Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2023 | 10:42

Nông dân Lai Châu thoát nghèo từ mô hình nông nghiệp hiệu quả

Thời gian qua, Lai Châu nỗ lực tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao qua những mô hình nông nghiệp hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Thân Thuộc: Chuyển đổi cây trồng giúp người dân thoát nghèo

Khai thác lợi thế của địa phương, cấp uỷ, chính quyền xã Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) tích cực vận động Nhân dân trên địa bàn tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, xã phát triển vùng chè nguyên liệu, vùng trồng ớt, chanh leo có liên kết sản xuất với doanh nghiệp; phát triển chăn nuôi đại gia súc. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của xã.

Xã Thân Thuộc có 5 bản với 942 hộ dân. Toàn xã có trên 700ha đất nông nghiệp. Với mục tiêu giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chủ động thực hiện những giải pháp đồng bộ phù hợp với tình hình thực tiễn để tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên đất, nước, nguồn nhân lực.

Chúng tôi cùng cán bộ xã “mục sở thị” một trong những vườn chanh leo lớn của địa phuơng thuộc sở hữu của gia đình anh Tòng Văn Trung, bản Chom Chăng. Anh Trung cho biết, khu vực trồng chanh leo hiện tại là diện tích trồng ngô, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình. Mấy năm trước, gia đình anh chuyển đổi sang trồng cây bưởi. Tận dụng khoảng thời gian trồng bưởi, nghe cán bộ tuyên truyền, gia đình thử nghiệm trồng chanh leo với hơn 150 gốc.

Sau 1 lứa đầu thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Trung nhân rộng trồng thêm chanh leo có ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods. Hiện nay, gia đình anh trồng gần 1ha chanh leo, cho thu nhập mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Để có được kết quả này, vợ chồng anh tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

Cùng với chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, xã tăng cường vận động các hộ duy trì trồng cây lương thực, trong đó đưa các giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng; triển khai mở rộng vùng nguyên liệu chè. Xã thường xuyên cử cán bộ phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân theo đúng quy trình các khâu: trồng, chăm sóc, phòng bệnh, thu hoạch…

Mô hình chanh leo được bà con bản Chom Chăng nhân rộng tạo vùng liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Trong chăn nuôi, chính quyền địa phương chỉ đạo các bản tuyên truyền người dân lựa chọn vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Chủ động khâu tiêm phòng vắc-xin; công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét; dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi đại gia súc để lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Từ đó, không những giúp cây trồng hấp thu nhiều chất dinh dưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao mà còn giúp gia đình giảm nhiều chi phí đầu tư sản xuất.

Ngoài tập trung trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống cạnh quốc lộ 32 phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã và địa phương lân cận; nuôi gối vụ, tăng số lượng đàn thuỷ sản. Cùng với đó, xã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh cho các hộ dân; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể giúp đỡ những hộ gia đình có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.

Nhờ vậy, Nhân dân trên địa bàn hăng say phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Cho đến thời điểm này, xã Thân Thuộc duy trì sản xuất 270ha cây lương thực (lúa, ngô), các loại cây rau màu; sản lượng lương thực có hạt trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.397 tấn. Hiện tại, xã đang đôn đốc Nhân dân làm cỏ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho gần 372ha chè, trong đó có hơn 358ha chè kinh doanh, năng suất đạt 6,136 tạ/ha; 50ha cây ăn quả. Tổng đàn gia súc 3.316 con, tổng đàn gia cầm trên 25.000 con, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 16ha… Tính đến nay, thu nhập bình quân của toàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 8%.

Thời gian tới, xã tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng chè, cây ăn quả, cây ớt, hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết, bao tiêu sản phẩm. Phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hoá thị trường. Phấn đấu đến hết năm 2023, xã đạt thu nhập bình quân 42 triệu đồng/người/năm.

Tam Đường: Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 NQ-HU ngày 24/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tam Đường về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025; đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đường đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với quy mô vừa và nhỏ theo chuỗi liên kết tại các xã, thị trấn. Từ đó, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập cho người dân.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Nghị quyết số 02 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: duy trì, nâng cao hiệu quả 600ha lúa hàng hóa, gắn với chế biến tiêu thu sản phẩm; trồng mới 400ha chè chất lượng cao, nâng tổng diện tích trên 2.200ha, giữ vững và phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Chè Tam Đường”; mở rộng và duy trì ổn định diện tích cây dong riềng 120-150ha; xây dựng nhãn hiệu Miến dong Bình Lư; trồng mới 800ha mắc-ca (trong đó trồng xen cây chè 500-600ha), nâng tổng diện tích trên 1.200ha; tiếp tục phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân mở rộng diện tích cây ăn quả 100ha…

Bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường tăng thu nhập từ cây chè.

