Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024 | 10:51

Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

Những năm gần đây, dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu,… nông dân các địa phương ở Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho nông sản… Cùng nhau thi đua sản xuất để làm giàu cho gia đình và quê hương.

Dồm Cang chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cấp ủy, chính quyền xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, đã đề ra nhiều giải pháp chuyển đổi diện tích đất đồi dốc, cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Nông dân bản Khá Men, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Xã Dồm Cang có 11 bản, với trên 1.300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Địa hình có độ dốc lớn, qua nhiều năm canh tác, phần lớn đất đã bạc màu, giữ ẩm kém, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây cam, quýt, xoài ghép, mận hậu, cải tạo vườn tạp ở một số bản vùng thấp, những nơi chủ động được nguồn nước tưới; trồng cây cà phê, cây dược liệu, trồng rừng ở các bản vùng cao. Các tổ chức đoàn thể của xã nhận ủy thác với các ngân hàng cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với tổng dư nợ gần 29,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cho nông dân. Tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả thành công tại các địa phương trong và ngoài huyện 2 lần/năm.

Từ năm 2018 đến nay, diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp của xã  tăng từ  2 - 3%/năm. Hiện nay, nông dân trong xã đang chăm sóc trên 300 ha cây cà phê, sản lượng đạt 354 tấn nhân khô/năm; 220 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt gần 400 tấn quả/năm. Việc chuyển đổi diện tích đất dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đã mang lại thu nhập cao cho nhân dân trong xã. Điển hình như mô hình trồng cây cam, cà phê xen xoài ghép của gia đình bà Lò Thị Chum, bản Khá Men, với thu nhập trên 180 triệu đồng/năm. Mô hình trồng cà phê, xoài, nhãn ghép của anh Tòng Văn Phan, bản Cang, có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Mô hình trồng bí xanh, dưa hấu, dưa bở, cam, xoài ghép của gia đình chị Tòng Thị Anh, bản Dồm, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...

Năm 2017, gia đình ông Tòng Văn Phan, bản Cang, vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng hơn 3 ha cà phê, xoài, nhãn ghép. Ông Phan chia sẻ: Năm 2023, gia đình tôi thu hoạch hơn 17 tấn quả cà phê, 5 tấn xoài, giá bán và đầu ra ổn định. So với trồng ngô, sắn trước đây, thu nhập từ cây ăn quả, cà phê cao hơn. Gia đình tôi còn chăn nuôi bò nhốt chuồng, gần 20 con dê sinh sản và nuôi gà thả đồi, bình quân thu từ cây trồng và chăn nuôi được trên 250 triệu đồng/năm.

Còn gia đình chị Lò Thị Chum, bản Khá Men, từ năm 2018 đã chuyển đổi đất nương trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 350 gốc cam Nà Mòn, gần 1 ha cà phê xen cây xoài ghép. Chị Chum chia sẻ: Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và học hỏi từ các mô hình trong huyện, trong xã, tôi đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả, trồng xen ghép cây ăn quả cùng với cà phê. Niên vụ 2023, gia đình tôi thu hơn 4 tấn cam, giá bán trung bình 22 nghìn đồng/kg; gần 8 tấn quả cà phê, thu trên 180 triệu đồng. Dự kiến vụ quả năm nay sẽ thu hơn 200 triệu đồng.

Xã Dồm Cang đang tập trung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp, mở rộng diện tích trồng cà phê; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả thành công tại các địa phương trong và ngoài huyện... Đồng thời, chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây thông mã vĩ, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc. Phấn đấu đến năm 2025, xã có trên 250 ha cây ăn quả, 350 ha cây cà phê.

Những nương đồi cằn cỗi trước đây giờ đã được phủ màu xanh của cây ăn quả, cây cà phê, điều đó đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp của xã Dồm Cang. Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 11,5% và duy trì, nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phụ nữ Vân Hồ thi đua phát triển kinh tế

Cụ thể hóa phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mô hình trồng dâu tây của hội viên phụ nữ bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ. 

