Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 2 năm 2023 | 10:28

Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp Yên Bái cho hiệu quả kinh tế cao

Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, vượt kế hoạch giao 1,41%, đóng góp 22,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa Yên Bái đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ.

Hiệu quả mô hình trồng nấm nông nghiệp công nghệ cao

Khao khát được làm giàu trên đất quê hương, cựu chiến binh Đào Ngọc Bình ở thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên luôn nung nấu ý tưởng phát triển kinh tế trang trại. Năng động, cần cù, vừa làm vừa học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, ông đã bước đầu thành công với mô hình nuôi trồng nấm nông nghiệp công nghệ cao và đang tiến tới việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm hữu cơ.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên thăm cơ sở sản xuất nấm của ông Đào Ngọc Bình.

Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch hữu cơ của thị trường hiện nay rất lớn, trong đó điều kiện, tiềm năng để sản xuất cây nấm rất phù hợp với nông thôn và có thể tận dụng nhiều phụ phẩm nông nghiệp. 

Năm 2022, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bảo Hưng do ông Bình làm chủ đã đầu tư chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất vật liệu xây dựng sang trồng nấm hương và các loại nấm khác. Bước đầu xây dựng nhà xưởng, ông Bình đầu tư trên 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 15 - 20 lao động. 

Thời gian đầu, bản thân ông Bình gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp và bên cạnh đó là khâu tiếp cận thị trường tiêu thụ nấm còn khá mới mẻ. Thiếu kiến thức, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều nguồn thông tin từ sách, báo và mạng Internet. Ngoài ra, ông còn tranh thủ thời gian để đi tham quan, học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh. 

Hiện nay, cơ sở của ông Bình đang sử dụng giống nấm hương do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thỏ Hòa Phát (Hà Nội) chuyển giao. Giống nấm hương có năng suất cao, sinh trưởng, phát triển khỏe, số lứa hái từ 4 - 5 đợt và trung bình thu 0,5 kg/bịch. 

Ông Đào Ngọc Bình chia sẻ: "Để bảo đảm chất lượng phôi, tôi phải tự kiểm tra tất cả khâu sản xuất. Đầu tiên là khâu chọn bột gỗ; sau đó vào men, ủ phôi, vào meo, lên giàn nấm... Từ những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, ông Bình đã tìm ra bí quyết để trồng nấm đạt năng suất cao, 80% số bịch phôi được nuôi trồng đều thành công. Việc trồng nấm quan trọng nhất là phải khắc chế được thời tiết. Nấm thường bị bệnh do thời tiết không bảo đảm để nó sinh trưởng và các bệnh thường gặp ở nấm chủ yếu là do vi rút nấm khác xâm nhập”. 

Hiện nay, cơ sở trồng nấm của ông Đào Ngọc Bình đã xây dựng mô hình nhà trồng nấm hương ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới như: lắp đặt máy lạnh làm mát nước, máy bơm nước lạnh tuần hoàn, ống dẫn nước lạnh, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giàn lạnh, máy tạo độ ẩm, quạt hút gió tạo độ thông thoáng theo yêu cầu. 

Nhờ đó, có thể trồng nấm hương quanh năm với diện tích 600 m2, quy mô nuôi trồng 30.000 bịch nấm/lứa, 3 lứa/năm, sản lượng 60 tấn nấm hương tươi/năm. Ngoài ra, cơ sở đã xây dựng kho lạnh bảo quản 30 m3 xây bằng gạch ốp Panet, lắp máy làm lạnh bảo quản theo công nghệ mới đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. 

Thực hiện quy trình sản xuất nấm hương đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Bình đang phối hợp với ngành chức năng của huyện thiết kế tem nhãn, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào sản xuất, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm hương. 

Ông Nguyễn Văn Bẩy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết: "Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ sở trồng nấm của ông Bình trong việc mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng các sản phẩm nấm trở thành sản phẩm OCOP để quảng bá và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân”.

Cơ sở sản xuất nấm của ông Bình đang cung cấp ra thì trường 3 sản phẩm chính là nấm hương, nấm mộc nhĩ và nấm sò. Những sản phẩm này đã có mặt ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Sản lượng dự kiến đạt khoảng 120 tấn nấm hương và các loại nấm khác như nấm sò, mộc nhĩ tươi vào năm 2024; trong đó, chủ yếu là sản xuất nấm hương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy mô lớn. 

