Muốn phát triển các làng nghề và hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD thì phát triển vùng nguyên liệu được xem là một trong những yếu tố quyết định.
Những người tiên phong đưa sản phẩm nghề đan lát ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) ra nước ngoài.
Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mức kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD đến năm 2030 (theo Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ), bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, hợp chuẩn sản xuất, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề đầu tiên mang tính quyết định.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm ngành thủ công gần đây đang có rất nhiều bất cập, thách thức và tiềm ẩn nguy cơ lớn để đạt được mục tiêu do Chính phủ đề ra.
Đó là phát biểu tham luận của Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) Lê Bá Ngọc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng nay (ngày 30/6), tại Hà Nội.
Thời cơ phát triển
Tổng Thư ký Lê Bá Ngọc cho biết, sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 1.926 làng nghề trên toàn quốc với sự tham gia của 813.000 cơ sở sản xuất kinh doanh. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn.
Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống đáng khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022) do tác động của dịch bệnh, các diễn biến địa chính trị đã làm giảm xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam… Xu hướng suy giảm xuất khẩu tiếp tục kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2023.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh, hiện nay, các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau từ nuôi, trồng, khai thác tự nhiên đến sử dụng các nguyên liệu công nghiệp. Việc sử dụng nguyên liệu ngày càng đa dạng và kết hợp nhiều chủng loại trong một sản phẩm đã hình thành sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất của làng nghề. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Lê Đức Thịnh nêu một số giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề và ngành nghề nông thôn. (Ảnh: Thanh Tâm)
Làng nghề, ngành nghề nông thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở khu vực nông thôn và gìn giữ , phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Với tộc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao thì xu hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm truyền thống ngày một tăng bởi vừa có tính trưng bày, trang trí, vừa có tính sử dụng thân thiện với môi trường.
Do đó, đây là thời cơ rất tốt để phát triển các sản phẩm của làng nghề, ngành nghề nông thôn, trong đó yếu tố nguyên liệu đầu vào là yếu tố quyết định.
Quy mô của ngành nghề nông thôn năm 2022 có doanh thu 202.391 tỷ đồng, giảm 11.624 tỷ đồng so với năm 2020; tổng số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 808.201 cơ sở, giảm 4.705 cơ sở (trong đó: có 13.201 doanh nghiệp, 5.582 hợp tác xã, 5.594 tổ hợp tác và 783.474 hộ sản xuất); tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, tăng 1,45 triệu lao động (trong đó: lao động thường xuyên là 2,73 triệu và lao động thời vụ là 0,96 triệu); thu nhập bình quân đầu người đạt 05 triệu đồng/người/năm. xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt khoảng 3,3 tỷ USD (trong đó: xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ là 1,08 tỷ USD; gỗ mỹ nghệ 0,03 tỷ USD, sản phẩm gốm sứ 0,71 tỷ USD...).
Cả nước có khoảng 2008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, tăng 80 làng nghề so với năm 2020 (bao gồm: 1356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống); doanh thu của các làng nghề đã được công nhận là 75.720 tỷ đồng, tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020; số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 270.760 cơ sở, tăng 59.705 cơ sở so với năm 2020 (trong đó: có 3.307 doanh nghiệp, 401 hợp tác xã, 508 tổ hợp tác và 266.544 hộ sản xuất); tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động, tăng 0,96 triệu lao động so với năm 2020; thu nhập bình quân đạt 50 - 60 triệu đồng/người/năm.
Bất cập, vướng mắc trong phát triển vùng nguyên liệu
Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho rằng, mặc dù nguồn nguyên liệu của các làng nghề và ngành nghề nông thôn chính là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành, tuy nhiên, hiện đang có quá nhiều vướng mắc, bất cập trong việc tạo các vùng nguyên liệu tập trung và đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm.
Đơn cử như, cả nước khoảng 600 làng nghề đan lát, với các nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tre, song, mây, cói... Nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào và Campuchia. Nguyên liệu song, mây có diện tích xen lẫn gỗ là khoảng 382.000ha, sản lượng khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm, chủ yếu là khai thác tự nhiên tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhu cầu sử dụng song mây hàng năm của nước ta vào khoảng 80.000 tấn với sản lượng khoảng 3,5 tấn/ha thì cần diện tích 23.000 ha. Nguồn nguyên liệu song, mây chủ yếu là khai thác tự nhiên và trở nên rất khan hiếm do việc khai thác quá mức, thiếu sự quản lý.