Bà Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Hồ, cho biết: Hội có trên 10.000 hội viên sinh hoạt ở 115 chi hội. Hưởng ứng các phong trào thi đua, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hội LHPN huyện đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 52 tổ tiết kiệm vay vốn, cho trên 3.200 hộ vay với tổng dư nợ trên 122 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội LHPN các xã duy trì 109 mô hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng, hỗ trợ gần 500 lượt hội viên vay vốn. Qua khảo sát, hầu hết các nguồn vốn được hội viên sử dụng đúng mục đích, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Bà Đinh Thị Loan, bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, là hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, gia đình bà Loan có 6 ha trồng dâu tây, mận hậu, rau xanh. Bà Loan chia sẻ: Từ năm 2014, tôi được Chi hội phụ nữ bản hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2023, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà bạt và hệ thống tưới nước tự động, giúp các loại cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. Ngoài ra, còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 hội viên phụ nữ của bản với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Bên cạnh những cá nhân làm kinh tế tiêu biểu, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Vân Hồ còn xuất hiện nhiều HTX do phụ nữ làm chủ, tổ chức hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên. Tiêu biểu như HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha, bản Tưn, xã Xuân Nha. Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX được thành lập từ năm 2020 với 9 hộ thành viên đều là phụ nữ. HTX sản xuất 3 sản phẩm chính, là măng khô ủ chua xé sợi, măng miếng khô và măng hốc muối chua; trong đó có 1 sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao; doanh thu năm 2023 trên 550 triệu đồng. Hiện, chúng tôi đang dự định mở rộng vùng nguyên liệu từ 200 ha lên trên 300 ha với 435 hộ liên kết, từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập.

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” đã lan tỏa đến toàn thể hội viên trong các chi hội, tạo động lực để hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Mai Sơn: Mở rộng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản

Những năm gần đây, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản, liên kết xây dựng các vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Nông dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn liên kết trồng ngô ngọt cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Hiện nay, huyện Mai Sơn có 6 công ty chế biến cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã thành lập Tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của huyện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đồng thời, tham mưu cho huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể phát triển mở rộng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức các hội nghị bàn giải pháp phát triển một số cây trồng chủ lực trên địa bàn, gồm: Cà phê, mắc ca, sắn, xoài, nhãn, ngô, na và dâu tây, có sự tham gia của các doanh nghiệp và HTX. Trong quá trình liên kết, người sản xuất tuân thủ nghiêm kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của nhà máy chế biến. Doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản ký kết và cam kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp.

Mới đi vào hoạt động năm 2023, Công ty cổ phần Chế biến cà phê Sơn La đã thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: Đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy, Công ty đã liên kết sản xuất 368 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao với 684 hộ ở 8 bản của xã Chiềng Chung và Chiềng Ban, sản lượng niên vụ 2023-2024 khoảng 6.000 tấn. Đồng thời, phối hợp triển khai liên kết sản xuất cây cà phê trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, khép kín thông qua các HTX.

Còn bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, thông tin: Trong tổng số 843 ha nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn huyện Mai Sơn, đơn vị đã ký kết hợp đồng với 14 doanh nghiệp, HTX, với tổng diện tích 424 ha. Liên kết sản xuất, Công ty cam kết cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, hoặc ứng trước và khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Đồng thời, cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn quy trình sản xuất và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn theo giá được ký kết trong hợp đồng.

Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung là đơn vị liên kết cung cấp sản phẩm ngô ngọt cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Công ty ký hợp đồng liên kết với gần 200 hộ, sản xuất hơn 50 ha ngô ngọt, rau chân vịt cung cấp nguyên liệu cho Doveco Sơn La. Qua 3 năm hợp tác sản xuất, Công ty đã cung cấp 5.000 tấn ngô ngọt phục vụ chế biến. Năm 2024, Công ty tiếp tục liên kết sản xuất mở rộng diện tích ngô ngọt và rau chân vịt, góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp huyện Mai Sơn chuyển dịch đúng định hướng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện đang tiếp tục vận động nông dân, các HTX liên kết, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi an toàn đối với các nông sản chế biến khác; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ, chế biến.

Xây dựng thương hiệu lê Phiêng Khoài

Với mục đích liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năm 2021, có 8 hộ dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu góp vốn thành lập HTX Kiên Cường và chọn cây lê làm cây trồng chủ lực. Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX xây dựng, quảng bá thành công thương hiệu lê Phiêng Khoài, nâng cao thu nhập của thành viên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vườn lê Tai Nung áp dụng công nghệ cao của HTX Kiên Cường.