Để đạt được các mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện Tam Đường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn trong việc ban hành các văn bản; tuyên truyền, vận động và định hướng Nhân dân thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, huyện tổ chức quy hoạch vùng sản xuất dựa trên tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư mở mới và nâng cấp đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng đa mục tiêu chủ động tưới tiêu cho cây trồng. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ giúp hiện thực hóa các chương trình về phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, huyện duy trì, nâng cao hiệu quả 600ha lúa hàng hóa đạt 100% so với nghị quyết đề ra; sản lượng 3.240 tấn, tại các xã Thèn Sin, Bình Lư, thị trấn Tam Đường… cơ cấu giống chủ yếu Séng cù, DS1, Hương thơm số 1. Tập trung bảo vệ, chăm sóc, thâm canh tốt cây chè hiện có, từ năm 2021 đến nay huyện trồng mới 224,3/400ha chè tập trung, nâng tổng diện tích chè 2.060,4/2.236ha, đạt 92,1% so nghị quyết. Tăng cường canh tác chè theo hướng an toàn, áp dụng các quy trình sản xuất theo GAP, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. 

Vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca, đến nay toàn huyện có 943,3ha mắc-ca, diện tích kinh doanh 341,2ha, sản lượng thu hoạch 1.033 tấn/năm. Riêng với cây dong riềng thực hiện 200/150ha, đạt 133,3% so với nghị quyết; xây dựng thành công nhãn hiệu “Miến dong Bình Lư”.

Đưa Nghị quyết số 02 vào cuộc sống, xã Sơn Bình chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, đẩy mạnh mô hình liên kết, mô hình sản xuất hàng hóa như: vùng cây ăn quả ôn đới trên 19ha, thu nhập trên 170 triệu đồng/ha; dong riềng hơn 30ha, thu nhập 100 triệu đồng/ha; phát triển 100 đàn ong, giá trị 150 triệu đồng mỗi năm và 17.600m3 nuôi cá nước lạnh, giá trị thu trên 23 tỷ đồng. Thông qua mô hình liên kết giúp người dân nâng cao năng lực, khắc phục những bất lợi về quy mô, diện tích và mạng lại giá trị kinh tế; khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp người dân yên tâm đầu tư, tham gia thực hiện liên kết sản xuất.

Là một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh Chang A Thào, ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chanh leo với quy mô 7.000m2. Với quy trình sản xuất khoa học, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch nên diện tích cây chanh leo của gia đình phát triển tốt cho năng suất cao, trừ chi phí mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết 02 đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân. Đến nay, huyện Tam Đường dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng lúa hàng hóa 600ha, thu nhập 65-70 triệu đồng/ha, vùng cây ăn quả trên 330ha, thu nhập trên 170 triệu đồng/ha; vùng mắc-ca trên 943ha, thu nhập 150 triệu đồng/ha.

Cán bộ xã Sơn Bình hướng dẫn bà con bản Chu Va 12 chăm sóc chanh leo.

Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã có bước tiến khởi sắc, giai đoạn 2021-2023 xây dựng mới 5 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, ngựa tập trung nâng tổng số cơ sở chăn nuôi tập trung 11 cơ sở, quy mô trên 15 con/1 cơ sở; phát triển mới 2 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 100 con/cơ sở; phát triển mới 1 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 50 con/1 cơ sở. Từ năm 2021 đến nay thành lập mới 5 hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã. Quan tâm chỉ đạo thu hút các tổ chức, cá nhân vào khảo sát đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện có 13 công ty, trung tâm đang thực hiện đầu tư.

Cùng với đó, huyện Tam Đường tập trung xây dựng nhãn hiệu, từng bước hình thành các thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm và xây dựng thành công 1 nhãn hiệu “Miến dong Bình Lư” và 3 sản phẩm nhãn hiệu “Mận Tam Đường đặc sản Lai Châu”, “Lê Tam Đường đặc sản Lai Châu”, “Đào Tam Đường đặc sản Lai Châu” đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ. Tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, thời gian tới huyện Tam Đường tiến hành rà soát các nội dung hỗ trợ để điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Hướng tới tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Giữ sinh kế bền vững cho người dân

Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Nậm Nhùn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Người dân ở khu vực có rừng biết khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng để cải thiện cuộc sống; tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng lên qua từng năm.

