Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 9 năm 2022 | 14:14

Những vườn cây ăn quả giúp nông dân làm giàu ở Tây Bắc

Thời điểm này, lên Tây Bắc, du khách sẽ thỏa sức được ngắm những vườn cây ăn trái đang vào vụ, như hồng không hạt, lê, cam…

Đánh thức tiềm năng cây lê

Lê là cây ăn quả ôn đới vừa mới được đưa vào trồng ở một số xã khu vực biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu). Tuy mới được trồng vài năm, nhưng cây lê đã cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các cây trồng khác, bước đầu quả lê được thị trường ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Vườn lê của gia đình anh Ma A Dình (bản Xì Phài, xã Dào San) năm nay được mùa. Cây nào cây nấy quả đều sai trĩu, tròn trịa, căng mọng nước. Trong suốt gần nửa tháng thu hoạch, ngày nào vườn lê của gia đình anh cũng nhộn nhịp người ra, người vào hái quả rồi vận chuyển đi bán. Mỗi sản phẩm xuất đi, thu nhập lại về, tạo động lực để gia đình anh thêm gắn bó lâu dài với cây lê.

 

Cây lê giúp gia đình anh Ma A Dình ở bản Xì Phài (xã Dào San) tăng thêm thu nhập.

 

Anh Dình chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 150 cây lê trên đất vườn từ năm 2013. Sau 5 năm chăm sóc, cây lê bắt đầu cho thu hoạch, năm ít thu được 8 triệu đồng, năm nhiều được hơn 10 triệu đồng. Riêng năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, cây đậu nhiều quả, ăn giòn, ngọt, khách hàng ưa chuộng. Trong 2 ngày đầu tiên, các thương lái ở huyện, thậm chí trên địa bàn thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường vào tận vườn mua tổng số 8 tạ quả. Một số khách hàng ở các tỉnh miền xuôi, khi thấy lê ngon, bắt mắt, đặt mua lê qua mạng rồi vận chuyển bằng xe khách về vừa ăn, vừa bán. Vài ngày sau, gia đình tôi tiếp tục bán được 3 tạ quả, nâng tổng số lê bán được lên đến 11 tạ, với giá trung bình 10.000-15.000 đồng/kg tại vườn, gia đình tôi thu được trên 13 triệu đồng”.

Niềm vui được mùa, có thêm thu nhập từ lê của gia đình anh Dình cũng là niềm phấn khởi của nhiều hộ dân khác trên địa bàn các bản: Xì Phài, Dền Thàng A, Dền Sang của xã Dào San. Bởi sau nhiều năm vất vả chăm sóc, diện tích lê trên 20ha toàn xã cho thấy phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu mát của địa phương (trong đó 3ha đã cho thu hoạch). Cây ít bị sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều quả và chất lượng đạt như mong đợi.

Đồng chí Ma A Già - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: “So với các cây trồng khác, cây lê có giá trị kinh tế cao hơn. Năm nay, một số hộ thu được trên 50 triệu đồng tiền bán lê. Với bà con trong xã thì đây là số tiền không nhỏ, giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích lê thêm 34ha để bà con có cơ hội đẩy lùi đói nghèo, đảm bảo cuộc sống”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ được trồng ở xã Dào San, lê còn được người dân đưa vào trồng ở các xã: Mù Sang, Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu và Hoang Thèn. Hầu hết, lê được đưa vào trồng trên đất vườn tạp, diện tích đất bỏ hoang hoặc trồng ngô năng suất thấp, theo các chương trình 135/CP, 30a/CP... Khi tham gia trồng, bà con được hỗ trợ giống, phân bón (những năm đầu mới trồng), cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành.

Qua thống kê, hiện tổng diện tích lê trên địa bàn huyện trên 270ha. Mỗi hécta lê cho thu hoạch từ 3-4 tấn quả với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, người dân thu lãi 45-60 triệu đồng. Cây lê đang góp phần khai thác tiềm năng lợi thế địa phương, thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn và giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho người nông dân.