Chị Đinh Thị Mây, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Kiên Cường, có diện tích lê lớn nhất HTX, chị cũng là người vận động, liên kết bà con trong bản, xã thành lập HTX. Đưa chúng tôi thăm vườn lê đang thời kỳ đậu quả, chị Mây giới thiệu: Năm 2014, qua tìm hiểu trên sách báo và trực tiếp tham quan mô hình trồng lê ở Lào Cai, tôi quyết định trồng 1.000 gốc lê Tai Nung, thay thế diện tích chè năng suất thấp. Đến giữa năm 2018, vườn lê thu đợt quả đầu, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước. Ngay vụ bói quả đầu tiên, đã thu trên 7 tạ quả, giá bán 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Vì vậy, các năm tiếp theo, tôi tăng dần diện tích trồng lê lên 4.000 gốc.

Với 6 ha lê, mỗi năm gia đình chị Mây thu hơn 30 tấn quả, giá bán trung bình từ 40.000-80.000 đồng/kg tuỳ vào kích thước quả, bình quân thu về 600 triệu đồng.

Chị Mây chia sẻ thêm, để quả lê đạt chất lượng, năng suất cao, phải tuân thủ kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tỉa quả. Là loại cây ưa đất ẩm, từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch phải đảm bảo đủ nước, quả mới to, vỏ căng bóng, nhiều nước, ngọt. Ngược lại, nếu thiếu nước, quả bé và dễ rụng. Bí quyết để hạn chế quả bị rám vỏ, sâu đục, khi quả bắt đầu phát triển 3 tuần, tiến hành bọc quả. Nhờ phương pháp này, quả lê có mẫu mã đẹp, to đồng đều, vị ngọt đậm, giòn, khi bổ ra không bị thâm như các giống lê khác. 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, từ năm 2021, chị Mây liên kết với các hộ trong vùng mở rộng diện tích lê và thành lập HTX Kiên Cường. Đến nay, HTX có 8 thành viên và liên kết các hộ dân trồng trên 70 ha lê.

Từ khi tham gia HTX, các thành viên tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học chăm bón; bao quả để có mẫu mã đẹp. HTX còn thành lập tổ kiểm soát, thường xuyên kiểm tra các vườn lê, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Năm 2023, HTX thu trên 100 tấn quả, tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng; trung bình mỗi thành viên thu nhập 400-700 triệu đồng/năm. 

Là một trong những thành viên tham gia HTX ngay từ những ngày đầu, anh Phan Đình Sơn, bản Thanh Yên 2, xã Phiêng Khoài, chia sẻ: Giống lê Tai Nung có ưu điểm là sinh trưởng nhanh, đến năm thứ 4 cho thu hoạch và có thể thu liên tiếp trong vòng 10 năm. Đặc điểm của cây lê, hoa rất sai, tỷ lệ đậu quả cao, nên giai đoạn khi cây bắt đầu hình thành quả, cần phải thường xuyên thăm vườn, chú trọng nước tưới, cắt tỉa quả, mỗi chùm chỉ giữ lại 2-3 quả để quả phát triển to đều. Đặc biệt, chú ý việc vịn cành tạo tán, nếu không cây sẽ vươn lên cao, khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, với 2 ha lê, dự kiến năm nay gia đình sẽ thu được 15 tấn quả.

Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, sản phẩm lê của HTX Kiên Cường được cấp giấy chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Hiệu quả kinh tế từ cây lê mang lại, nhiều bà con trong xã Phiêng Khoài đến trực tiếp đến HTX tham quan học tập kinh nghiệm, cải tạo đất trống, vườn tạp để trồng.

Đến nay, diện tích lê trong toàn xã đã mở rộng lên gần 90 ha. Chủ động đầu ra cho sản phẩm, HTX còn kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển một số nhà phân phối, các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh; tìm hiểu bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tiktok; từng bước khẳng định thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm.

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, thông tin: Hiện nay, xã có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, HTX Kiên Cường là một trong những HTX tiêu biểu. Việc HTX đưa cây lê vào trồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở thêm hướng phát triển kinh tế ở xã, nâng cao thu nhập nông dân. Xác định cây lê là cây trồng tiềm năng, xã vận động bà con mở rộng diện tích trồng tại các bản có điều kiện phù hợp, thay thế các cây trồng kém hiệu quả; phối hợp với huyện hỗ trợ liên kết tiêu thụ, quảng bá thương hiệu đưa quả lê trở thành sản phẩm hàng hoá riêng của xã. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tập trung ứng dụng công nghệ cao trong trồng, chăm sóc để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

 

Nguồn: baosonla.org.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top