Khai thác hiệu quả hệ số sử dụng đất, đưa cây con mới vào trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người nông dân ở Lai Châu đang tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Tân Uyên mở rộng diện tích chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm
Cây chanh leo được đưa vào trồng trên đất Tân Uyên từ năm 2020. Đến nay, cây trồng này cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, chanh leo mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi hécta cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, người dân có động lực vươn lên làm giàu.
Chúng tôi đến xã Pắc Ta - một trong những xã điển hình trồng chanh leo ở Tân Uyên. Cùng cán bộ xã, chúng tôi được mục sở thị những vườn chanh leo xanh tốt đang cho ra quả vụ đầu tiên của năm nay. Dừng chân tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hương - bản Tân Bắc, được biết anh Hương trồng chanh leo vào cuối năm 2021 với diện tích gần 1ha. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn chanh leo của anh cho thu hoạch được khoảng 30 tấn bán cho đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá bình quân 10.000 đồng -11.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa 1 vụ trước đây.
Hộ dân ở xã Pắc Ta chăm sóc chanh leo.
Để có được thành quả này, anh Hương chia sẻ: mình phải tuân thủ đúng kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rồi đơn vị bao tiêu sản phẩm hướng dẫn. Hàng tháng bón phân đều đặn cho cây tươi tốt; hàng ngày thì cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng. Vào mùa khô thì 2-3 ngày tưới nước 1 lần bằng hệ thống phun tự động. Chăm sóc chanh leo giống như chăm con mọn, ngày nào cũng ra vườn để quan sát xem cây phát triển, ra hoa, đậu quả như nào; nếu phát hiện bệnh thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật ngay.
Chính vì giá trị kinh tế cao mà cây chanh leo mang lại, nhiều hộ dân trong bản Tân Bắc đã tích cực tham gia trồng.
Được biết, nền kinh tế của Pắc Ta chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì cấy lúa 1 vụ, trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu, chanh leo có giá trị kinh tế cao hơn theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông sản. Hiện tại, toàn xã có 15 hộ ở 2 bản Tân Bắc, Sơn Hà trồng chanh leo với diện tích 4,6ha đã cho thu hoạch. Năm 2023, có 12 hộ ở 2 bản trên và bản Liên Hợp đăng ký trồng thêm chanh leo.
Ngoài xã Pắc Ta, hiện nay cây chanh leo được trồng ở thị trấn Tân Uyên và các xã: Thân Thuộc, Phúc Khoa, Nậm Cần, Trung Đồng. Tổng diện tích chanh leo toàn huyện hiện có là 25,44ha được ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (Sơn La). Trong đó có 8,97ha chanh leo trồng năm 2021 đã cho thu hoạch, tổng sản lượng đơn vị thu mua tính đến hết tháng 2/2023 là 93,99 tấn, giá trị kinh tế trên 927 triệu đồng. Còn lại diện tích chanh leo trồng năm 2022 đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện trồng cây chanh leo trên địa bàn, nhận thấy cây chanh leo là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình, giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Vì vậy, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn mở rộng diện tích trồng chanh leo theo hướng sản xuất hàng hoá có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây chanh leo. Nhằm đảm bảo cây chanh leo đạt năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao, đơn vị luôn đồng hành, theo sát cùng với các hộ dân trong quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đồng thời chủ động tìm mối liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu nông sản cho bà con.
Dự kiến năm 2023, huyện Tân Uyên sẽ trồng thêm 10ha cây chanh leo tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp cùng các địa phương trong huyện đôn đốc các hộ dân tiến hành làm đất, đảm bảo nguồn nước tưới, thực hiện làm giàn để chuẩn bị trồng chanh leo vụ mới. Cùng với đó, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên diện tích cây trồng đã và đang chuẩn bị cho thu hoạch để đạt năng suất cao nhất. Đồng thời khuyến nghị các hộ dân tuân thủ theo các yêu cầu trong hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với đơn vị thu mua, tránh tình trạng bán lẻ ra ngoài, phá vỡ hợp đồng.