Việc chưa hình thành được các vùng trồng tập trung, quy mô lớn dẫn đến tình trạng nguồn cung nguyên liệu thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, các quốc gia có nhiều nguyên liệu song, mây trên thế giới như: Indonesia, Lào… cũng cấm xuất khẩu nguyên liệu thô nên các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Hiện nay, đối với nguyên liệu nghề đan lát diện tích để sản xuất còn thiếu rất nhiều và thường xuyên biến động theo giá nguyên liệu; công nghệ sơ chế, chế biến và bảo quản còn lạc hậu dẫn đến chất lượng nguyên liệu thành phẩm không cao...
Cục trưởng Lê Đức Thịnh nêu rõ, hiện các địa phương chưa có các quy hoạch hay chương trình phát triển lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ cho doanh nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn sản xuất, kinh doanh. Đất sản xuất hiện nay đã giao cho các hộ dân sản xuất nên quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn trong việc tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn. Có rất nhiều diện tích đất rừng, đất ven biển do thiếu các cơ chế chính sách nên thể đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng nguyên liệu còn yếu và thiếu đồng bộ như: đường giao thông phục vụ khai thác, đường lâm sinh, điện và nước phục vụ sản xuất dẫn đến chi phí sản xuất cao.
Về giống và kỹ thuật sản xuất, nhiều loại giống cây trồng đang bị thoái hoá giống (tre, mây,...), các vùng nguyên liệu chưa chủ động được các nguồn giống (giống tre, giống tằm), chưa có nhiều giống mới năng suất, chất lượng cao. Phương thức sản xuất lạc hậu, chủ yếu vẫn là các phương thức sản xuất truyền thống. Việc chăm sóc, khai thác, thu hoạch chưa theo quy trình kỹ thuật nên chất lượng và sản lượng nguyên liệu không cao.
Đáng nói là, chưa có nhiều sự liện kết trong sản xuất ở các vùng nguyên liệu theo xu hướng hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết giữa người dân với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đa phần diện tích, số lượng sản phẩm các nguyên liệu chưa được cấp chứng chỉ bền vững hoặc mã số vùng trồng để đáp ựng được các tiêu chí phục vụ xuất khẩu. Và do các vùng nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn chủ yếu ở vùng miền núi hoặc ven biển nên khó khăn cho việc áp dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất.
Các nhà máy sơ chế, chế biến và các làng nghề, doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu thường ở xa các vùng nguyên liệu dẫn khó khăn trong việc liên kết thu mua, tiêu thụ nguyên liệu. Công nghệ sơ chế, chế biến nguyên liệu còn lạc hậu dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, khó cạnh tranh nhất là ở thị trường ngoài nước.
“Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong vùng nguyên liệu khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại do thủ tục phức tạp, thời gian cho vay ngắn, phải có tài sản thế chấp... Bên cạnh đó, các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng vốn của địa phương”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh cho hay.
Tăng cường sự liên kết
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nhằm tạo điều kiện để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ. Trong đó, các chính sách tác động trực tiếp là Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, đã đưa ra các cơ chế, chính sách như: hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; đầu tư và tính dụng; Xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; Xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề và Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề...
Theo đó, các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ… Trong đó, nghiên cứu chính sách giao đất rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất lâm nghiệp chưa có rừng để trồng tre, song, mây, gỗ nguyên liệu gắn với chứng chỉ rừng bền vững và đất vùng ven biển để sản xuất trồng cói, cỏ nặn tượng... nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với việc cấp chứng chỉ bền vững, truy suất nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam: Chính các làng nghề và vùng nguyên liệu sẽ là nơi giữ chân người lao động ở nông thôn, qua đó góp phần phát triển cuộc sống tốt hơn cho người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Thanh Tâm)
Đồng thời, xây dựng các văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác bền vững cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong vùng nguyên liệu áp dụng. Và tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các phương thức sản xuất mới, hiện đại tại các địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu tập trung và theo các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: vùng nguyên liệu rất quan trọng và cần thiết cho quá trình sản xuất, qua đó sẽ chủ động được chất lượng, sản lượng tiêu thụ…; đồng thời sẽ tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế của nghệ nhân Việt Nam, phát huy tài năng, bảo tồn các giá trị văn hóa, xây dựng thương hiệu trên thị trường và hướng ra quốc tế.
