Mặc dù các sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng và có nhu cầu lớn tại thị trường trong nước, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu và chủ yếu sản phẩm hữu cơ được chứng nhận dành cho xuất khẩu.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ là phong trào mà cần xác định rõ thị trường mục tiêu cũng như kiểm soát tốt các tiêu chuẩn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và khai thác thị trường xuất khẩu.
Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Diễn đàn đối thoại về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/11.
Xu hướng tất yếu
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ năm 2018 và Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được phê duyệt tại năm 2020 tạo tiền đề cơ bản để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển. Nhờ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng tăng nhanh, đến nay đạt trên 174.351 ha; sản lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ tuy chưa nhiều nhưng số lượng và chủng loại sản phẩm đang ngày càng được mở rộng.
Các sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng và có nhu cầu lớn trên thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương đến tháng 9/2022, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ; trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 7 nhóm sản phẩm là lúa gạo gần 2.300 ha, tập trung lớn tại Cà Mau và Kiên Giang; rau củ gần 900 ha, tập trung lớn tại Hà Nội, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Lăk , trái cây 14.000 ha chủ yếu là dừa ở Bến Tre và Trà Vinh… Lĩnh vực chăn nuôi có 3 nhóm sản phẩm là chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi gà; thủy sản có 1 nhóm sản phẩm là tôm tại Cà Mau.
Hầu hết các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ; lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo.
Về thị trường tiêu thụ, các sản phẩm nông sản hữu cơ chủ yếu được tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng qua các kênh phân phối hiện đại như các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm an toàn. Các sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước chủ yếu là gạo, rau củ, trái cây, các loại thịt, chè, cà phê, hồ tiêu, hạt điều…
Mặc dù các sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng và có nhu cầu lớn tại thị trường trong nước, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu và chủ yếu sản phẩm hữu cơ được chứng nhận dành cho xuất khẩu. Nông sản hữu cơ Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị... với số lượng còn rất hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam có trên 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, HongKong (Trung Quốc)… Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu…
Các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho rằng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang có xu hướng tăng mạnh và vượt quá nguồn cung. Người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng sử dụng nhiều hơn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và gia tăng mối quan tâm về sức khỏe, môi trường và đạo đức. Quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu được dự báo tăng trưởng nhanh trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14%, từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026 với khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu.
Vẫn không ít thách thức
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn gặp khó khăn, vướng mắc và chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài những khó khăn chung về nhận thức, chi phí sản xuất, vật tư đầu vào, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ, một số vấn đề bất cập lớn hiện nay là thiếu các cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất; mức hỗ trợ nhỏ so với nhu cầu và điều kiện thực; một số quy định còn chưa rõ và chưa đảm bảo tính thực tiễn, khó triển khai.
Nêu những bất cập trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Hữu Thời, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp Nhất Thống cho biết: Công ty có 3 trang trại trồng trọt và chăn nuôi đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế khoảng 10 năm nay nhưng vẫn gặp vướng do chuỗi giá trị không đồng bộ.
Cụ thể, trang trại tại Đăk Lăk nuôi được heo, gà, bò đạt chứng nhận hữu cơ nhưng không chế biến được sản phẩm vì theo quy định, việc giết mổ gia súc gia cầm phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa tìm được cơ sở giết mổ tập trung nào đạt chứng nhận organic để đảm bảo sản phẩm đầu ra giữ được chứng nhận.
Với trang trại rau tại TP. Hồ Chí Minh, dù có 12 ha rau đạt chứng nhận hữu cơ từ năm 2006 đến nay nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể xây dựng kho mát chứa rau do vướng mắc về quy định xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp.
Chia sẻ thực tế tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Lê Trọng Kha, Giám đốc điều hành LeKhaMart cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam còn manh mún, diện tích còn khiêm tốn và không tập trung. Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp trong nông thôn còn bất cập, tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
"Vì chạy, theo xu hướng nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để được chứng nhận hữu cơ, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm gắn mác "na ná" như canh tác theo hướng hữu cơ dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, việc duy trì các tiêu chuẩn hữu cơ sau khi được chứng nhận cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, cần có chế tài xử lý nghiêm để tạo sự công bằng, minh bạch cho những người thực sự làm nông nghiệp hữu cơ", ông Lê Trọng Kha nêu kiến nghị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải gắn với phát triển thị trường tiêu thụ. Theo đó, mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng ngày càng cao là xu hướng tất yếu nhưng các sản phẩm hữu cơ với đặc thù phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe, năng suất thấp, giá thành cao vẫn là nhóm sản phẩm chỉ dành cho phân khúc thị trường cao cấp, không phải đại trà.
Theo ông Trần Thanh Nam, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cần đi đúng định hướng, tiếp cận và đáp ứng được đứng đối tượng khách hàng tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Theo định hướng của ngành nông nghiệp, đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ chỉ khoảng 1 -1,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng với quy hoạch hợp lý, các tiêu chuẩn, quản lý giám sát thực hiện sản xuất và chứng nhận nông sản hữu cơ cần được thực hiện nghiêm túc để nâng cao chất lượng sản phẩm chứng nhận hữu cơ trong nước ngang bằng với chứng nhận hữu cơ thế giới.
Theo Xuân Anh/TTXVN
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.