Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 9:55

Phát huy lợi thế gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi: Bài học Bắc Mê

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Bắc Mê (Hà Giang) tập trung triển khai các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, từ đó giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế.

Nhiều nông dân giỏi

Bắc Mê hiện có hơn 10.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, nội lực, đất đai, đẩy mạnh lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, huyện  vận động hộ khá - giàu, sản xuất kinh doanh giỏi giúp  hộ nghèo, hộ gặp khó khăn phát triển kinh tế.

Theo đó, hàng năm có trên 100 hộ nghèo được hỗ trợ về con giống, vốn; trên 370 hộ được phổ biến kinh nghiệm về cách đầu tư, chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Năm năm qua, Bắc Mê đã giúp 457 hộ nghèo khó khăn về vốn, kinh nghiệm và giúp 183 hộ thoát nghèo; vận động quyên góp được trên 300 triệu đồng  giúp đỡ về con giống...

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Phiêng Luông bị người dân chặt cành.

Điển hình như ông Nông Văn Quy (thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong) đã giúp 5 hộ trong xã nuôi rẽ trâu, bò sinh sản, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, góp phần tăng thu nhập (nuôi rẽ là hình thức có trâu, bò cho hộ có hoàn cảnh khó khăn nhận nuôi, sau khi trâu, bò sinh sản sẽ chia đều cho cả hai bên).

Ông Trương Đức Căn (thôn Phia Bióoc, xã Giáp Trung) thường xuyên phổ biến kinh nghiệm làm ăn cho người dân trong thôn và giúp 6 hộ nghèo khó khăn bằng vốn vay.

Gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (thôn Bản Loan, xã Yên Định) kinh doanh tạp hóa, dịch vụ máy xay xát kết hợp chăn nuôi với trồng rừng, nuôi cá, thu nhập trên 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng; đồng thời giúp đỡ 8 hộ nghèo, hộ khó khăn về con giống, vốn để phát triển kinh tế và cho nuôi rẽ 6 con trâu, bò…

Từ kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, thử thách với nhiều loại hình, gia đình anh Trần Văn Vình (thôn Nà Phe, thị trấn Yên Phú) trở thành địa chỉ của nhiều hộ dân tới học hỏi và mua con giống. Anh Vình  chia sẻ: Gia đình từng nuôi bò, gà và đến nay là tập trung nuôi dê. Bởi, nuôi dê không tốn nhiều công, không mất thức ăn và gia đình có diện tích đất rộng trên 19ha… Qua đó, tôi chọn chăn nuôi dê kết hợp trồng rừng. Từ thành công của gia đình, nhiều hộ dân trong thôn cũng như trên địa bàn huyện tới học hỏi và mua giống về nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Mê Nguyễn Đức Lợi chia sẻ: “Hàng năm, Hội  thành lập 9 tổ hội nghề nghiệp với gần 100 người tham gia; vận động trên 3.700 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có 661 gia đình đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phát động phong trào thực hiện “Vườn rau dinh dưỡng”, cải tạo vườn tạp tại các hộ gia đình. Sau 4 năm triển khai, đã có 3.860 hộ đăng ký tham gia, trong đó có 2.930 hộ có vườn rau. Cùng với đó, Hội tăng cường vai trò của nông dân giỏi trong phong trào “cầm tay chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu chè

Bắc Mê hiện có trên 460ha chè, sản lượng hàng năm cho thu hoạch hơn 1.000 tấn. Trong đó, hai xã Giáp Trung và Phiêng Luông có diện tích chè cổ thụ tương đối lớn... Những năm qua, mức độ đầu tư thâm canh diện tích chè của nông dân trong huyện còn thấp, nhiều hộ chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè búp tươi không cao, phát triển vùng nguyên liệu chưa bền vững.

Việc trồng, cải tạo chè già cỗi và chăm sóc chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản còn hạn chế, chưa chú trọng đầu tư về nhân lực, vật tư cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc để tạo cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Đơn cử như tại các xã Đường Âm, Đường Hồng, Minh Ngọc..., diện tích chè chỉ có khoảng 17 - 25 ha, đa phần là trồng xen với các loại cây lâm nghiệp khác; hàng năm, diện tích này cho thu hoạch không đáng kể. Nhiều hộ dân đã phá bỏ chè chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp khác.

