Sáng 14/11, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc họp báo cáo dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị của hệ sinh thái rừng Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh như cung cấp nguyên liệu, lâm sản ngoài gỗ, phát triển du lịch, dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ các bon rừng…
Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể: Phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ đáp ứng tối thiểu 80% (năm 2030) và 100% (năm 2050) nhu cầu. 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 (năm 2030) và tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng từ 10-15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10-15% so với năm 2020, đồng thời thu hút lực lượng lao động trong lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số đến năm 2030 chiếm trên 50%. Tỷ lệ lao động được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên (năm 2030) và 70% (năm 2050).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, đề án sẽ là bước phát triển mới của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nội dung về khai thác giá trị rừng đã có quy định pháp luật, nhưng cũng có nhiều nội dung chưa có. Do đó, mỗi địa phương có thể nghiên cứu đến phương án xây dựng một mô hình để làm cơ sở thực tiễn, xem xét, góp ý, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển dược liệu dưới tán rừng cần có chiến lược dài hơi.
Phát biểu chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng mục tiêu cao nhất là bảo vệ được rừng và mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng dân cư gắn với rừng. Do đó, các nội dung của đề án cần dành sự ưu tiên cho người dân sống quanh rừng và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để giúp họ có thêm động lực, niềm tin gắn bó lâu dài với rừng.
Đối với hoạt động khai thác du lịch dưới tán rừng, đề án phải giúp các địa phương thay đổi được tư duy phát triển du lịch dưới tán rừng không chỉ có một giải pháp duy nhất là mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư mà có thể xây dựng chính sách để tập hợp, tổ chức cho cộng đồng người dân sống gần rừng phát triển các loại hình du lịch không tác động, thay đổi hiện trạng rừng.
Về phát triển dược liệu dưới tán rừng, hiện nay, việc trồng dược liệu của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc miền núi mới chỉ dừng ở việc xóa đói, giảm nghèo. Do đó, đề án cần xây dựng lộ trình, giải pháp dài hơi, hướng đến hình thành chuỗi ngành hàng dược liệu. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, các viện nghiên cứu cần tập trung bảo tồn, chọn tạo được những bộ giống chất lượng, quy trình canh tác tiên tiến. Các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ những quy định vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân phát triển ổn định hoạt động này.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.