Trồng ớt chuông theo công nghệ cao
Với mục tiêu nâng cao sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, thời gian qua, Chi đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (huyện Tân Uyên) triển khai mô hình trồng thí điểm cây ớt chuông theo công nghệ cao trong nhà màng của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Đến nay, cây ớt chuông sinh trưởng phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn.
Chia sẻ với chúng tôi về lý do chọn cây ớt chuông để trồng thí điểm, anh Nguyễn Đình Tuyên - Phó Bí thư Chi đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNT) cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy nhu cầu thị trường về cây ớt chuông khá lớn, giá thành lại cao. Trong khi tỉnh Lai Châu, nhất là huyện Tân Uyên được đánh giá là vùng có tiểu khí hậu phù hợp với việc trồng cây ớt nên khi được sự đồng ý của Ban lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chi đoàn đã vận động các đoàn viên chung tay, góp vốn để triển khai mô hình trồng ớt chuông.
Vườn ớt chuông phát triển xanh tốt của Chi đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (huyện Tân Uyên).
Trước khi trồng, chi đoàn cử đoàn viên đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng ớt chuông tại các tỉnh: Hải Dương, Đà Lạt, Phú Thọ…; đồng thời tìm hiểu, học hỏi thêm những kiến thức trên mạng internet. Nhằm giảm nguồn chi phí về giống, chi đoàn quyết định nhập hạt ớt chuông từ Đà Lạt về ươm, với giá 5.000 đồng/hạt. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế sâu bệnh, ngăn chặn những tác động của thời tiết và môi trường, chi đoàn đã đầu tư theo quy trình công nghệ cao rất bài bản và khoa học.
Toàn bộ hạt được ươm bầu, khi cây được 2 -3 lá đều được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa trộn với than trấu; dưới nền được trải màng phủ nông nghiệp để cách ly bầu với mặt đất, hạn chế bệnh hại lây lan lên cây. Ngoài ra, chi đoàn sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân hòa tan hữu cơ chất lượng cao để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Hàm lượng phân được pha theo tỷ lệ tiêu chuẩn sẽ hòa cùng lượng nước bổ sung trực tiếp vào cây trồng.
So với phương thức canh tác truyền thống, chi phí đầu tư trồng theo phương pháp này khá tốn kém. Song về lâu dài, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp hạn chế lãng phí nguồn nước tưới; đặc biệt duy trì độ ẩm đồng đều, tăng năng suất gấp nhiều lần. Cũng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, dinh dưỡng được cung cấp cho cây trồng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng giúp cây ớt chuông phát triển ổn định.
Bởi, ớt chuông rất nhạy cảm với độ ẩm và nhiệt độ, cần đảm bảo chế độ nước tưới phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Trước khi cây ra hoa, phải tỉa bớt cành, lá già, lá lúa dưới gốc, chỉ nên để lại khoảng 2 - 3 cành để cây tập trung nuôi quả tốt. Bên cạnh đó, thân cây ớt chuông khá giòn, dễ gãy, khi bắt đầu ra quả phải dùng dây giăng dọc theo thân cây để đỡ cành nhằm hạn chế cành bị gãy khi mang quả nặng. Trong quá trình chăm sóc, đoàn viên chi đoàn luôn theo dõi sát sao để phòng trị bệnh và sâu hại cho cây.
Thời gian thu hoạch đối với ớt chuông cũng rất quan trọng vì nếu thu hái quá sớm, thịt quả mỏng, không ngon, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây; thu hoạch muộn thì quả dễ thối, kém chất lượng. Do đó, khi thấy vỏ quả bóng, nhẵn và đạt kích thước tối đa có thể thu hoạch. Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhiều tổ chức, cá nhân trồng được loại ớt chuông, trong khi nhu cầu của thị trường về loại quả này khá cao. Nếu bán lẻ hiện tại có giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg. Hiện nay đã có một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Hà Nội liên hệ thu mua theo giá thị trường, thời điểm này giá từ 35 - 40 nghìn đồng/kg.
