Việc ứng dụng số là yêu cầu bức thiết hiện nay, không phải là chuyện “phong trào” hay “khẩu hiệu” và ngành hàng nông sản thực phẩm Việt không thể đứng ngoài cuộc. Bởi lẽ, nếu chậm chân giữa môi trường số hóa là các doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng này sẽ mất đi cơ hội, khi các đối thủ nhanh chân hơn.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) lắp đặt hệ thống quan trắc thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trụ cột để xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Ông Joseph Wozniak - Giám đốc Dự án “Thương mại vì sự Phát triển bền vững” thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC - một cơ quan của Liên Hợp quốc và WTO), cho biết ở Việt Nam hiện có có hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) được ITC phối hợp với sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số và sản xuất TMĐT.
Theo ông Wozniak, điều đó sẽ giúp các DN Việt nâng cao khả năng cạnh tranh ở lĩnh vực này trên thị trường trong quá trình hội nhập.
Như chia sẻ của vị giám đốc này tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với chủ đề “Nông sản, thực phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Bộ Công Thương vừa tổ chức ở Tp.HCM, công nghệ số là một trong những trụ cột để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm bền vững ở Việt Nam. Nhất là tạo dựng được niềm tin của khách hàng vào sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nhằm “minh bạch chuỗi cung ứng”.
Còn đứng ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh các phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số mới nhằm hỗ trợ các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng là rất cần thiết trong lúc này.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay và ngành hàng nông sản thực phẩm Việt không thể đứng ngoài cuộc”, ông Hải nói.
Nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị này cho rằng, các DN nội địa trong ngành hàng nông sản thực phẩm cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt là cần có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của các DN thông qua môi trường số.
Số liệu cập nhật hiện nay cho thấy, Việt Nam có khoảng hơn 20.000 HTX nông nghiệp, trên 14.000 DN nông nghiệp, khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông sản, và khoảng 9.400 siêu thị và chợ hạng 1.
Đây được xem là các dữ liệu cấu thành Big data (dữ liệu lớn) trên môi trường số cho ngành nông sản thực phẩm Việt. Theo giới chuyên gia, việc thu thập dữ liệu chi tiết về những thành phần và hoạt động của các chủ thể này cũng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các DN. Chẳng hạn như khi tiếp cận được Big data sẽ giúp DN nâng cao khả năng phân loại khách hàng tiềm năng để tối ưu hóa hiệu quả khai thác thị trường.
Nói về việc thích ứng với kỷ nguyên số như hiện nay dưới góc độ của một DN hàng đầu trong mảng chế biến trái cây xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng DN nội địa phải nhanh chóng chuyển đổi để bắt kịp các xu hướng thời đại, đó là chuyển đổi số, là trí tuệ nhân tạo (AI).
Chậm chân là mất cơ hội
Như lưu ý của ông Viên, ứng dụng số là yêu cầu, là đòi hỏi bức thiết mà các DN nông sản thực phẩm cần làm, không phải là chuyện “phong trào”, hay “khẩu hiệu”.
“Những DN lớn như chúng tôi chuyển đổi rất khó, vì bộ máy hình thành hết rồi, ứng phó với sự biến động cực kỳ là vất vả. Càng bế tắc thì càng mơ hồ, mơ hồ kinh khủng. Đóng cửa hay duy trì, duy trì thì chi phí ra sao. Đó là những bài toán mà các công ty lớn hiện nay rất đau đầu”, ông Viên chia sẻ.
AI cung cấp các giải pháp thông minh về phân loại đất cũng như chăm sóc cây trồng.
Chính vì vậy, theo vị chủ DN này, việc xây dựng con đường mới linh hoạt hơn là điều bắt buộc mà DN ngành thực phẩm phải làm. Chẳng hạn như việc tập hợp những nhân lực trẻ có khả năng thích ứng tốt với số hóa và có những chiến lược mới mẻ để không phải bị động trước những biến động của thị trường.
Riêng với khả năng thích ứng với kỷ nguyên số của các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong ngành hàng nông sản thực phẩm, chẳng hạn như ở khâu bán hàng trực tuyến, thực tế khoảng 2 năm trở lại đây sẽ thấy nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart…Và hơn một năm trở lại đây là TikTok cũng đang hỗ trợ đắc lực cho các sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng trên nền tảng của mình.
Tuy vậy, mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn TMĐT cũng chưa phát huy hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của sàn TMĐT Tiki, cho biết có nhiều chủ thể OCOP không thành công trên sàn TMĐT không phải vì sản phẩm không tốt mà là vì vận hành không tốt.
“Người tiêu dùng bây giờ không chỉ yêu cầu sản phẩm tốt mà còn phải nhanh chóng, kịp thời. Và như thế bắt buộc các chủ thể OCOP phải chuyển đổi số, phải thay đổi mô hình quản trị mới có thể đáp ứng yêu cầu vừa phải nhanh, vừa phải tốt của người mua”, ông Nhi bộc bạch.