Tính đến nay, huyện Nậm Nhùn có 78,5 nghìn héc-ta rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 76.000ha, rừng trồng 30ha và trên 2.000ha rừng cây lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,46%. Tỷ lệ che phủ rừng của Nậm Nhùn tăng từ 1-2% và là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trong toàn tỉnh. Trong năm 2023 nguồn chi trả DVMTR rừng của huyện là trên 68 tỷ đồng.

Hiệu quả từ rừng mang lại giúp cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Nậm Nhùn xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Coi việc bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng là nền tảng vững chắc để nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là tại 3 xã biên giới. Từ các chính sách bảo vệ, phát triển rừng và trồng mới diện tích rừng giúp người dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định hàng năm, nhất là tại các xã, bản khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Để giữ rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện và chính quyền các xã giao cho các bản quản lý, bảo vệ rừng hàng năm. Với người dân, cộng đồng đã thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Với các phòng, ban chuyện môn huyện và các xã, thị trấn, xây dựng các biển tuyên truyền khu vực chi trả DVMTR ở các xã, thị trấn; phát tờ tranh tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR tới các bản. Cùng với đó, thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, hướng dẫn, định hướng cho người dân sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả.

Có thể thấy tại khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trong công tác phát triển rừng bền vững, góp phần chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Người dân bản Pá Bon (xã Nậm Pì) phát đường băng cản lửa bảo vệ rừng trong mùa khô.

Tìm hiểu thực tế tại xã biên giới Hua Bum - địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng tương đối lớn của huyện Nậm Nhùn (64%), tổng số diện tích đất tự nhiên hơn 26.000ha. Những năm qua, xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Năm 2023, trung bình mỗi hộ dân trên địa bàn xã được chi trả trên 25 triệu đồng. Số tiền trên đã giúp Nhân dân có nguồn thu nhập lớn, đồng thời giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.

Ông Đỗ Quang Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: “Với số tiền lớn, được chi trả thành hai đợt trong năm nếu bà con sử dụng không đúng mục đích sẽ rất lãng phí. Từ đó, căn cứ vào điều kiện từng bản để xã định hướng sử dụng cho bà con. Như ở bản Nậm Nghẹ, Pa Cheo định hướng cho bà con xây dựng nhà , công trình vệ sinh hay mua giống gia cầm, giống lúa về nuôi để phát triển kinh tế. Bản Chang Chảo Pá, Pa Mu phát triển nuôi thủy sản, nuôi đại gia súc. Từ những lợi ích mà rừng mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của bà con trong công tác bảo vệ rừng”.

Tại xã nội địa Nậm Chà, đây cũng là xã có diện tích rừng lớn của huyện với hơn 11.000ha, tỷ lệ che phủ đạt trên 60%. Trong năm 2022 vừa qua, toàn xã nhận được hơn 7 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, trung bình mỗi hộ dân nhận được trên 13 triệu đồng/hộ/năm. Số tiền trên đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua cây, con giống về phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Chà - một trong những bản) có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của xã với trên 70%. Ông Chẻo Sếnh Chòi (người dân trong bản) cho biết: “Từ khi có tiền DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của bà con đã tốt hơn rất nhiều. Trong bản lập quy ước, nếu ai vào rừng chặt phá cây, bắt động vật sẽ bị cả bản lên án và xem xét đề nghị không trả tiền DVMTR năm đó. Dưới tán rừng bà con trồng sa nhân cùng một số cây dược liệu khác. Cùng với việc khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng đã góp phần nâng cao đời sống cho dân bản”.

Giữ rừng không chỉ góp phần tạo sinh kế lâu dài, ấm no cho người dân mà còn giúp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, huyện Nậm Nhùn duy trì 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 4-5%/năm; thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm; 100% số xã và khoảng 60% số bản có đường ôtô đi lại thuận tiện trong mùa mưa. Những kết quả trên một phần cũng nhờ người dân bảo vệ, giữ được rừng.

Giữ rừng cũng chính là giữ ấm no, giữ sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng diện tích rừng của huyện Nậm Nhùn sẽ ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một ấm no hơn nữa.

V.N (tổng hợp từ baolaichau.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
Top