Chị Giàng Thị Phang, người dân ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) chia sẻ: “Thời điểm nông nhàn, không có việc làm, tôi cùng một số bà con trong xã tranh thủ nhập các loại rau, củ, quả của bà con trên địa bàn tỉnh mang đi các chợ trên thành phố bán kiếm lời. Khi biết đến lê của người dân huyện Phong Thổ ngon, ngọt, tôi trực tiếp lên mua tận vườn. Mỗi chuyến mua 60-70kg về bán. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 300.000 đồng. Tôi có thêm thu nhập chi tiêu sinh hoạt gia đình”.

“Bén rễ” trên đất Phong Thổ, cây lê đang cho thấy nhiều ưu điểm, giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, điều chúng tôi trăn trở hiện nay là quả lê sai nhưng đến thời điểm thu hoạch kích thước, trọng lượng quả nhỏ. Mà nguyên nhân (theo cán bộ chuyên môn) do cây quá sai quả, người dân chưa tỉa bớt trong khi giá phân bón tăng cao, bà con chưa đầu tư đủ lượng phân bón cho cây.

Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho hay, trong định hướng phát triển của huyện, cây lê vẫn được xác định là cây ăn quả ôn đới tiếp tục được mở rộng diện tích trồng. Trước mắt, là từ nay đến cuối năm, toàn huyện dự kiến sẽ trồng mới 60ha ở Dào San và Sin Suối Hồ, theo chương trình phát triển du lịch. Do đó, phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, chính quyền các xã đưa cây lê vào trồng, kết hợp hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc như: bón phân cân đối, làm cỏ, tỉa, vít cành, bọc quả… cải thiện kích thước, trọng lượng quả. Ngoài ra, phòng sẽ đẩy mạnh truyền thông tiềm năng, lợi thế của cây lê; kêu gọi một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con”.

Trái ngọt trên đất cằn

Say sưa thu hái những quả hồng giòn căng vàng, vợ chồng anh Vàng Dỉ Mìn, thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương (Mường Khương, Lào Cai) không giấu được niềm vui, bởi vụ quả năm nay được mùa, được giá. Dẫn tôi đi thăm vườn hồng giòn, trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió vùng cao của người nông dân Pa Dí này luôn rạng rỡ, bởi cả vườn hồng chính vụ quả to, đều và sai trĩu cành.

Cùng đi và được nghe anh Mìn tâm sự, tôi mới hiểu, không phải bỗng dưng giữa vùng đất dốc, cằn cỗi này có vườn trái ngọt, mà đó là thành quả gần 10 năm trời biết bao mồ hôi, tâm sức của vợ chồng anh đổ vào đây.

Chọn quả hồng căng vàng, anh Mìn hái xuống, gọt vỏ mời tôi nếm thử. Quả hồng rất giòn và ngọt. Dường như cây không phụ công người, cho quả to và ngọt hơn, như muốn bù đắp cho sự vất vả “một nắng hai sương” của những lão nông vùng cao chịu thương, chịu khó.

 

Vườn hồng của gia đình anh Vàng Dỉ Mìn vào vụ thu hoạch.

 

Đứng ở nơi cao nhất, nhìn thấy cả đồi hồng đang vào chính vụ thu hoạch, quả hồng chín như góp thêm sắc vàng cho nắng thu, anh Mìn bảo: Toàn bộ diện tích trồng hồng giòn này trước kia đất dốc. Để có lương thực, gia đình đã phải đầu tư san gạt, làm ruộng bậc thang. Không hiểu sao, cả năm chỉ trồng được một vụ lúa, dù đã chọn giống cẩn thận, tích cực chăm bón nhưng hạt lép nhiều hơn hạt mẩy, có vụ chỉ được vài ba bao thóc.

Năm 2014, trong một lần đi chợ Mường Khương, thấy bán cây hồng giòn giống Trung Quốc, anh liền nảy ra ý định trồng thử loại cây này trên mảnh ruộng bậc thang đất cằn. Nếu hợp thì được ăn, nếu không thì cũng là một lần thử nghiệm. Nghĩ vậy, anh dành thời gian hỏi người bán cây hồng giống về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; kỹ thuật trồng và chăm sóc; cách phòng, trừ sâu bệnh hại cây… Mỗi câu hỏi của anh đặt ra đều được người bán trả lời rõ ràng và không quên nhấn mạnh, trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều công chăm sóc, nếu không tỷ lệ đậu quả sẽ không cao. Thấy được sự chân thành của người bán, anh Mìn quyết định mua 200 cây giống về trồng thử nghiệm, chấp nhận có thể thất bại và là người đầu tiên đưa cây hồng không hạt về trồng trên đất Sa Pả.

