Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất xanh, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ để giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, sẽ tạo cho nông dân tăng thêm nguồn thu nhập khi tạo được tín chỉ carbon.
Nông dân làm nông nghiệp phát thải thấp, tham gia bán tín chỉ carbon
Để tạo sinh kế bền vững cho người dân miền núi tỉnh Quảng Nam từ các loại cây bản địa, anh Phạm Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vườn rừng Tây Giang đã mạnh dạn tham gia thị trường tín chỉ các bon, hướng tới doanh nghiệp xanh và bền vững.
Nhận thấy, Tr’đin là một loại nước uống được chiết xuất từ những giọt nhựa quý của cây Tr’đin chỉ có ở vùng Tây Giang (Quảng Nam) vừa bổ dưỡng lại mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống cộng đồng, anh đã liên kết với người dân để ươm trồng cây Tr’đin và mở rộng vùng nguyên liệu với mục đích ban đầu là sản xuất nước đóng lon.
Người dân khai thác nước từ cây Tr'đin
“Việc ươm, trồng cây Tr’đin tại Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) không chỉ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân, mà còn góp phần tăng độ che phủ rừng, tái tạo và giữ nguồn nước, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tái tạo hệ sinh thái, môi trường sống cho động, thực vật và trung hòa các bon, hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero tại COP26” – anh Hoàng chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Giang, Nam Giang, Hòa Vang từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, anh Phạm Thanh Hoàng còn tham vọng đưa thêm một sản phẩm đặc biệt nữa ra bán, đó là tín chỉ khí thải các bon từ chính những vùng nguyên liệu được hình thành. Vừa qua, Công ty CP Thực phẩm Vườn rừng Tây Giang và Công ty CP GEEZ NET-ZERO đã ký kết hợp tác chiến lược về thúc đẩy, phát triển các hoạt động liên quan đến giao dịch tín chỉ các bon, chuyển nhượng quyền phát thải, bao gồm tín chỉ các bon.
Còn tại Nghệ An dự kiến sẽ có khoảng 24.000 hộ nông dân thuộc các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương và Diễn Châu... tham gia, với trên diện tích 6.000 ha lúa. Nông dân sẽ tăng thu nhập thông qua việc đạt tín chỉ carbon trong trồng lúa ngoài thu nhập từ canh tác lúa.
Nghệ An có tiềm năng lớn về tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Hoạt động giảm phát thải khí mê tan liên quan đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa có tên gọi “tưới ngập- khô xen kẽ hay còn gọi Nông Lộ Phơi”, giảm lượng nước sử dụng và nâng cao thu nhập của nông dân. Khí mê tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật này là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân sản xuất lúa thông qua số tín chỉ mà họ đã đạt được.
Dự kiến, dự án hợp tác giúp nông dân sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An nhằm phát hành tín chỉ carbon bằng việc giảm phát khí thải mê tan trong quá trình canh tác lúa sẽ được thực hiện thông qua tư vấn từ một đơn vị do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ carbon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có sự phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, quy hoạch vùng, từ đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện, tạo thành áp lực để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu.
Tỉnh Hà Tĩnh đang khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình phát triển rừng bền vững, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 37.000 ha được cấp chứng chỉ FSC.
Đơn vị tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng” này là Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim, huyện Hương Sơn. Năm 2017, sau khi kiện toàn xong bộ máy tổ chức, Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim bắt tay tập huấn cho hàng trăm hộ dân 3 xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, huyện Hương Sơn về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững. Kết quả, cuối năm 2018, những đồi keo xanh mơn mởn, đường kính từ 70 – 80 cm trên dãy Trường Sơn thuộc các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ rừng FSC.
Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim chia sẻ, sau 5 năm, 4.030 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC của Liên hiệp HTX sẽ hết hạn vào ngày 1/4/2024. Để đảm bảo duy trì chứng chỉ bền vững đến năm 2028, mới đây đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức GFA sang đánh giá lại cho diện tích 4.030 ha của chu kỳ trước và hơn 2.000 ha mở rộng mới theo tiêu chuẩn FSC.
Theo ông Biển, hiện Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim đã quy tụ hơn 2.100 hộ dân của 12 xã thuộc huyện Hương Sơn tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC. Hiệu quả kinh tế diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC đem lại cho người dân cao gấp hai, ba lần so với sản xuất thông thường.
Việt Nam bán thành công tín chỉ carbon rừng với trị giá 51,5 triệu USD
Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng.
Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Đầu tháng 8/2023, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt một cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỉ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249 tỉ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong số 6 tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỉ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỉ đồng, Thanh Hóa 162 tỉ đồng, Hà Tĩnh 122 tỉ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỉ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỉ đồng.
Bên cạnh số tín chỉ đã bán, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018-31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2. Còn lại 5,91 triệu tấn CO2, WB muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2. Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin Chính phủ chấp thuận cho xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Người nông dân tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất sạch để giảm phát thải trong nông nghiệp, không những có thu nhập cao mà còn làm cho biến đổi khí hậu không trở nên trầm trọng, bảo vệ được cuộc sống của con người trên toàn bộ hành tinh nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo Báo VNEconomy, báo Tài nguyên & Môi trường, Báo Nghệ An
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.