Hiện nay, cơ sở trồng nấm của ông Đào Ngọc Bình vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô trồng nấm với mục tiêu sản phẩm cung cấp ra thị trường bảo đảm nguyên tắc 100% sạch. Vì vậy, HTX sẽ đầu tư thêm dây chuyền đóng bịch tự động, dây chuyền khử trùng, đóng gói; xây dựng nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình VietGAP, áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng nấm.

Yên Bình chú trọng xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển theo hướng phát huy được tiềm năng, lợi thế của huyện; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô vừa và lớn liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất.

Nông dân xã Phúc An, huyện Yên Bình chăm sóc bưởi.

Yên Bình đã chú trọng xây dựng, ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch và đề án để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. 

Từ năm 2013 đến nay, Yên Bình đã ứng dụng và chuyển giao 12 đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Các đề tài, dự án khoa học thực hiện có hiệu quả như: cá lồng trên hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, đến nay, huyện phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô vừa và lớn như: cá lồng trên 2.000 lồng, sản lượng hàng năm đạt 7 - 8 tấn; bưởi Đại Minh trên 950 ha với sản lượng hàng năm trên 10.000 tấn; gạo Bạch Hà 50 ha với sản lượng hàng năm trên 500 tấn... 

Bước đầu đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn, bưởi Đại Minh... và phát triển 18 sản phẩm OCOP có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu thị trường, nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, phù hợp với quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Để tăng số lượng sản phẩm nông sản có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản xuất hàng hóa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ; phát huy vai trò đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông hộ của kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng của sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác... 

Thời gian tới, Yên Bình chú trọng xây dựng mô hình theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời, hợp tác triển khai các mô hình sản xuất, chế biến đối với một số cây trồng chủ lực (cây keo, quế, bưởi) trên địa bàn huyện để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất tập trung; xây dựng vườn kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tư vấn giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các mô hình nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm; chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Mù Cang Chải thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Nhờ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 69, ngành chăn nuôi của huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần không nhỏ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.

Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa của anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn.

Năm 2022, Mù Cang Chải có tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh là hơn 2,9 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch giao. Trong đó, hỗ trợ 3 dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới được phê duyệt triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 với tổng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới là 154,21 ha. Huyện đã chỉ đạo trồng mới trên 40 ha hồng giòn, hơn 35 ha mận, đào ăn quả, hơn 20 ha lê, dẻ, mắc ca... ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Khao Mang, Lao Chải...

Riêng ở xã Nậm Khắt, năm 2022, người dân ở các bản Nậm Khắt, Lả Khắt, Páo Khắt, Hua Khắt và Làng Sang trồng mới được trên 30 ha hồng giòn không hạt và 17 ha táo ghép; chăm sóc bảo vệ tốt các diện tích cây sơn tra, thảo quả hiện có. 

Bà Giàng Thị Sông ở bản Hua Khắt cho biết: "Gia đình tôi có hơn 1 ha nương đồi chỉ trồng một vụ ngô/năm, hiệu quả không cao. Năm vừa qua được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã chuyển sang trồng hồng không hạt. Hiện nay, cây hồng còn nhỏ nên vẫn trồng được ngô, vài ba năm nữa khi hồng lớn sẽ bỏ ngô. Tôi tin tưởng, cây hồng sẽ giữ giá cả thị trường ổn định để gia đình có thêm một khoản thu nhập từ mảnh đất mà trước đây chỉ để trồng ngô”. 

Đặc biệt, các chính sách từ Nghị quyết số 69 đã tạo động lực mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi. Riêng năm 2022, toàn huyện có 140 cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ. 

Đã có 139 cơ sở hoàn thiện được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND các xã, thị trấn hoàn thành nghiệm thu, giải ngân hỗ trợ, gồm: 1 mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 15 con trở lên; 2 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt trở lên; 83 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên; 41 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 11 mô hình chăn nuôi dê quy mô từ 30 con trở lên và 1 mô hình chăn nuôi gia cầm đặc sản quy mô từ 300 con trở lên. 

