Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 3 năm 2024 | 15:29

Phát triển cây công nghiệp chủ lực

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực (cà-phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) cả nước đạt từ 2,1 đến 2,3 triệu héc-ta.

Ảnh minh họa

Trong đó, sản lượng cà-phê nhân đạt 1,8 đến 2 triệu tấn, mủ cao su thô 1,3 đến 1,5 triệu tấn, chè búp tươi 1,2 đến 1,4 triệu tấn, hạt điều 360 đến 400 nghìn tấn, hồ tiêu 180 đến 230 nghìn tấn và dừa 2,1 đến 2,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sáu cây công nghiệp chủ lực đạt từ 14 đến 16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).

Nước ta có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp lâu năm do đất đai, khí hậu và hệ sinh thái cây trồng đa dạng, phù hợp. Trong đó, các loại cây công nghiệp chủ lực như: Cà-phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa thích hợp với nhiều vùng, nhiều địa phương.

Phát triển cây công nghiệp chủ lực là một thế mạnh của nông nghiệp nước ta để phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng; xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực đã góp phần khẳng định vị thế, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, việc phát triển các cây công nghiệp chủ lực vẫn còn những hạn chế, thách thức như sản xuất vẫn còn manh mún, không theo quy hoạch, chạy theo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Bên cạnh đó, sản phẩm chủ yếu vẫn ở dạng thô; liên kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhà khoa học còn yếu và lỏng lẻo; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất chưa nhiều dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao và giá trị gia tăng thấp.

Đồng thời, chưa khai thác hết giá trị khi chưa tận dụng triệt để sản phẩm phụ từ cây công nghiệp chủ lực; ở nhiều nơi nhân dân còn trồng theo phong trào một số cây công nghiệp chủ lực (cao su, hồ tiêu…) dẫn đến tăng trưởng nóng về diện tích khi giá sản phẩm trên thị trường tăng. Ngoài ra, khi giá sản phẩm giảm mạnh, hiệu quả kinh tế thấp, người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác, làm mất tính ổn định và phát triển bền vững ngành hàng cây công nghiệp chủ lực.

Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 với những giải pháp nhằm phát triển bền vững góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản, hiệu quả sản xuất, đời sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, các địa phương cần xác định vùng sản xuất cây công nghiệp chủ lực trong phương án quy hoạch; rà soát diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực (nhất là cây cà-phê, hồ tiêu) trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.

Mặt khác, các địa phương tiếp tục có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất các cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cần có các giải pháp cụ thể hỗ trợ phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác; ưu tiên hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho hợp tác xã hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực.

Đối với người trồng cần chủ động liên kết doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cây công nghiệp chủ lực; thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu chọn tạo, nhập khẩu các giống cây công nghiệp chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến một số cây công nghiệp chủ lực để phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp.

Các doanh nghiệp cần đầu tư khoa học-công nghệ, thiết bị hiện đại chế biến sâu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây công nghiệp chủ lực; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây công nghiệp chủ lực...

 

Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top