Tại thôn Phiêng Luông (xã Phiêng Luông), trong quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ có 79 cây chè Shan tuyết tuổi đời trên 100 năm, do 5 hộ quản lý. Đặc tính của cây chè là càng lâu năm, chất lượng càng tốt, dược tính càng cao. Tuy nhiên, người dân chưa biết cách khai thác, chế biến, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Một số cây bị người dân chặt cành khiến cho sản lượng không còn; một số cây có hiện tượng bị sâu bệnh tấn công.

Anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp Bản Lạn, cho biết: Khi được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn, HTX được thành lập với 7 xã viên. HTX hiện có 20ha chè sản xuất, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn chè khô. Tuy nhiên, HTX đang gặp khó bởi diện tích cây chè trong thôn còn ít, sản phẩm chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong huyện. Cùng với đó, HTX cũng đang thực sự khó khăn khi xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây chè chưa phát huy được tiềm năng như: Lãnh đạo một số địa phương nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh chè chưa sâu sắc, thiếu sự chỉ đạo sát sao...

Nhiều hộ dân chỉ trồng đủ phục vụ gia đình, có hộ chế biến chạy theo lợi ích trước mắt, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và uy tín. Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu chè mới không đạt mục tiêu về diện tích, chưa hình thành được vùng nguyên liệu chè tập trung có chất lượng cao nên không thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến.

Nhiệm vụ đặt ra là phải sớm tổ chức lại sản xuất kết hợp với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng này.

Thành công nhờ liên kết, hỗ trợ sản xuất

Để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, những năm qua, Bắc Mê đã ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư; bàn giải pháp đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện theo hình thức đầu tư có thu hồi như: Xã Minh Ngọc liên kết với Công ty Phát Đạt Hà Giang thực hiện 45 ha lúa Xuân chất lượng cao; HTX Nà Xá (Yên Định) liên kết với Công ty An Đạt Thành - Chi nhánh Quang Bình thực hiện gieo mạ khay, máy cấy, cung ứng giống, phân bón; xã Phú Nam liên kết với Công ty TNHH Cát Thành trồng 60 ha nghệ; HTX Thiên Ân (Yên Cường) liên kết trồng dâu nuôi tằm...

Một số doanh nghiệp, HTX  đầu tư trồng dược liệu như: Tập đoàn TH ; Công ty CP Dược phẩm Trung ương II; HTX Dược liệu Phiêng Luông; Công ty TNHH Dịch vụ và xuất nhập khẩu Ngọc Linh; Công ty Dược liệu Bông Sen Vàng và 2 cá nhân đầu tư dự án chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả tại xã Yên Định. Ngoài ra, để phát huy lợi thế về chăn nuôi, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, phương án thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con gia súc giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025. Bên cạnh đó, với lợi thế diện tích lòng hồ thủy điện, các HTX tại Thượng Tân, Yên Phong, thị trấn Yên Phú đầu tư nuôi cá lồng với các loài đặc sản như: chiên, lăng, bỗng…, bước đầu mang lại lợi ích kinh tế cao.

Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện triển khai các dự án trồng chuối xuất khẩu tại thôn Tạm Mò (xã Yên Định), mỗi vụ, Công ty CP Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang thu hoạch và xuất sang thị trường Trung Quốc hàng trăm tấn chuối. Diện tích đồi trọc trước đây đã khoác lên mình diện mạo mới; những quả chuối được sản xuất theo quy trình VietGAP mang địa danh Bắc Mê lần đầu mang sứ mệnh “xuất ngoại”.

Khi những trái chuối Tạm Mò xuất ngoại.

Từ khi dự án được triển khai, gia đình chị Lý Thị Pổ cùng hơn 30 nông dân thôn Tạm Mò có công việc ổn định, thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Chị Pổ chia sẻ: Lúc đầu triển khai, người của công ty cùng với lãnh đạo huyện, xã đến tuyên truyền, vận động gia đình cho thuê đất, tôi rất lo, liệu dự án có triển khai và thành công hay không? Khi đã hiểu, gia đình cho công ty thuê trên 12ha đất để thực hiện dự án.

Từ 150ha ban đầu trồng theo dự án, đến nay, với lợi ích cây chuối xuất khẩu mang lại, Bắc Mê đã phối hợp với Công ty CP Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang mở rộng lên 214ha dọc Quốc lộ 34, đưa chuối trở thành cây chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.

