Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 6 năm 2023 | 10:12

Nuôi biển truyền thống, một “canh bạc” may rủi trên biển cả

Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản trên biển ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nghề nuôi biển. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở ven biển và vùng biển gần bờ chủ yếu là nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường, gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Vùng nuôi thủy sản ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từng là “thủ phủ” nuôi tôm hùm ở miền Trung. Nơi đây mang lại nguồn thu nhập cao cho hàng ngàn hộ dân ven biển. Trải qua gần 3 thập kỷ, lồng nuôi phát triển tự phát quá lớn, mật độ lồng dày đặc, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm khiến cho đời sống của những người theo nghề nuôi biển bấp bênh…

Ông Nguyễn Hữu Nhất (62 tuổi) ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên nuôi tôm hùm xanh trên vịnh Xuân Đài bằng lồng truyền thống từ năm 1996 đến nay. Ban đầu, môi trường nước ở vịnh này ổn định, con tôm phát triển rất tốt, tỷ lệ con tôm giống trưởng thành đạt hơn 99%. Từ năm 2005 đến nay, khi giá tôm hùm tăng cao, các hộ dân ven vịnh Xuân Đài đổ xô làm lồng bè nuôi tôm và môi trường khu vực này ngày càng ô nhiễm nặng, có thời điểm tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm trắng tay.

Ông Nhất nhớ lại sự cố môi trường và nguồn nước thiếu oxy năm 2017 đã làm 45 lồng tôm hùm của ông chết gần hết, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Gia đình ông lâm cảnh nợ nần. Ông Nguyễn Hữu Nhất kể, trưa ngày 29/4/2017, người dân phát hiện tôm nuôi ở vịnh Xuân Đài bị chết, ông vội lặn xuống khu vực nuôi tôm của mình để kiểm tra thì thấy tôm bình thường. Đến tối hôm đó, khi thủy triều rút thì lồng bè của ông hạ xuống và tôm chết hàng loạt không thể cứu vãn được nữa. Chỉ sau 1 đêm, ông Nhất mất toi 2 tỷ đồng do lồng nuôi thiếu oxy. 

Người dân vệ sinh lồng nuôi trước khi thả giống.

Sau thất bại lứa tôm năm 2017, ông Nguyễn Hữu Nhất đã vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn để gầy dựng nuôi tôm hùm trở lại. Hiện nay, ông Nguyễn Hữu Nhất vẫn duy trì 45 lồng sắt bao lưới xung quanh để nuôi tôm hùm. Ông Nguyễn Hữu Nhất cho biết, do môi trường nước Vịnh Xuân Đài đã ô nhiễm nên tỷ lệ tôm giống trong lồng nuôi phải giảm 1/3 so với trước, nghề nuôi biển như một canh bạc may rủi.

“Giờ môi trường ở đây tôi nuôi tôm giống như mình đánh bạc, dỡ ra là 5 ăn 5 thua. Tôi đã xác định vịnh Xuân Đài bị ô nhiễm rồi, con tôm muốn thuận lợi thì chỉ nhờ vào mưa thuận gió hòa. Nếu có gió mùa tây nam mà thổi đều mỗi ngày thì bà con rất yên tâm. Chỉ cần 3 - 4 ngày không có gió mùa Tây Nam mà nó bỏ một ngọn gió đông nam thổi 3-5 ngày thì sẽ có hiện tượng nước xanh, nước đỏ thôi. Tự nhiên, không có gió sẽ thiếu ô xy phải ảnh hưởng đến phát triển, con tôm sinh bệnh, xác suất rủi ro cao”- ông Nhất bộc bạch.

Tại tỉnh Phú Yên, nhiều vùng nuôi như vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa), khu vực Hòn Yến (huyện Tuy An) đang có mật độ lồng bè thủy sản khá dày. Lồng nuôi thủy sản chủ yếu làm bằng gỗ và một số thùng phi, phao nổi không chống chịu nổi với thiên tai. Năm 2017, bão lớn đã gây thiệt hại nặng nề về lồng bè ở tỉnh Phú Yên. Nhiều ngư dân trắng tay, nợ nần chông chất.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, lồng nuôi thủy sản hiện nay của bà con chủ yếu làm bằng gỗ, khung sắt, chưa đủ sức chống chịu với mưa bão. Số lượng lồng nuôi đã vượt ngưỡng diện tích cho phép, môi trường ô nhiễm trầm trọng.

