Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 6 năm 2024 | 10:41

Phát triển kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến lúa gạo

Mỗi năm ở ĐBSCL thải ra khoảng 24,4 triệu tấn rơm rạ, tuy nhiên, chỉ có khoảng 7,4 triệu tấn (tương đương 30%) được thu gom, di chuyển ra khỏi ruộng, 70% còn lại người dân thường đốt tại chỗ. Tại Hội thảo Phát triển kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến lúa gạo diễn ra mới đây nhiều giải pháp đã được đưa ra.

70% rơm rạ trên đồng thường bị đốt bỏ

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, tổng lượng rơm rạ mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 24,4 triệu tấn, trong đó chỉ có khoảng 7,4 triệu tấn (tương đương 30%) được thu gom, di chuyển khỏi đồng ruộng. khoảng 30% của 7,4 triệu tấn rơm rạ này được thu gom để trồng nấm hoặc dùng để che phủ, đóng hàng trái cây, làm thức ăn gia súc và dùng vào những việc khác. Còn lại 70% rơm rạ trên đồng ruộng thì đốt đồng là tương đối cao.

Khoảng 70% rơm rạ ở ĐBSCL được người dân đốt tại ruộng.

TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia khoa học cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho rằng, đốt rơm rạ gây ra ngộ độc và ô nhiễm môi trường, tuy nhiên người nông dân trồng lúa vẫn có thói quen này bởi nhiều lý do. Đầu tiên là bởi thời gian quay vòng giữa hai vụ quá ngắn, nông dân không đủ máy vô thu hoạch rơm rạ, thu hoạch xong cũng không bán đi đâu được. Nghiên cứu tại TP. Cần Thơ cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu cho thấy 60% nông dân ở Cần Thơ đốt đồng, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long hơn 50%.

Lý do kế đến là thiếu dịch vụ thu gom rơm rạ do máy thu gom ít, không phải chỗ nào cũng có. Trong khi đó, giá bán rơm quá thấp, nông dân chỉ bán 300.000 - 600.000 đồng/ha, tính ra không được bao nhiêu nên đốt cho xong. Ngoài ra, còn có các lý do khác như: tập quán truyền thống đốt đồng để làm sạch ruộng; do thay đổi phương pháp cải tạo đất (trước đây cày đất nhưng hiện nay đa phần là xới đất, mà xới đất có rơm rạ bên dưới nhiều sẽ rất khó làm, do đó phải đốt bỏ); thiếu thị trường cho rơm; thiếu lựa chọn sử dụng rơm để sản xuất các sản phẩm khác... Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh, tất cả chỉ số ô nhiễm môi trường rất cao, nhưng nông dân lại thiếu nhận thức, thiếu kiến thức về vấn đề này, ông Hùng nói thêm.

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai. Với nguồn phụ phẩm dồi dào từ ngành lúa gạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Không chỉ làm phân hữu cơ từ rơm, mà còn có các giải pháp khác để tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm như: sử dụng rơm trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ từ rơm, biochar và biosilica từ trấu,... Đây là những giải pháp tiềm năng giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang suy giảm, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Qua đó, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo. Với khối lượng phụ phẩm lúa gạo khổng lồ hằng năm - hàng chục triệu tấn rơm rạ và hàng triệu tấn trấu, nước ta có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn để nâng cao chuỗi giá trị. Việc triển khai thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2023 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa) cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo.

Người dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn có thói quen đốt rơm rạ bởi nhiều lý do.

Thực tế cho thấy, thời gian qua tại TP. Cần Thơ và nhiều địa phương vùng ÐBSCL, ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển được nhiều mô hình hiệu quả trong sử dụng rơm rạ và trấu. Cụ thể như, sử dụng rơm trồng nấm sau đó tái sử dụng bã rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây trồng hay sử dụng rơm làm thức ăn và làm đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc...

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ thông tin, nếu trồng lúa truyền thống không tận dụng rơm, người nông dân có tổng thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, nếu nông dân có tận dụng các sản phẩm từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân hữu cơ này thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm.

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, việc di chuyển rơm đi khỏi đồng ruộng là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng trong việc làm ra gạo phát thải thấp, mà đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai ở ĐBSCL. Đồng thời, sẽ sử dụng được rơm để làm ra các sản phẩm khác. Đề nghị các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL có kế hoạch lâu dài hoặc ngắn hạn cho việc định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn từ rơm, trấu trong ngành hàng lúa gạo ở địa phương mình.

Nếu nông dân tận dụng các sản phẩm từ rơm thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm.

Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp đến người nông dân để xây dựng thành công những mô hình kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến gạo. Ðồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các mô hình hiệu quả đã thực hiện thời gian qua tại ÐBSCL. Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, nhiều đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và có hỗ trợ cần thiết cho nông dân. Cần có những chính sách và cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho nông dân.

Theo bà Yvonne Pinto, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), có rất nhiều yếu tố để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, trong sản xuất lúa, gạo. Đối với điều kiện Việt Nam hiện nay, nông dân có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Vì vậy, việc quan trọng nhất phải có những chính sách mang lại lợi ích cho nông dân để nông dân tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, gạo.

Tại Hội thảo Phát triển kinh tế tuần hoàn từ sản xuất và chế biến lúa gạo diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hàng năm, sản xuất lúa, gạo ở Việt Nam thải ra môi trường khoảng 40 triệu tấn rơm rạ. Nếu tính riêng 1 triệu ha lúa (thực hiện Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long) thì có 13 triệu tấn rơm và 6 tấn rạ được thải ra mỗi năm.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết nguồn rơm rạ nhưng thách thức lớn là phải có chương trình tổng thể mới tiêu thụ hết 13 triệu tấn rơm 6 triệu tấn rạ. Do đó, cần phải có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, các chính sách, các doanh nghiệp, nông dân,... giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Nam khẳng định, trong phạm vi 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hoàn toàn có thể thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm rơm, rạ, trấu. Để thực hiện được điều này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam thống kê các ý kiến, các giải pháp tại hội thảo để phối hợp cùng Cục Trồng trọt tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT các giải pháp để thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.

Ông Nam cũng đề nghị, Vietrisa kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, thu mua lúa gạo,...cùng tham gia xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn đạt chuẩn trong phạm vi Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Kiến nghị IRRI phối hợp Vietrisa hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch triển khai một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách cho mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng.

Tổng hợp từ nguồn: tuoitre.vn; baocantho; dantocmiennui.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top