Để làm được điều này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần kết hợp vùng nguyên liệu nhỏ ở làng nghề, song song với quy hoạch vùng nguyên liệu lớn. Muốn phát triển vùng nguyên liệu chỉ còn cách duy nhất là liên kết các hợp tác xã, các doanh nghiệp, với quan điểm của Bộ, phải xây dựng được chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ rõ, điểm yếu của các doanh nghiệp làng nghề hiện là công nghệ, chưa phát huy hết tiềm năng lợi lợi thế của nguồn nguyên liệu và liên kết với các vùng nguyên liệu đó. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CPcủa Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương còn hạn chế.
Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với các địa phương có vùng nguyên liệu để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến hoặc liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu. Trong đó, cần nghiên cứu, tìm kiếm để thay thế nguyên liệu truyền thống ngày càng khan hiếm bằng các nguyên liệu mới dễ tìm kiếm, có sẵn hoặc dễ trồng như: sợi chuối, cỏ nặn tượng, cây gai xanh...
Đồng thời tăng cường hỗ trợ công tác nghiên cứu, chọn, tạo các giống mới chất lượng và cho năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp, hợp tac xã, các làng nghề về tâm quan trọng của việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đối với sự phát triển của doanh nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Đặc biệt, các địa phương cần tiến hành rà soát quy hoạch đất đai của địa phương để xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến như: vùng miền núi trồng tre, nứa, song, mây...; vùng ven biển thì trồng cói, cỏ nặn tượng...; vùng trung du trồng cây gai xanh, dâu, chuối... Tổ chức lại sản xuất ở các vùng nguyên liệu theo xu hướng liên kết giữa các người dân để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liện giữa người dân với doanh nghiệp;
Có chính sách để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ bền vững; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đương giao thông, hệ thống thuỷ lợi, điện sản xuất... Phối hợp với các doanh nghiệp, các làng nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu của địa phương.
Làng nghề truyền thống Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Người dân trong vùng nguyên liệu cũng cần chủ động liên kết để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp để nâng cao trình độ, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng và sản lượng các nguyên liệu.
“Chính các làng nghề và vùng nguyên liệu sẽ là nơi giữ chân người lao động ở nông thôn, không ồ ạt tràn ra thành thị và góp phần phát triển cuộc sống tốt hơn cho người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương… Muốn phát triển các làng nghề và hướng tới xuất khẩu thì phải chủ động được vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Đề xuất 6 giải pháp hướng đến đạt mục tiêu kim ngạch 6 tỷ USD Để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường cũng như đáp ứng được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra, phát biểu tham luận tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc đã đề xuất và đưa ra 6 giải pháp căn cơ để phát triển bền vững vùng nguyên liệu cho ngành thủ công của Việt Nam. Thứ nhất: Ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, miền và có truy xuất nguồn gốc. Kết hợp hài hoà nhiều qui mô, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh tập trung kết hợp với các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm giải quyết hài hòa giữa ổn định vùng nguyên liệu và tạo thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng nông thôn. Thứ hai: Nâng cao chất lượng nguyên liệu: nghiên cứu cải tiến giống và kỹ thuật trồng, đầu tư chăm sóc các loại cây nguyên liệu nhằm tạo ra nguyên liệu có chất lượng tốt, phù hợp với các mặt hàng thủ công và với kỹ thuật sản xuất mới của các nghề thủ công Thứ ba: Đa dạng hóa các hình thức chủ sở hữu vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tại các làng nghề tham gia phát triển vùng nguyên liệu (bao gồm cả khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ khai thác, chế biến) dưới hình thức hợp tác công – tư – cộng đồng (PPCP) Thứ tư: Đầu tư chiều sâu vào khoa học kỹ thuật, đầu tư sâu vào công nghệ chế biến để tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chế biến (phát triển ngành công nghiệp chế biến nguyên liệu tiêu chuẩn hóa) và nâng cao năng suất chế biến nguyên liệu, tăng tỷ lệ thu hồi đồng thời định hướng phát triển các vùng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ, các làng nghề với các công nghệ sản xuất sạch (thân thiện với môi trường). Thứ năm: Ưu tiên phát triển thiết kế như một bước đột phá để nâng cao giá trị sử dụng nguyên liệu và nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề của Việt Nam. Ưu tiên phát triển các sản phẩm làng nghề có chất lượng cao, sử dụng ít nguồn nguyên liệu tự nhiên, hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu tận dụng, nguyên liệu phế thải trong thiên nhiên (phụ phẩm nông nghiệp). Thứ sáu: Đào tạo và phát triển nguồn nhân sự cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của các làng nghề, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề có đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ phát triển làng nghề và vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của làng nghề./. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.