Theo ông Nhi, các chủ thể OCOP cần chú trọng nhiều hơn đến việc quảng bá bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng của từng sản phẩm văn hóa tại mỗi địa phương. Qua đó giúp đưa các sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn, cải thiện doanh số bán hàng trên sàn TMĐT.
Trước yêu cầu thích ứng với yêu cầu mới của thị trường nông sản thực phẩm trong thời đại số, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị, khẳng định ứng dụng số sau đại dịch Covid-19 đã có một bước phát triển mạnh, đó là xu hướng, là yêu cầu. Tuy nhiên, các DN của chúng ta làm chưa tốt lắm, chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều.
“Nếu chậm chân là chúng ta mất cơ hội, khi các đối thủ của chúng ta nhanh chân hơn, nhưng phải làm gì để nhanh hơn, đó chính là ứng dụng số”, ông Hòa nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo vị giám đốc này, đây là lúc mà các DN Việt trong ngành nông sản thực phẩm cần phải tối ưu hóa việc ứng dụng số hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các DN phải thay đổi ngay lập tức chứ không thể mãi làm theo kiểu truyền thống được.
Từng bước hình thành kho dữ liệu lớn
Ngành nông nghiệp đang từng bước hình thành kho dữ liệu lớn, bởi đây là nền tảng cho công tác số hoá phân tích và dự báo thị trường nông sản. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị cho nông sản Việt.
Dữ liệu chung là khâu tiền đề để dự báo thị trường nông sản.
Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và tăng trưởng xuất khẩu. 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 43,08 tỷ USD. Năm nay, ngành nông nghiệp dự báo sẽ thu về 53-55 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần chỉ ra thực trạng ngành nông nghiệp vẫn mù mờ về thông tin dẫn đến tình trạng ngắt quãng cung cầu, người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về năng lực sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về những câu chuyện này.
Dữ liệu chung là khâu tiền đề để dự báo thị trường nông sản, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ định hướng phát triển sản xuất. Nhưng, nhiều năm nay chúng ta vẫn thu thập thông dữ liệu thủ công, phân tán, thiếu kết nối. Thế nên, giá nông sản bấp bênh, cung cầu không cân đối và rất nhiều lần phải kêu gọi “giải cứu”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp xoá dần tình trạng mù mờ. Theo đó, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng kho dữ liệu lớn là tiền đề để minh bạch thông tin, phân tích dự báo chính xác xu hướng thị trường, giá cả nông sản... sau đó quay lại tổ chức sản xuất sao cho phù hợp, đảm bảo cân bằng cung - cầu.
Để xây dựng kho dữ liệu lớn, năm 2022, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Bởi, có dữ liệu cơ quan quản lý mới nhìn thấy được các đối tượng quản lý, mô hình tổ chức, tối ưu hoá vận hành, từng bước thông minh hoá trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây sẽ là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Đồng thời, là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn, sản lượng, sản phẩm, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Từ đó, khai thác cơ sở dữ liệu cho các mục đích khác nhau như: xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất, điều tiết, kết nối cung cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự tính, dự báo, theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, đây là cơ sở quan trọng giúp ngành trồng trọt ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Dựa trên nền tảng này có thể phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực và sớm nhận diện các sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Để tạo thuận tiện trong quá trình hoạt động, ngoài website, Cục Trồng trọt đã phối hợp với VNPT xây dựng app trên điện thoại để các đơn vị có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, khai thác thông tin, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận, việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước, mang lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điển hình như theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác.
Hiện, dữ liệu trên hệ thống VNPT AIMS được đồng bộ liên tục, kết nối trực tiếp với các hệ thống quản lý chuyên ngành, trung tâm giám sát điều hành ngành nông nghiệp, giúp cơ quan quản lý giảm bớt thời gian thu thập, báo cáo, thống kê số liệu của ngành theo từng lĩnh vực, hỗ trợ ra quyết định kịp thời và chính xác.
Thông qua VNPT AIMS, các bộ ban ngành liên quan có thể quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực ngành nông nghiệp, đánh giá được tình hình quản lý và nắm được các thông tin chính xác về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dịch bệnh, kỹ thuật, sản xuất, mùa vụ,... một cách tổng quan, từ đó đưa ra những định hướng để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, 9 tháng năm 2022, Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện 43/51 nhiệm vụ trọng tâm được giao trong Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ trong năm 2023, liên quan đến nhận thức số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số... Ví như, lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thú y đã triển khai phát triển và hoàn thiện dữ liệu lớn của ngành.
Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng kiến trúc dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ sở để đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu hiện có và tiến tới chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu trong tương lai./.