Với mục tiêu tăng trưởng 2,64% của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong năm 2023, đến thời điểm này có thể khẳng định là đạt được và dự kiến có sự bứt phá.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu vùng sản xuất. Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đồng thời, cùng các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp…
Khai thác thế mạnh của ngành nông nghiệp Thủ đô
Nhiều thế mạnh của nông nghiệp Thủ đô đã được khai thác và phát triển một cách tối đa để đạt mục tiêu tăng trưởng 2,64%, trong đó có chăn nuôi, trồng trọt… Đến thời điểm này, bà con nông dân đang chuẩn bị hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Chăm sóc đàn lợn theo tiêu chuẩn VietGAP tại một trang trại ở xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang
Tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) hàng trăm gốc bưởi Diễn đang bước vào giai đoạn chín, chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Theo bà con nông dân trồng bưởi tại xã này, mỗi gia đình có khoảng 100 – 150 gốc bưởi, mỗi cây cho khoảng 150 – 200 quả là một nguồn thu lớn cho bà con vào những tháng cuối năm.
Hiện, các hộ trong thôn Bé của xã Nam Phương Tiến đều tất bật trong vụ thu hoạch cuối năm. Năm nay, nắng nhiều nên bưởi khá đậm vị, vỏ vàng óng, chất lượng tố, một người trồng bưởi ở đây cho biết.
Ông Lê Văn Trẻo - một trong những chủ trang trại ấp trứng gà, vịt ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) cho hay, từ tháng 8/2023, các trang trại chăn nuôi trong xã đã tăng nhập con giống, thuê thêm nhân công, chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Sản phẩm nông sản của Liên Châu cung ứng ra thị trường dịp cuối năm sẽ bảo đảm ổn định.
Ở các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn… bà con nông dân đang tất bật sản xuất, chuẩn bị cung ứng nông sản cho thị trường cuối năm.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Nguyễn Doãn Thắng, để bảo đảm hiệu quả sản xuất, huyện khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng phế phẩm ủ phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng trồng cây vụ đông, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi tạo sức bật về kinh tế.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, vụ đông năm nay, huyện tập trung trồng rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh và đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao, chất lượng bảo đảm. Đây là những mặt hàng nông sản có nhu cầu lớn trong những tháng cuối năm nên huyện hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, ngày từ đầu năm, Sở đã cùng các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển trong năm 2023. Các địa phương như: Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai, Quốc Oai… đã, đang mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch một số loại cây trồng như bưởi, chuối, hoa cắt cành; đặc biệt là chăm sóc các vườn cây trồng giá trị cao như đào, quất cảnh, hoa lan, hoa ly… phục vụ cho thị trường cuối năm nay.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang trở thành xu thế tất yếu đòi hỏi ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân cần tích cực chuyển đổi linh hoạt sớm thích nghi. Hiện nay, TP. Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ bám sát những văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT trong xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu vùng sản xuất. Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đồng thời, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ cùng các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, HTX đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap.
“Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Không chỉ trong sản xuất, hiện sản phẩm gạo của hợp tác xã đều được dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và kết nối giao dịch trên các sàn thương mại điện tử” – ông Đỗ Văn Kiên nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, TP. Hà Nội xác định thực hiện phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
“Hiện, toàn ngành có trên diện tích 900ha ứng dụng công nghệ số. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm” – ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Theo ông Tạ Văn Tường, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh, xây dựng được một số cơ sở dữ liệu lớn cho lĩnh vực lâm nghiệp, internet kết nối vạn vật đã đi vào thực tiễn sản xuất. Ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được một số phần mềm chuyên dùng như quản lý lập địa, tự động hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng bền vững.
Phấn đấu vượt mục tiêu
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định: Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2,64% trong năm nay và phấn đấu vượt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là, cùng với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, ngành tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng kế hoạch tái đàn, phát triển chăn nuôi gia cầm; triển khai gieo trồng hơn 28 nghìn héc ta cây vụ đông, tập trung vào những nhóm cây/con có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, hữu cơ, chăn nuôi giống con đặc sản, bản địa; phát triển các vùng hoa cây cảnh có giá trị kinh tế cao như đào, quất, hoa lan, hoa ly, hoa chậu cảnh…
Mô hình nuôi gà D310 ứng dụng IOT của Công ty Dabaco (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội
Điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là ngành Nông nghiệp cùng các địa phương của thành phố tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, cung ứng cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, thành phố cũng quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản với đa dạng sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết như: Gạo, bún, miến, bánh đa, bánh kẹo, rau, củ, quả, giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản, thịt lợn. Đáng chú ý, các loại thịt đã được cung ứng đa dạng gồm thịt mát, thịt đông lạnh, thịt lợn sơ chế, thịt lợn ăn liền.
Với sự chủ động của ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương và bà con nông dân, mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Thủ đô dự báo sẽ bứt phát mạnh mẽ trong năm 2023, qua đó tạo tiền đề quan trọng cho năm 2024 đạt nhiều thắng lợi lớn hơn nữa.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.