Là xã thuần nông, đời sống kinh tế nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nên thực hiện Nghị quyết số 69, người dân xã Hồ Bốn đã quan tâm và chủ động đầu tư mở rộng, nâng cấp quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi từng bước chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung. Toàn xã đã có 21 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 được nghiệm thu, gồm: 2 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 5 lợn nái, 50 lợn thịt; 17 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 3 lợn nái, 20 lợn thịt và 2 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên đã góp phần quan trọng giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Ông Mùa A Sùng ở bản Trống Là cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 69, năm vừa qua, với số trâu, bò gia đình đang nuôi, tôi đã vay thêm 50 triệu đồng đầu tư nâng cấp chuồng trại, trồng hơn 0,5 ha cỏ và mua thêm 3 con bò giống để tham gia mô hình chăn nuôi 10 con trâu, bò trở lên. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của gia đình có 13 con, đang phát triển tốt”.

Có thể thấy, nhờ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 69, ngành chăn nuôi của huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần không nhỏ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân. Toàn huyện hiện có tổng đàn gia súc chính hơn 86.790 con, tăng 8,3% so với cùng kỳ; trong đó, trâu 15.650 con, bò 8.290 con, lợn 62.850 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 4.300 tấn, vượt 4,9% so với kế hoạch và tăng 10,3% so với cùng kỳ, góp phần quan trọng nâng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp thủy sản năm 2022 ước đạt 570,5 tỷ đồng, vượt 10,5 tỷ đồng so với nghị quyết; giúp giảm hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6.344 hộ. 

Nông nghiệp Yên Bái vượt khó

Năm 2022, khu vực nông nghiệp, nông thôn Yên Bái phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cục diện thế giới có nhiều biến động làm giá cả một số vật tư thiết yếu tăng cao. 

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường, trong đó có đặc sản bưởi Đại Minh, Yên Bình.

Bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường. Nhờ đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đạt được những kết quả khá toàn diện, đảm bảo tiến độ kế hoạch và kịch bản tăng trưởng đề ra. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5,95%, vượt kế hoạch giao 1,41%, đóng góp 22,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đứng thứ 6 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ. 

Các chỉ tiêu sản xuất cơ bản hoàn thành theo kịch bản đã đề ra, một số chỉ tiêu đạt cao như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 102,4% kế hoạch, tăng 0,42% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại vượt 14,9% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng đạt 101% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 107% kế hoạch, tăng 6,9% so với cùng kỳ. 

Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp, các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: vùng quế hơn 81.000 ha, sơn tra gần 10.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, dâu tằm hơn 1.000 ha, diện tích rừng trồng nguyên liệu hơn 90.000 ha; tre măng Bát độ hơn 5.400 ha;... 

Các sản phẩm đặc sản như: lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ 100 ha; chè Shan hữu cơ của huyện Văn Chấn và Trạm Tấu 1.200 ha; vịt bầu Lâm Thượng hơn 122.000 con và các chủng loại dược liệu hơn 3.900 ha. 

Chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản không ngừng được nâng cao theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; đánh giá và cấp 49 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực và cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận hữu cơ cho 18.421 ha rừng. 

Công tác xúc tiến thương mại được tăng cường, các hoạt động khảo sát, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm được triển khai thường xuyên. Năm 2022, toàn tỉnh đã đưa 4.826 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 8.790 đơn hàng giao dịch thành công, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. 

Đặc biệt, năm 2022 được coi là năm "bản lề”, là thời kỳ chuyển giao trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với bộ tiêu chí nâng cao, trong khi nguồn lực hỗ trợ của Trung ương còn chậm song chương trình XDNTM vẫn tiếp tục lan tỏa khi toàn tỉnh đã có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 99 xã, đạt 66% tổng số xã toàn tỉnh (trong đó có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, góp phần tạo chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế vùng nông thôn. Năm 2022 toàn tỉnh có thêm 45 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, đưa toàn tỉnh lên 183 sản phẩm OCOP. Những thành quả trên đã trở thành dấu ấn đậm nét ngành nông nghiệp, qua đó khẳng định vai trò "bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân.

Bước sang năm 2023, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình XDNTM theo hướng chất lượng, giá trị, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. 

Để đạt mục tiêu này, ngành sẽ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy và các đề án chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 -2025. Tập trung nâng cao và duy trì chất lượng, giá trị hiệu quả sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản chủ lực. phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu; phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC và lâm sản ngoài gỗ gắn với chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. 

Bên cạnh tập trung vào các sản phẩm có lợi thế, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất; mở rộng các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản; tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu. 

Cùng với đó tiếp tục thực hiện hiệu quả, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, Yên Bái phấn đấu có tối thiểu 6 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

V.N (tổng hợp/nguồn baoyenbai.com.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top