xã đạt NTM, hai xã đạt NTM nâng cao. Với đặc thù là huyện miền núi nên khi triển khai địa phương gặp nhiều khó khăn. Song, với sự đồng thuận cao của Nhân dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, huyện đang quyết tâm đưa các xã về đích đúng tiến độ đề ra.

Top