Những tháng đầu năm, do xuất khẩu gặp khó khăn khiến giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, gây bất lợi cho người nuôi tôm, có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy nếu người nuôi “treo ao”, bỏ đầm...
Vượt khó
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng cho biết, ngành tôm Việt Nam thời gian qua đã năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế-xã hội của đất nước.
Giai đoạn 2010-2022, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng gấp 1,2 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm, sản lượng tăng 1,7 lần, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu từ tôm chân trắng, tăng từ 119.700 tấn (năm 2010) lên 735.000 tấn (năm 2022).
Diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước hiện đạt hơn 700.000ha; vùng ĐBSCL chiếm hơn 90% tổng diện tích, với 680.000ha, tổng sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 780.000 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở ba tỉnh: Cà Mau có hơn 270.000ha, Kiên Giang gần 150.000 ha, Bạc Liêu gần 150.000ha. Diện tích thả nuôi tôm của Cà Mau năm nay đạt 100%, kéo theo sản lượng thu hoạch, chế biến tôm tăng, nhưng sản lượng xuất khẩu lại giảm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận (bên phải) thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại KCN ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt .
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác khiến xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh, kéo theo giá tôm nguyên liệu liên tục giảm sâu, gây tâm lý bất an cho người nuôi tôm. Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Cà Mau phải vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, nông dân Cà Mau vẫn duy trì thả nuôi 100% diện tích, tổng sản lượng đạt hơn 126.200 tấn tôm.
Thế nhưng, tại vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng là thị xã Vĩnh Châu, diện tích nuôi tôm từ hơn 14.000ha giảm còn khoảng 12.000ha. Nguyên nhân được cho là hiện giá tôm thẻ loại 100 con/kg mua tại ao chỉ còn 60.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so cùng kỳ năm trước. Tương tự, loại 30 con/kg từ 110.000-120.000 đồng/kg giảm khoảng 30.000 đồng/kg. Từ đó kéo theo diện tích thả nuôi cũng sụt giảm.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng), cho biết, 31ha nuôi tôm thẻ của xã viên vừa thu hoạch được hơn 30 tấn. Thế nhưng do giá tôm giảm, trong khi chi phí đầu vào (thức ăn, vật tư...) đều tăng nên sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi tôm không có lãi. Còn HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (Cái Nước - Cà Mau) có hơn 70 xã viên, với tổng diện tích nuôi tôm hơn 300ha. Trong đó có hơn 50 ha nuôi tôm siêu thâm canh, cung ứng vài nghìn tấn tôm ra thị trường mỗi năm. Là người “đứng mũi, chịu sào”, ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch HTX Tân Hưng hết sức bất an khi giá tôm liên tục giảm, xã viên không có lời sau thu hoạch, dẫn đến nguy cơ “treo ao” là rất lớn.
Phát triển theo hướng nâng cao giá trị
Theo Cục Thủy sản, tôm nuôi của Việt Nam được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với những thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu (thứ hai thế giới), chiếm từ 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm nước ta đóng góp 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Tuy nhiên, việc nuôi tôm nước lợ ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động được, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Quảng Bình vừa qua, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm, nhất là khu vực miền Trung. Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiện nay đã có nhiều giải pháp công nghệ như: nuôi tôm hai, ba giai đoạn, nuôi tôm trong ao đất lót bạt… nên hạn chế được dịch bệnh, tác động từ các yếu tố môi trường. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết trong nuôi tôm và phát triển nghề nuôi trong vùng quy hoạch, không phát triển nóng khiến mất cân đối cung cầu, giá thành thấp”.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh: “Quy trình nuôi tôm hai, ba giai đoạn mà Trung tâm đang triển khai là hình thức sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển, nhân rộng mô hình này thì cần có giải pháp công nghệ cao cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp để đồng hành với người dân, tư vấn trực tiếp cho người nuôi khi xảy ra dịch bệnh nhằm bảo đảm sản xuất an toàn. Mục tiêu là hướng đến nghề nuôi tôm không kháng sinh, hướng đến hữu cơ”.
Nhằm bảo đảm nghề nuôi tôm phát triển bền vững, đại diện Cục Thủy sản cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần khuyến cáo người dân duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, nâng cao thu nhập; nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ để thông tin đến người nuôi có kế hoạch thả giống; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; đa dạng sản phẩm để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm tôm chính; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, cần chủ động nắm bắt diễn biến giá tôm nguyên liệu, nhu cầu của thị trường tiêu thụ để thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp sản xuất phù hợp; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Quyết định số 3475/QĐ-BNN- TCTS, ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, đến năm 2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt hơn 8,4 tỷ USD và hơn 12 tỷ USD vào năm 2030. Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, cần phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và bền vững. Thực tế đòi hỏi sự chung tay hành động với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nguyên liệu trọng điểm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa nguồn tiêu thụ tôm... Cùng với việc xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm theo quy chuẩn phù hợp để mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến cũng cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước khoảng 100 triệu dân (chưa tính khách du lịch quốc tế). Nhà nước cần xây dựng chính sách đặc thù dành riêng cho ngành tôm. Một khi tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất thấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã... có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển nhanh hơn để dẫn dắt chuỗi ngành hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin thị trường giúp doanh nghiệp, nhà nông chủ động hơn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm... |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.