Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, từ năm năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp (NN) tỉnh đã triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cơ cấu lại ngành NN gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững…
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Từ thực tế cho thấy, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành NN tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản xuất NN của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành NN tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng; diện mạo nông thôn có bước thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên; từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập người dân nông thôn và thành thị.
Ngày 20/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết 2,5 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành NN tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025.
Một số mô hình, cách làm sáng tạo
Về trồng trọt, người dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác và mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa như: Ngô sinh khối (cao hơn trồng lúa 30 triệu đồng/ha), rau các loại (cao hơn 17 triệu đồng/ha), lạc (cao hơn 11 triệu đồng/ha)....
Sản Phẩm OCOP – sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ngãi
Phát triển vùng chuyên canh mang tính đặc trưng từng vùng, miền như: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tại huyện Nghĩa Hành, đến nay, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện 742,32 ha, trong đó: Bưởi da xanh 200,77 ha, sầu riêng 133,89 ha, mít Thái 153,17 ha, chuối 170,33 ha,...Thu nhập cho người dân khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Về chăn nuôi, áp dụng mô hình (MH) lai tạo và nuôi trâu Murrah vỗ béo, nhờ đó đã nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi trâu, tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần xoá đói giảm nghèo. Chuyển dần chăn nuôi trâu từ phương thức quảng canh như hiện nay sang chăn nuôi bán thâm canh với mục đích SX hàng hoá.
Phát triển chăn nuôi theo MH kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trường chăn nuôi, duy trì và phát triển trang trại lâu dài như MH chăn nuôi của Công ty TNHH Tiến Đạt. Trang trại đã được đầu tư xử lý chất thải bằng hệ thống công nghệ máy tách phân trị giá 250 triệu đồng. Với hệ thống xử lý này, chất thải gia súc sau khi thu về hố thu, máy sẽ hút và tách toàn bộ phân để làm khô, còn nước sẽ chảy vào hầm Biogas để xử lý và được dùng bón trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Một số cơ sở chăn nuôi đã liên kết với với nông dân trong chăn nuôi như: Trồng ngô sinh khối của Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, công ty tổ chức thu mua toàn bộ cây ngô từ nông dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Ký hợp đồng bền vững, bà con yên tâm SX, lợi nhuận ổn định, không bị ảnh hưởng bởi cơ chế được mùa mất giá.
Về thủy sản, nhiều MH, giải pháp nuôi trồng thuỷ sản hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi như: MH nuôi ghép các đối tượng thuỷ sản: Nuôi ghép tôm cá, nuôi ghép tôm - cua- cá, nuôi ghép ốc hương - hải sâm, nuôi ghép cá măng – cá Dìa - ốc hương... MH khuyến nông hỗ trợ lồng HDPE nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển tại Lý Sơn... đã đem lại năng suất, sản lượng và hiệu quả cao.
Về lâm nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện liên kết phát triển rừng trồng trên địa bàn quản lý. Tổng diện tích rừng của các chủ rừng nhỏ (hộ gia đình) đã có phương án quản lý rừng bền vững và đã được cấp chứng chỉ rừng (FSC) là 6.564 ha/1.325 hộ trên địa bàn ở 8 xã thuộc huyện Trà Bồng do Công ty CP lâm sản Xuân Lộc làm trưởng nhóm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tiến hành phát triển chuỗi liên kết, hợp tác với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn các huyện như Bình Sơn, Ba Tơ…
Cơ cấu lại trong lĩnh vực trồng trọt
Từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích: 2.226,1 ha. Diện tích chuyển đổi đã cho thu hoạch khá, có hiệu quả, nâng cao được giá trị SX trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa (cao hơn trồng lúa trung bình từ 10-20 triệu đồng/ha). Diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng khác là 1.364 ha.
Người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác mang lại thu nhập cao hơn.
Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đối với đất NN trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh đã cho chủ trương thực hiện Phương án dồn điền đổi thửa không sử dụng ngân sách nhà nước với 07 cánh đồng, tổng diện tích 179,11 ha, tổng kinh phí thực hiện 27,071 tỷ đồng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân thực hiện dồn điền đổi thửa theo phương án xã hội hóa.
Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng được 287 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 5.466,6 ha đối với các loại cây trồng như lúa, lạc, dưa hấu. Các MH đã triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa vào SX góp phần làm giảm chi phí SX, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, giúp tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 80 ha diện tích lúa được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 800tấn/năm; 24,15 ha diện tích cây rau được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 933,5tấn/năm; 91,5 ha diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, với sản lượng dự kiến 1.850,515 tấn/năm. Ngoài ra còn có 02 cơ sở ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong SX rau, củ quả.
Đã cấp được 9 mã số vùng trồng nội địa và 01 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung quốc cho Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi, diện tích 11,5ha.
Giá trị SX bình quân trên 01 ha đất canh tác các loại cây trồng qua các năm đều tăng. Năm 2023, giá trị SX bình quân trên 01 ha đất canh tác NN ước đạt 104 triệu đồng, vượt đạt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 5,69%/năm…
Nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại ngành NN trong thời gian tới
Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện cơ cấu lại SX trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị SX cây lương thực, tăng tỷ trọng cây ăn quả, rau, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Xây dựng vùng cấm chăn nuôi để hình thành phát triển vùng chăn nuôi tập trung, theo hướng phát triển NN bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển nền chăn nuôi hiện đại, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn quốc.
Xây dựng và lựa chọn các hình thức tổ chức liên kết SX phù hợp. Ưu tiên phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực. Khuyến khích HTX SX áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, xây dựng các dịch vụ phục vụ liên kết, như cung cấp vật tư đầu vào, các dịch vụ SX, sơ chế, chế biến, bảo quản. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết hình thành vùng ứng dụng CNC, với các nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành NN gắn với xây dựng NTM theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, gắn với đô thị hóa; bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nói: Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành NN, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo đã nêu, đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành NN, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển nhiều các MH có hiệu quả, cách làm hay trong SX, kinh doanh.
Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực NN. Đa dạng hóa các nguồn lực, lựa chọn nội dung, mức độ huy động phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển NN.
Ba là, Quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khâu chế biến nông sản và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư NN ứng dụng CNC. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là CNC, công nghệ sạch vào SX NN. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm NN sạch của tỉnh. Quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để tìm đầu ra bền vững đối với sản phẩm NN.
Bốn là, ngành NN đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới là: Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân là chủ thể sáng tạo để có những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị.
Năm là, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành NN; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm NN, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình SX, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.