Về nhà, anh Mìn tìm hiểu thêm về cây hồng giòn thông qua những kênh thông tin khác nhau. Anh nhận thấy có hai điều kiện phù hợp để trồng loại cây này, đó là độ cao so với mực nước biển, ở Sa Pả độ cao khoảng 900 m so với mực nước biển và sự chăm chỉ, chịu khó của chính anh cũng như các thành viên trong gia đình. Sau khi làm kỹ đất, nhặt sạch cỏ, anh Mìn trồng 200 cây hồng giòn theo đúng khoảng cách được hướng dẫn, tương đương với diện tích khoảng 0,25 ha. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những công việc như làm cỏ, bón phân, theo dõi sâu bệnh trên cây đã trở thành quen thuộc. Cây hồng giòn cứ thế sinh trưởng theo sự chăm sóc và chờ đợi của gia đình anh Mìn.

Đến năm thứ 6, những nụ hoa bắt đầu xuất hiện trên các cây hồng, báo hiệu giai đoạn đơm hoa kết trái. Cả gia đình hồi hộp, vừa mừng vừa lo, mừng vì bao công sức đổ ra đã cho kết quả, lo vì liệu có đậu được quả không? Thật may mắn, trong thời gian ra hoa đậu quả không có mưa to, gió lớn, nên tỷ lệ đậu quả tương đối cao, đến trước tết Trung thu gần 1 tháng, cả đồi hồng giòn bắt đầu cho thu hái quả. Năm 2022, là năm thứ ba gia đình anh Mìn thu hoạch quả hồng giòn, với sản lượng từ 400 - 500 kg. Với giá bán tại chỗ là 30.000 đồng/kg, gia đình anh thu được từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng trên diện tích khoảng 0,25 ha.

Cũng như anh Mìn, anh Giàng Phủ Dìn cũng quyết định đưa cây hồng giòn về trồng trên đất nương. Dù chưa biết có phù hợp hay không, nhưng anh Dìn còn “liều” hơn anh Mìn khi trồng đến 400 cây. Mặc dù số lượng cây hồng giòn sau khi trồng bị chết không ít, nhưng 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh cũng thu hái được hơn 100 kg quả. Anh Dìn tâm sự: Toàn bộ diện tích trồng hồng giòn trước kia là trồng ngô. Do khí hậu khắc nghiệt, nên ngô chỉ trồng được một vụ, trong khi đất không màu mỡ nên năng suất cũng không cao. Do vậy, khi thấy anh Mìn chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang trồng hồng giòn, tôi cũng quyết định làm theo. Dù nhiều cây bị chết và sản lượng quả không cao, nhưng thực tế, có không ít cây ra quả sai trĩu cành, do vậy tôi sẽ tìm hiểu và nhờ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tư vấn.

“Trồng cây hồng giòn đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao và phải đầu tư công chăm sóc, phân bón nhiều hơn, nếu không đảm bảo hai yếu tố trên có thể dẫn đến cây bị chết hoặc tỷ lệ đậu quả không ổn định. Nếu làm tốt thì đây sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết.

Mỗi cây trồng mới đều có những “sai số”, nhưng điều trân quý nhất ở xứ Mường chính là sự chủ động, năng động và chút “liều” của nông dân vùng cao, khi họ dám chấp nhận thất bại để đổi lấy thành công. Không chỉ có đồi hồng của gia đình anh Vàng Dỉ Mìn, mà sẽ có nhiều và rất nhiều đồi hồng khác ở Mường Khương đơm hoa kết trái, cho quả ngọt trên những mảnh đất cằn.

Cây cam trên đất Nậm Tin

Với mục tiêu đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững; thời gian qua, người dân xã Nậm Tin (Nậm Pồ, Điện Biên) đã đưa cây cam vào trồng thử nghiệm. Tới nay, nhiều diện tích trồng cam đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thêm sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân vùng khó.

 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn nông dân xã Nậm Tin chăm sóc vườn cam.

