Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 2024 | 13:16

Nông nghiệp Bắc Giang: Bứt phá

Liên tiếp 4 năm liền, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng trưởng dương, có năm lên tới gần 6%. Điều gì đã làm nên những thành quả nổi bật như vậy? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tùng, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang (từ ngày 1/1/2024, ông Tùng được phân công, luân chuyển giữ chức Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa).

Năm 2023, tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Giang đạt trên 3%, là năm thứ 4 ngành Nông nghiệp tăng trưởng dương. Điều gì đã làm nên những kết quả này, thưa ông?

Trước kia, Bắc Giang cứ năm trước tăng trưởng cao, năm sau lại thấp. Giờ đây, 4 năm liền tỉnh duy trì tăng trưởng dương, thậm chí có năm tới gần 6%, rất là hiếm. Năm 2023, năm thứ 4 tăng trưởng trên 3%. Đây là kết quả rất phấn khởi của ngành Nông nghiệp.

Năm 2023 là năm thứ 4 Bắc Giang duy trì tăng trưởng dương, và cũng là năm sản lượng xuất khẩu vải thiều đạt trên 50%.

Để đạt được kết quả đó, trước hết, phát xuất phát từ truyền thống quan tâm của cấp ủy, chính quyền đến nông nghiệp. Bắc Giang xác định trong nhiều nhiệm kỳ, phát triển cân đối, hài hòa giữa đô thị, dịch vụ và nông nghiệp, đi bằng cả ba chân.  Mặc dù hiện nay tỉnh đang phát triển rất mạnh về công nghiệp và đô thị nhưng vẫn quan tâm tới nông nghiệp.

Vì sao thế? Vì nông nghiệp mang tính trụ đỡ, mang tính an sinh, lo cho tỷ lệ rất đông dân cư ở nông thôn. Sự quan tâm đó thể hiện bằng việc lãnh đạo, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, bằng việc ban hành một loạt cơ chế, chính sách. Khi Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tam nông, ngay lập tức Bắc Giang có Chương trình hành động. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh tham mưu chùm cơ chế, chính sách về nông nghiệp, ban hành nhiều chính sách đặc thù.

Như ban hành Nghị quyết 26 về các cơ chế đặc thù hỗ trợ vốn vay cho nông nghiệp; hỗ trợ tích tụ đất đai cho hợp tác xã; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn; hỗ trợ các nông sản có hiệu quả cao như: rau chế biến, lúa chất lượng; hỗ trợ phát triển rừng kinh tế, rừng gỗ lớn; hỗ trợ về giống, hỗ trợ về sản phẩm OCOP…

Chưa bao giờ Bắc Giang ban hành hệ thống chính sách lớn như vậy cho nông nghiệp. Tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp và đô thị nên có nguồn lực tốt hơn đầu tư lại cho nông nghiệp. Tỉnh đầu tư cho nông nghiệp, nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng, diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, giá trị theo đúng tinh thần Nghị quyết 19, đó là phát triển kinh tế nông nghiệp lấy hiệu quả làm thước đo, lấy sản phẩm làm quan trọng.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả các lĩnh vực ngành Nông nghiệp đạt được trong năm 2023?

Về trồng trọt, năm 2023, mưa thuận gió hòa, cả hai vụ lúa được mùa; vải thiều được mùa, sản lượng trên 200.000 tấn; cam, bưởi rất sai, na sản xuất cả hai vụ cũng rất tốt. Cây ăn quả được mùa, được giá. Tỉnh quản lý tốt mã số vùng trồng; quan tâm xuất khẩu, chưa bao giờ sản lượng xuất khẩu vải thiều đạt trên 50%. Qua đây cho thấy thị trường được mở rộng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn không tăng, nhưng dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm, chính vì thế mà ổn định chăn nuôi. Cả năm 2023, giá gia cầm khá tốt. Có thể nói, chăn nuôi gia cầm là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp Bắc Giang. Đầu con gia cầm khoảng 20 triệu con, chu kỳ tăng đàn, chu kỳ quay đàn tốt, chưa bao giờ sản lượng thịt hơi tăng tới 8%.

Thủy sản tăng khoảng 3%, giúp cho cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đều tăng trưởng, tăng trưởng của ngành đạt trên 3%. 

Bắc Giang được xem là điểm sáng trong xây dựng NTM và Chương trình OCOP. Ông có thể cho biết thêm về 2 lĩnh vực này?