“Nuôi lồng bè hiện đã vượt ngưỡng về môi trường, diện tích cho phép. Do nuôi thủ công nên không chống chịu được biến đổi của thiên tai. Chúng tôi cũng làm quy hoạch chi tiết trên Vịnh Xuân Đài rồi. Tổ chức sắp xếp trên Vịnh Xuân Đài trước. Từ Vịnh Xuân Đài đó, chúng tôi sẽ sắp xếp lại vùng khác như đầm Cù Mông. Định hướng trong tương lai thì chúng tôi đưa vào quy hoạch một số vùng nuôi trên bờ và vùng ngoài 3 hải lý, vùng biển hở. Có Quy hoạch mới thu hút được các nhà đầu tư lớn, đầu tư nuôi công nghệ cao, công nghiệp ở vùng đó. Hiện nay chưa có mô hình đó thì người dân chỉ nuôi theo mô hình truyền thống” - ông Nguyễn Tri Phương nói.

Tỉnh Bình Định là địa phương có bờ biển dài nhưng mới có khoảng 60 ha diện tích mặt nước biển có lồng bè, chủ yếu tập trung vùng biển gần bờ các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn. Hầu hết các lồng bè nuôi truyền thống đều đơn giản, làm từ gỗ, không chịu được sóng to gió lớn. Các lồng bè chủ yếu nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá giò, cá hồng, cá mú, mực lá đều sử dụng thức ăn tươi sống, dễ gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, nghề nuôi biển ở Bình Định đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do nuôi theo kiểu truyền thống. Ông Thanh cho biết: “Hiện nay cái khó của tỉnh Bình Định là mặc dù có vùng biển rộng lớn nhưng là vùng biển hở cho nên mùa gió bão lồng bè truyền thống nuôi trồng rất khó, năng suất chất lượng bị ảnh hưởng đáng kể. Riêng nuôi biển, tỉnh Bình Định mới phát triển được 60 ha, khoảng 3.000 lồng bè nuôi. Xác định kinh tế biển, đặc biệt là nghề nuôi biển theo chủ trương chung của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua tỉnh tập trung quyết liệt quy hoạch vùng nuôi, góp phần nâng cao giá trị của thủy hải sản”.

Vùng nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đang quá tải lồng nuôi.

Các tỉnh Nam Trung bộ có tiềm năng và điều kiện nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm, vịnh và khu vực biển gần bờ (dưới 3 hải lý) rất lớn. Theo Cục thủy Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vùng nuôi thủy sản ven biển và khu vực biển gần bờ các tỉnh Nam Trung bộ đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, mô hình nuôi biển manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, các bè gỗ nguy hiểm, nhiều rủi ro.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển ở khu vực Nam Trung bộ rất lớn, cần sớm chuyển đổi nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp.

“Đối với nuôi biển ven bờ Nam Trung bộ, chúng ta phải tổ chức lại theo Luật Thủy sản 2017, cần quan tâm đến những người dân mà hiện nay chưa được cấp phép vùng nuôi, chưa được cấp có thẩm quyền giao mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt ở trong đề án chuyển đổi nghề, ở đây chúng tôi mong muốn những tàu khai thác có thể bà con phụ thuộc vào đời sống vào biển thì có thể được giao mặt nước để bà con phát triển nuôi trồng thủy sản để đảm bảo được sinh kế. Tổ chức lại ở đây có khía cạnh là không phải để cho rời rạc. Khi đã giao mặt nước là đồng hành với nó tổ chức liên kết sản xuất thành các hợp tác xã”- ông Trần Đình Luân nêu rõ phương hướng sắp tới.

Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65%-70% GDP cả nước. Hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết này, nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững. Trong đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản, nuôi biển đang từng bước chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam có 3.260 km bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó nhiều vũng vịnh, có các vùng nuôi xa bờ. Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng, bè; 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, nhỏ lẻ, hộ ngư dân là chủ thể, tự phát và manh mún. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có cơ sở nuôi cá biển xa bờ. Hiện mới có dưới 10 doanh nghiệp đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp. Những cơ sở này như những “đốm sáng” nuôi biển ngoài khơi xa.

Theo Thanh Thắng/VOV.VN

Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top