Chia sẻ về dự án này, ông Lý Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang, cho biết: Trồng chuối xuất khẩu đòi hỏi phải chăm sóc rất cầu kỳ, phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì quả chuối mới đảm bảo chất lượng, mỹ thuật. Năm 2017, Công ty đã xuất được gần 300 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc. Tại thời điểm đó, chúng tôi đang bán theo giá trên Sàn giao dịch nông sản  Trung Quốc với mức dao động 1,7 - 2,5 nhân dân tệ/kg, tương đương 6 - 9 nghìn đồng/kg chuối. Dự kiến, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục trồng chuối trên diện tích còn lại và có thể mở rộng quy mô.

Giai đoạn 2021-2025, Bắc Mê xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi khung thời vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; nâng cao năng suất lao động, sản xuất theo chuỗi giá trị...

Từ năm 2017, Bắc Mê đã trồng được 146ha nghệ, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nghệ đã đến kỳ thu hoạch, nhưng nhiều nông dân vẫn kéo dài thời gian để già củ và chờ giá tăng mới bán, điều này ảnh hưởng đến tiến độ vụ mới. Từ trước tới nay, do trồng nghệ tự phát nên chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, vì thế tiêu thụ nghệ  gặp nhiều khó khăn.

Theo ước tính, để trồng 1ha nghệ, cần khoảng 1 tấn giống, còn trồng xen canh với cây ngô cần khoảng 7 tạ. Nếu chăm sóc tốt, sau 9 -12 tháng, nghệ sẽ cho thu hoạch, ước  20 - 30 tấn/ha. Với giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô và lúa.

Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Công ty TNHH Cát Thành tiến hành liên kết vùng nguyên liệu và  ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho người nông dân xã Phú Nam trồng trên 60ha nghệ. Theo đó, Công ty có trách nhiệm hỗ trợ giống, phân bón, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nghệ; hỗ trợ kinh phí tham gia công tác tuyên truyền đến người dân. Có trách nhiệm vận chuyển và thu mua tại trung tâm xã. Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ củ nghệ tại các điểm thuận lợi vận chuyển ô tô với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, còn thực tế khi thu mua theo giá thị trường.

Ông Trần Quý Bình, Giám đốc Công ty THHH Cát Thành, cho biết: Để tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân phải thông qua chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối (doanh nghiệp, HTX), đưa sản phẩm đến cửa hàng tiêu thụ. Chuỗi liên kết sẽ có nhiều thành phần tham gia, có thể do một doanh nghiệp đảm nhận hết các khâu hoặc đầu tư hệ thống tiêu thụ, cửa hàng và liên kết với cơ sở sản xuất. Công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở chế biến nghệ một cách bài bản, khoa học, từ khu vực nhà kho chứa nguyên liệu đến công xưởng chế biến, đóng gói, khu vực xử lý chất thải... Hiện, Công ty đang sản xuất 5 loại sản phẩm được chế biến, chiết xuất từ cây nghệ, gồm tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ, viên nang nghệ mật ong…

 Cùng với chuối, tinh bột nghệ, huyện Bắc Mê còn đầu tư phát triển sản phẩm tinh dầu hồi. Với  trên 200 ha trồng tại các xã: Đường Âm, Phú Nam và thị trấn Yên Phú, sản lượng 120 – 140 lít tinh dầu/ha, giá bán trên 450 nghìn đồng/lít; tinh dầu hồi đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập.

Khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê - Củng Thị Mẩy cho biết: Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương bằng hình thức liên kết sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng việc liên kết sản xuất đã tạo luồng sinh khí mới giúp nông nghiệp khởi sắc. Huyện thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm nắm tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong liên kết đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo tỉnh thăm mô hình kinh tế tổng hợp của HTX Huy Yến (tháng 2/2023). Ảnh: Duy Tuấn

Đi kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế và du lịch tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) tháng 2/2023, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh (vừa được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá cao mô hình kinh tế của HTX Huy Yến với sự cần cù, chịu khó, phương pháp chăn nuôi hợp lý, đem lại thu nhập khá, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ông Khánh nhấn mạnh, Bắc Mê cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; triển khai quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn và liên kết trong khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận. Thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với cải tạo vườn tạp. Có cơ chế khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các mô hình kinh tế.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top