Về OCOP, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, tiêu chuẩn chấm mới cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn cũ. Do vậy, năm 2023 là năm làm rất quyết liệt trong việc tập huấn, hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể làm theo bộ tiêu chí này. Tỉnh mạnh dạn phân cấp theo đúng quy định. Năm 2023, Bắc Giang có thêm 104 sản phẩm OCOP, đây là năm sản phẩm đạt OCOP nhiều nhất từ trước đến nay về số lượng sản phẩm mới. Bắc Giang cũng rất nghiêm túc trong việc phân hạng đánh giá các sản phẩm đến kỳ đánh giá lại mà không đạt yêu cầu, tỉnh đã loại 19 sản phẩm không đạt, để duy trì chất lượng sản phẩm.

Năm 2023, Bắc Giang có thêm 104 sản phẩm OCOP, đây là năm nhiều nhất từ trước đến nay.

Trong xây dựng NTM, hết năm 2023, Bắc Giang có thêm 09 xã đạt chuẩn NTM, lũy kế toàn tỉnh có 154/182 xã, chiếm 84,6%, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,4 tiêu chí/xã, tăng 0,3 tiêu chí so với năm 2022; thêm 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 11 xã đạt NTM kiểu mẫu, lũy kế có 12 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Có thêm 119 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 359 thôn NTM kiểu mẫu. Lục Nam là 1 trong 4 huyện miền núi, đến nay huyện đã về đích NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Ông có nhận định gì về khó khăn cũng như Kế hoạch của ngành Nông nghiệp Bắc Giang trong năm 2024?

Khó nhất hiện nay là thời tiết bất thường, không thuận lợi. Thứ hai là thị trường tiêu thụ, sức mua của nền kinh tế yếu, nên tiêu thụ nông sản trong nước gặp khó khăn, xuất khẩu cũng gặp khó do ảnh hưởng của xung đột trên thế giới. Thứ ba, yếu tố đầu vào như: phân bón, thức ăn chăn nuôi ở mức giá khá cao, chưa thể hạ ngay được.

Trước bối cảnh đó, năm 2024, tỉnh phải xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với các loại cây trồng, vật nuôi, cụ thể về sản lượng, số lượng chất lượng. Hai là tập trung chỉ đạo các chính sách mới ban hành đi vào cuộc sống, tránh việc ban hành song không hiệu quả. Tập trung đưa nguồn lực về cơ sở, hỗ trợ về vốn, về sản xuất, tiêu thụ. Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, và phát triển kinh tế nông nghiệp là hướng đi nhất quán.

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đa mục tiêu, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bây giờ không phải khẩu hiệu nữa mà đây là công việc bắt buộc phải làm; chuyển đổi số trong nông nghiệp, đây là con đường buộc phải hướng tới để tồn tại. Để hội nhập quốc tế, không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng nông sản, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Năm 2023, Bắc Giang có sản lượng trái cây xuất khẩu lớn. Ông có thể cho biết, giải pháp để xuất khẩu trái cây bền vững thời gian tới ?

Bắc Giang có lợi thế phát triển cây ăn quả, đa dạng trái cây với sản lượng lớn. Bắc Giang đang từng bước hình thành tỉnh 4 mùa cây trái, đa dạng trái cây để có thị trường ổn định. Cùng với đó, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, muốn xuất khẩu được thì phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đây là bắt buộc.

 Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bắc Giang đi đầu toàn quốc về cấp mã số vùng trồng và số hóa. Trong tiêu thụ, kết nối được với các thị trường là hết sức quan trọng. Thị trường truyền thống Trung Quốc là số 1, vì sao, vì nước này rất gần Việt Nam, có nhu cầu lớn. Thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu,… cần quan tâm để xúc tiến. Chính vì thế, tỷ lệ xuất khẩu vải thiều năm 2023 cao hơn tiêu thụ nội địa, đây là hướng mở của thị trường.

Tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến, đa dạng hình thức để quảng bá. Năm 2023, Bắc Giang mời các TikToker, các nền tảng online vào cuộc, rồi các người nổi tiếng để quảng bá. Đa dạng cách làm không lặp lại, tạo sự đổi mới, tạo sức hút để thu hút du khách, họ vừa là người tham quan, vừa là người quảng bá, vừa là người tiêu thụ. Phải đổi mới cách làm để làm sao mình không lặp lại chính mình.

Xin trân trọng cảm ơn những trao đổi của ông!

 

Hoàng Văn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top