Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 6 năm 2023 | 10:1

Quảng Bình phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường

Khoảng 79% trong tổng số hơn 900 nghìn người dân Quảng Bình đang sống ở nông thôn. Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Làm tốt công tác bảo vệ môi trường giúp người dân Quảng Bình không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giảm thiểu rủi ro trước tình hình đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường.

Ô nhiễm trong nông nghiệp, nông thôn

Quảng Bình là tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên hơn 799.876ha; dân số 901.984 người. Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 151 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 15 phường, 8 thị trấn và 128 xã. Tỉnh hiện có gần 725.292ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 90,68% diện tích tự nhiên; trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 91.691ha; đất lâm nghiệp gần 629.461ha; đất nuôi trồng thủy sản hơn 3.451ha; đất làm muối hơn 73ha; đất nông nghiệp khác gần 615ha. Tỉnh có đường bờ biển dài hơn 116km với vùng lãnh hải khoảng 20.000km2.

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, Quảng Bình hiện có độ che phủ rừng đạt 68%, là địa phương xếp thứ 2 toàn quốc về độ che phủ rừng. Toàn tỉnh hiện có 194 trang trại chăn nuôi và 98.747 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các loài vật nuôi chính là: Trâu 32,500 con, bò 107.000 con, lợn 245.000 con, gia cầm 4,7 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt khoảng 73.000 tấn/năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bình quân khoảng 62,6 tấn

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phan Xuân Hào, với tình hình sản xuất và đời sống kinh tế-xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, vấn đề nổi lên trong công tác bảo vệ môi trường, đó là vẫn có một khối lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý; ảnh hưởng môi trường từ chăn nuôi hộ gia đình; ở nhiều khu vực nước sạch không bảo đảm và cảnh quan chưa được chú trọng.

"Nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư sinh sống và sản xuất tại các khu vực nông thôn nhiều nơi chưa cao; nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn và những tác động tiêu cực của tình trạng ô nhiễm môi trường đến đời sống kinh tế-xã hội và sức khỏe người dân của ở nhiều địa phương chưa đầy đủ", ông Phan Xuân Hào cho biết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho biết, để bảo đảm môi trường cho nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Sở đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y và nước sạch nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 220 cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ sở sản xuất, buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tuân thủ, chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi lợn hữu cơ, tiêu độc khử trùng, an toàn sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đa số các trang trại, gia trại đã lắp đặt hệ thống biogas hoặc sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải.

Đối với các làng nghề, xác định đây là một trong những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các làng nghề thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, như: Thu gom rác thải, xử lý nước thải, áp dụng các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế khói bụi, tiếng ồn...

"Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có tiêu chí về môi trường với các chỉ tiêu quan trọng, như: Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, việc bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp… Chính vì vậy, việc thực hiện tốt chương xây dựng nông thôn mới sẽ có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn", ông Mai Văn Minh cho biết.

Bảo vệ môi trường nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững

Quảng Bình là địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống người dân sống tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Mặt khác, trong các giải pháp giảm nghèo bền vững, việc chú trọng pháp phát triển kinh tế nông thôn – lực lượng chiếm đa số trong cơ cấu dân số tại Quảng Bình - là rất quan trọng. Đồng thời, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, trước hết là tập trung vào các giải pháp bảo vệ môi trường, hoàn thành các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, các số liệu thống kê cho thấy, hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bình quân khoảng 62,6 tấn, trong đó thuốc sinh học chỉ khoảng 0,3 tấn, còn lại là thuốc hóa học. Lượng phân bón sử dụng khoảng 252.580 tấn/năm (phân hóa học 59.520 tấn). Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên lĩnh vực trồng trọt chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý và quá trình xả thải vỏ lọ, bao bì của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ra môi trường.

Trong chăn nuôi, mặc dù đã có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi có áp dụng các biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như: Hầm biogas, chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tuy nhiên, việc xử lý phân, nước thải ở các trang trại chăn nuôi vẫn chưa triệt để. Tình trạng bao gói, chai lọ đựng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chưa được thu gom, xử lý đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường ở nhiều nơi. Thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán ở các khu dân cư đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực nông thôn.

Từ thực trạng trên, để bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn bền vững, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phan Xuân Hào, chính quyền các cấp và các ngành liên quan cần chú trọng công tác tuyên truyền vận động thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức nhằm tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường ở mỗi người dân, từ đó thay đổi hành vi hình thành văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Chú trọng sản xuất an toàn, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, gắn nội dung bảo vệ môi trường với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chuẩn về môi trường. Phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện tốt phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” trên địa bàn quản lý.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo đánh giá của đại diện Cục Chăn nuôi, nguyên nhân của tình trạng trên là do chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ vẫn chiếm đa số, nhận thức, trình độ và tiềm lực đầu tư của hộ chăn nuôi hạn chế trong khi đó để ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường về chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi lại đòi hỏi cần tỷ suất đầu tư cao. Ngành công nghiệp phụ trợ (như sản xuất trang thiết bị, vật liệu, công nghệ vi sinh) hỗ trợ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong nước còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều và chủ yếu còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Thể chế pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chưa đầy đủ; thiếu chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn; thiếu sự liên kết giữa các chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp…

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, chúng ta đã sử dụng các mô hình như: vườn ao chuồng (VAC); luân canh lúa - tôm, lúa - cá; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…

Tuy nhiên, bà Nguyễn Giang Thu cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn.

Trong thời gian tới, bà Nguyễn Giang Thu cho biết, các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế thúc đẩy đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn…

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thiếu khung pháp lý cho kinh tế tuần hoàn nói chung hay nông nghiệp tuần hoàn nói riêng, đất đai hạn hẹp và manh mún, nhận thức về phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; nông hộ và doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ các ngân hàng… là những rào cản lớn cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn...

Trong thời gian gần đây, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm thiểu phát thải nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững và đề án kinh tế tuần hoàn đã được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Trong đó thể hiện rõ kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo bền vững.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top