Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 4 năm 2023 | 21:30

Ninh Thuận: Phát triển tôm giống thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Là một trong 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước nhưng Ninh Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển, đặc biệt là sản xuất giống thủy sản, nhất là tôm giống.

Cùng với những thuận lợi như hạ tầng, giao thông…, Ninh Thuận đã xác định và đề ra mục tiêu rất cụ thể đối với việc thu hút đầu tư, phát triển nghề sản xuất tôm giống, hướng đến trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng đạt 50 tỷ con đến năm 2025 để cung cấp cho các vùng nuôi của cả nước. 

Công ty TNHH Moana Ninh Thuận giới thiệu việc sản xuất, gia hóa tôm bố mẹ sạch bệnh chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Đẩy mạnh phát triển sản xuất

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, tôm giống là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư và phát triển, số lượng cơ sở, doanh nghiệp và năng lực sản xuất ngày càng tăng, đáp ứng trên 35% nhu cầu tôm giống của cả nước.

Tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "tại Quyết định số 32270/QĐ-SHTT ngày 15/5/2018. Thương hiệu "Tôm giống Ninh Thuận" được thị trường trong cả nước đánh giá cao. Minh chứng rõ nét đó là tôm giống của tỉnh hiện đang cung cấp cho hầu hết các địa phương vùng biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Trong đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền Nam như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trước đây toàn tỉnh có đến 450 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống (tôm sú và tôm chân trắng). Những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất và tiêu thụ tôm giống có nhiều khởi sắc, hiện nay có trên 425 cơ sở đang hoạt động, dự kiến sản lượng tôm giống sản xuất năm 2023 trên 40 tỷ con.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để quản lý chất lượng tôm giống, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận luôn tăng cường giám sát việc nuôi của các cơ sở nuôi trồng; thực hiện thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định của pháp luật tại nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa tỉnh. Theo đó, ngành thuỷ sản của tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản theo quy định cho 415 cơ sở; 100% tôm giống đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và kiểm dịch đầy đủ khi xuất ra ngoài tỉnh.

Ngoài việc ương dưỡng tôm giống, việc sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh cũng luôn được các cơ sở nuôi tại Ninh Thuận chú trọng. Hiện nay Công ty TNHH Moana Ninh Thuận và Công ty TNHH Việt Úc - Phước Dinh là hai doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, gia hóa tôm bố mẹ sạch bệnh chất lượng cao phục vụ sản xuất nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận đã sản xuất, gia hóa thành công và cung ứng cho thị trường từ 18.000 - 24.000 con tôm sú bố mẹ mỗi năm. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Việt Úc - Phước Dinh cũng sản xuất và cung cấp cho hệ thống Việt Úc toàn quốc khoảng 30.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Hiện nay, cả 2 dự án sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh công nghệ cao tại Sơn Hải (huyện Thuận Nam) của Công ty TNHH Việt Úc - Phước Dinh và Công ty TNHH Moana triển khai rất có hiệu quả.

Tại hội thảo về quản lý giống tôm nước lợ diễn ra tại Ninh Thuận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nêu rõ, với hiệu quả sản xuất của Công ty TNHH Moana Ninh Thuận; đồng thời trong chương trình sản phẩm quốc gia về tôm nước lợ, Bộ đã giao cho công ty này phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I hoàn thiện công nghệ ương nuôi tôm sú bố mẹ sinh trưởng nhanh và sạch bệnh để cung cấp cho sản xuất.

Theo đó, Công ty TNHH Moana Ninh Thuận đã sản xuất và cung ứng cho sản xuất (cho các trại giống) được trên 30.000 cặp tôm sú bố mẹ (kích cỡ tôm cái trên 110 gram, tôm đực trên 90 gram), tỷ lệ thành thục sau cắt mắt trên 90%, tỷ lệ nở trên 87%, sức sinh sản tôm bố mẹ từ 800.000 - 1.200.000 ấu trùng. Chất lượng tôm sú bố mẹ sản xuất đã được khẳng định trên thực tế, được tiêu thụ đến trên 20 công ty trong nước và xuất khẩu đến các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Nigeria...

Hướng đến thành trung tâm tôm giống

Để sớm trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện. Cụ thể, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở xã An Hải (huyện Ninh Phước) và thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam); sắp xếp lại sản xuất trong vùng quy hoạch ở An Hải, Sơn Hải theo hướng công nghệ cao.

Đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu toàn tỉnh có 10% số cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, sản lượng đạt 50 tỷ con giống. Đồng thời chủ động sản xuất được 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ gia hóa, 40% tôm sú bố mẹ gia hóa có chất lượng cao và sạch bệnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh đối với các bệnh nguy hiểm theo quy định và 100% tôm giống xuất tỉnh được kiểm dịch đủ điều kiện sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các quy định hiện hành; chất lượng và uy tín của tôm giống Ninh Thuận trên thị trường ngày càng được khẳng định, củng cố và phát triển.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, ương dưỡng tôm giống. Đồng thời đẩy nhanh tiếp cận, nhận chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, kỹ thuật di truyền chọn giống, công nghệ số… vào sản xuất để tạo ra sản phẩm giống chất lượng cao, kháng bệnh, sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả các chương trình gia hóa giống tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước chất lượng cao cung cấp cho thị trường nuôi.

UBND tỉnh cũng chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải tập trung đúng quy định nhằm phát huy hiệu quả xây dựng hệ thống an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo khuyến cáo của IOE; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất giống thủy sản đầu tư trang thiết bị hiện đại trong việc xét nghiệm, kiểm soát chất lượng con giống trong quá trình sản xuất, trước khi lưu thông.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín chất lượng tôm giống của tỉnh đến các địa phương nuôi tôm thương phẩm trên phạm vi cả nước; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi làm giả nhãn mác hàng hóa, thương hiệu làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng tôm giống Ninh Thuận…

Ông Lê Huyền cho biết, từ trước tới nay, Ninh Thuận vẫn là thủ phủ về sản xuất giống thủy sản, nhất là tôm giống. Hơn nữa tỉnh cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước. Do đó, để xứng danh là thủ phủ tôm giống của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản xem xét, hỗ trợ mở rộng một số điểm quan trắc môi trường khu vực vùng sản xuất giống tập trung Nhơn Hải (huyện Ninh Hải). Bởi nơi đây hàng năm cung cấp đến khoảng 60% sản lượng tôm giống toàn tỉnh.

Đồng thời, Ninh Thuận cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ cho tỉnh về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình, đề án phát triển sản xuất giống thủy sản do Trung ương thực hiện và triển khai tại Ninh Thuận.

 

Công Thử (TTXVN)

https://baotintuc.vn/kinh-te/ninh-thuan-phat-trien-tom-giong-thanh-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-20230425151125687.htm

Ý kiến bạn đọc
Top