Theo anh Tuyên đánh giá, đến thời điểm này cây ớt chuông hoàn toàn thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương, cho quả sai. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 11 - 12 tháng, chu kỳ thu hoạch rộ là 4 đợt và tùy vào điều kiện chăm sóc, mỗi cây cho từ 2 - 6kg/cây. Như vậy, với 5.000 cây ớt chuông của chi đoàn, năng suất trung bình ước đạt từ 12 - 14 tấn.
Nếu mô hình trồng thí điểm cây ớt chuông thành công, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện sẽ vận động các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tham gia trồng cây ớt chuông để tăng thu nhập, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Từ một vài mô hình ban đầu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đang được hình thành, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ruộng ớt của gia đình chị Bàn Thị Mấy, bản Liên Hợp, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đang vào mùa thu hoạch. Từ diện tích 1.500m2 lúa kém hiệu quả trước đây, gia đình đã liên kết với doanh nghiệp trồng các loại ớt chỉ thiên. Giờ đây ruộng ớt đã cho thu hoạch mỗi lứa hơn 20 triệu đồng, mỗi năm cũng thu về từ 80-100 triệu đồng.
Chị Bàn Thị Mấy chia sẻ, ruộng của gia đình trước đây mỗi năm trồng cấy một vụ, cho thu khoảng 20 bao thóc, giá trị kinh tế khoảng 10 triệu đồng. Nay cây ớt có hiệu quả kinh tế hơn, nên gia đình dự kiến chuyển toàn bộ diện tích hơn 3.000m2 đất lúa một vụ còn lại sang trồng ớt.
Cây ớt đang được trồng tại nhiều xã nhờ liên kết của doanh nghiệp với người dân.
"Mới đây gia đình tôi đã thay đổi một số diện tích đất để chuyển sang trồng cây ớt. Hiện tại, gia đình đã thu được hơn 2 tấn ớt. Cây ớt trồng ở đây nó rất hợp đất phát triển tốt. Thời gian chăm sóc nó vất hơn nhưng mà mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình cao hơn" - chị Mấy cho biết.
Từ đất trồng các loại cây truyền thống, đến nay huyện Tân Uyên đã chuyển đổi để tạo thành vùng nguyên liệu của nhiều loại cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, đến nay địa phương đã có gần 1.000 ha chuối, chè, tranh leo, dưa lưới, ớt, cà chua... theo hướng sản xuất hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch và được thị trường ưa chuộng.
Ông Lò Văn Đón, Trưởng bản Huổi Luồng, thị trấn Tân Uyên cho biết, bản có gần 80 hộ, với gần 800 nhân khẩu là đồng bào Khơ Mú. Do bà con 100% làm nông nghiệp và trước đây thường loay hoay với cây trồng lúa, ngô, chè sản xuất theo phương thức truyền thống nên tỷ lệ đói nghèo cao. Khoảng 2 năm nay bà con chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, nên giá trị sản phẩm hàng hóa tăng cao, từ đó đời sống người dân cũng được cải thiện.
Theo ông Đón: "Trước kia bản chúng tôi đa phần là trồng lúa, với ngô nhưng thấy hiệu quả phát triển kinh tế không cao. Sau có hợp tác xã Phương Nam được UBND thị trấn triển khai cho bản chúng tôi mô hình chè hữu cơ, chè sạch, chè Kim Tuyên. Trước kia máy cắt chúng tôi chỉ bán được 5.000-6.000 đồng/kg, giờ chúng tôi bán mỗi kg chè là 15.000 đồng. Tổng số chúng tôi tham gia 20 hộ thì có khoảng 8 - 9 ha, hiện nay bà con trong bản rất là phấn khởi".