 

Đất đồi, nương bị gia đình ông Sùng Quán Tùng, bản Tàng Do (xã Nậm Tin) bỏ hoang hóa nhiều năm, cỏ mọc um tùm nay đã phủ một màu xanh mướt của cây cam. Với kinh nghiệm hơn một thập kỷ đi làm thuê, trông nom các vườn cam ở huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), ông Tùng đã đem giống cam Vinh, cam sành về trồng thử nghiệm trên diện tích nương cũ của gia đình. Ông Sùng Quán Tùng phấn khởi chia sẻ: “Với ước mong mở ra mô hình phát triển kinh tế mới, tháng 7/2017 tôi đã đưa giống cam Vinh, cam sành từ Hà Giang về trồng thử nghiệm (6ha) thay thế các giống cây trồng năng suất thấp. Để vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí, công sức, tôi đã tuân thủ quy trình kỹ thuật như không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học... Đến năm thứ 5 (năm 2022) cây cam nhà ông Tùng cho thu hoạch gần 14 tấn, bán ra các thị trường trong huyện, tỉnh, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai); thương lái đến thu mua tại vườn với giá thành cao từ 18 nghìn đồng - 20 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, cây cam mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ.

Cũng theo ông Sùng Quán Tùng: “Ưu điểm của giống cam Vinh, cam sành là dễ trồng, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, cam mỏng vỏ, mọng nước, năng suất bình quân mỗi cây đạt từ 50 - 60kg quả/vụ”. Hiện gia đình ông Tùng đang tích cực cải tạo đất, mở rộng quy mô trồng thêm 1.000 gốc cam Vinh. Đặc biệt, xã Nậm Tin đã đăng ký, đưa vườn cam trở thành sản phẩm OCOP của xã, khi có thương hiệu, có chất lượng thì sẽ có đầu ra ổn định.

Hiện, toàn xã Nậm Tin có 12ha trồng cam. Tuy nhiên, ngoài hộ ông Sùng Quán Tùng cho năng suất cao thì qua đánh giá thực tế cây cam được trồng nhiều trong vườn, nương đồi của các hộ gia đình, nhưng cây sinh trưởng, phát triển không đều và cho năng suất, chất lượng chưa tốt do ít được chăm sóc, biện pháp kỹ thuật hầu như chưa được các hộ áp dụng, đặc biệt là biện pháp bón phân, tỉa cành nên nhiều sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam.

Ông Hờ A Lù, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin chia sẻ: “Để mở rộng diện tích, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc mở rộng diện tích trồng cam. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cam theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trang trại trồng cam với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa để tạo thu nhập cao cho người dân; góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”. 

Theo thống kê, tổng diện tích cây cam trên địa bàn huyện Nậm Pồ ước khoảng 19,34ha; trong đó khoảng 2.500 gốc cho thu hoạch. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời điểm hiện tại cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, địa hình đồi dốc cao. Ông Tòng Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Để khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trồng cam, năm 2023 huyện Nậm Pồ dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng cam, tăng lên khoảng từ 30 - 50ha. Đồng thời, trên cơ sở mô hình cây cam ở Nậm Tin, huyện Nậm Pồ tiến hành rà soát, khoanh vùng, phân loại hiện trạng cây trồng; đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước, hệ thống thủy lợi nhằm đưa vào quy hoạch những diện tích đất phù hợp và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cam.

Cùng với đó, huyện cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành... Đối với diện tích cam hiện đang phát triển tốt, hướng dẫn đầu tư, thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng; hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm ít ảnh hưởng môi trường, đảm bảo chất lượng cam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng cam trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường (giá cây giống, phân bón, giá cam thành phẩm, thị trường tiêu thụ...); tăng cường quảng bá sản phẩm cam tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, tìm đầu ra ổn định cho cây cam. Cùng với cây cam, huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo nhân dân thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp; lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển sản xuất, nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Có thể thấy rằng, việc phát triển cây cam trên vùng đất Nậm Tin đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân từ sản xuất theo kinh nghiệm, chuyên canh sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư vật tư, công sức, kinh phí cho vườn cây để có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam Vinh, cam sành gắn với phát triển ngành Nông nghiệp hàng hóa đặc trưng để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

V.N (tổng hợp)

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top