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Uyên đã bám sát chủ trương của tỉnh Lai Châu, trong đó thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương chú trọng việc chuyển đổi, đưa các cây trồng có giá trị năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được thị trường ưa chuộng.
Ông Lò Văn Mơn, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, việc chuyển đổi giống cây trồng và phương thức canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp đã cho thu nhập bình quân trên một diện tích của bà con nông dân tăng cao. Nếu như cấy lúa, trồng ngô, bình quân 1 năm người nông dân thu được từ 50 - 70 triệu đồng/ha, thì nay trồng ớt, tranh leo, bí xanh, người dân thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; trồng dưa, cà chua trong nhà màng cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha.
"Để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao giá trị các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm thực phẩm an toàn và hướng tới hệ sinh thái bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước bền vững, huyện Tân Uyên cũng đã và đang hình thành những mô hình sản xuất theo hướng an toàn là những mô hình nhà lưới, nhà màng và các sản phẩm là chè, ớt. Huyện cũng đã tạo ra các vùng nguyên liệu, để tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao" - ông Mơn cho biết.
Tăng cường thu hút doanh nghiệp vào liên kết và tận dụng các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người dân, Tân Uyên đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và trở thành địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu. Các sản phẩm cây trồng có giá trị kinh tế cao là lợi thế của địa phương trong giải quyết vấn đề thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân và tạo đà cho chặng đường phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Trong năm 2022, ngành NN&PTNT Lai Châu đạt được những kết quả nổi bật, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến huyện được thực hiện sát sao, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời ban hành giúp người dân, doanh nghiệp gieo trồng đúng khung thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất… Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn, vượt 1.500 tấn so với kế hoạch, an ninh lương thực được đảm bảo. Vùng chè tập trung chất lượng cao tiếp tục mở rộng phát triển, trồng mới thêm 607ha, đạt 103,7% kế hoạch. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được duy trì và phát triển. Diện tích cây ăn quả ngày càng tăng, tập trung với những loại cây hàng hóa chủ lực của tỉnh. Diện tích trồng mới cây ăn quả 533ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn, đạt 100%. Mặc dù trong năm qua một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc vẫn xảy ra, song Nhân dân tập trung tái đàn để đảm bảo kế hoạch. Tốc độ tăng đàn gia súc ước đạt 5%; tổng đàn gia cầm ước đạt 1.800 nghìn con, vượt 7,2% so với kế hoạch. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản được phát triển tối đa với đa dạng hình thức nuôi trồng để phát huy tiềm năng, lợi thế. Tổng sản lượng thủy sản trong năm 2022 ước đạt 3.690 tấn, đạt 100% kế hoạch. Diện tích rừng hiện có tiếp tục được bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên đạt 51,7%. Tổng diện tích trồng rừng mới năm 2022 ước đạt 2.992ha. Công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được thực hiện tốt, đảm bảo 100% mục tiêu đề ra. Năm 2023, ngành NN&PTNT tỉnh đề ra 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: tổng sản lượng lương thực đạt 225.000 tấn; chè trồng mới 395ha, sản lượng chè búp tươi 52.000 tấn; trồng mới cây ăn quả 180ha, sản lượng cây ăn quả 61.000 tấn; tốc độ tăng đàn gia súc 5%; sản lượng thịt hơi các loại 18,1 nghìn tấn… Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tich UBND tỉnh ghi nhận những kết quả ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm qua và chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, ngành cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong xây dựng các văn bản và cụ thế hoá các nghị quyết, chính sách; quan tâm hỗ trợ hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể; đánh giá toàn diện các mặt của ngành để có giải pháp thực hiện phù hợp; các huyện, thành phố rà soát lại các khu vực cấm chăn nuôi trong khu dân cư sớm gửi lên Sở NN&PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh; xây dựng phương án phát triển rừng bền vững cần phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phát triển các vùng dược liệu; tiếp tục quan tâm kết nối tiêu thụ sản phẩm… |
V.N (tổng hợp)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.