Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 2 năm 2024 | 15:58

Quế Quỳ - Kỳ vọng là cây giúp huyện miền núi Nghệ An làm giàu

Những cánh rừng quế bạt ngàn đang dần phủ kín ở nhiều làng ở huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Hàng trăm gia đình ở đây đã thoát nghèo nhờ trồng quế, loại cây được xem như "biểu tượng" đang dần trở lại với vị thế vốn có ở vùng đất Phủ Quỳ xưa kia…

“Cây xóa đói, giảm nghèo”

Huyện Quế Phong được xem là "thủ phủ" của cây quế ở tỉnh Nghệ An. Vào những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước, cây quế cổ thụ mọc tự nhiên trong rừng ở Quế Phong rất nhiều. Biết được giá trị kinh tế, người dân địa phương đã kéo nhau vào rừng thu hoạch, thậm chí chặt cả cây mang về bán.

Do tình trạng khai thác quá mức, cây quế rừng dần ngày càng khan hiếm. Nhận thấy được điều này, người dân bản Chiếng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) đã mang cây quế con về ươm trồng trong vườn, trên rẫy.

Nhờ phù hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, cây quế ở Hạnh Dịch phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc. Chỉ sau 5-10 năm, cây có thể cho thu hoạch.

Hiện nay, không chỉ ở Hạnh Dịch, quế còn được trồng nhân rộng ở nhiều xã của huyện Quế Phong như: Thông Thụ, Đồng Văn, Châu Kim, Mường Nọc… Giống cây này dần trở thành sinh kế chính của hàng trăm hộ gia đình. Trong những năm gần đây, các hộ dân trồng quế không cần lo lắng về đầu ra, bởi giá quế cao, ổn định, tiểu thương đến mua tận vườn.

Dẫn chúng tôi ra vườn quế bạt ngàn, ông Hà Văn Ngầm (trú bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch) cho biết, năm 2002, ông nhận cây giống về trồng, sau 4 năm cho khai thác. Nhờ có tiền bán quế mà gia đình ông làm được nhà, mua được nông cụ, máy móc, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Theo ông Ngầm, chăm sóc quế khá đơn giản, chỉ cần bón phân lần đầu để cây phát triển nhanh, hằng năm dọn cỏ 2 hoặc 3 lần và đặc biệt là thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây để xử lý kịp thời.

Khi cây lớn, không chỉ vỏ mà cành quế, nhánh nhỏ tỉa ra cũng bán được. Cây càng to, lâu năm, giá càng cao. Sau khi thu hoạch, hiện gia đình ông Ngầm đang trồng mới thêm 3.000 cây.

Một góc rừng quế ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong.

Hiện, toàn xã Hạnh Dịch có gần 100ha cây quế, cho sản lượng khai thác khoảng 50 tấn. Với mức giá trung bình 60.000 đồng/kg thì cây quế mang lại khoảng 3 tỷ đồng cho người dân địa phương. Tùy theo diện tích và số lượng cây trồng, bình quân mỗi hộ dân có thu nhập từ 50-200 triệu đồng/lứa.

Bà Lữ Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết, nhờ định hướng đúng và chủ động của xã, cũng như sự tích cực của người dân, diện tích cây quế của xã được nâng lên hàng năm. Vào thời điểm năm 1995, diện tích cây quế của xã chỉ có khoảng 6ha thì hiện nay đã đạt gần 100ha. Cây quế giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, trước đây, toàn huyện Quế Phong có hơn 3.000ha cây quế; tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay chỉ còn khoảng 600ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc…

Thời gian qua, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Trung tâm nghiên cứu lâm sản khảo sát cùng bảo tồn giống quế quỳ để ươm giống, nhân rộng diện tích nhằm tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Theo ông Dũng, quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa ở địa phương. Hiện nay, UBND huyện Quế Phong đang nỗ lực phối hợp các ngành nhân giống, đồng thời thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế cũng như vận động tuyên truyền người dân trồng quế để nâng cao thu nhập.

Xanh lại những cánh rừng quế

Anh Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim, huyện Quế Phong trên đường dẫn chúng tôi vào trang trại rộng 3ha của gia đình kể: Trang trại của gia đình rộng khoảng 3ha thì cây quế chiếm khoảng 2ha. Những cây quế lớn mọc tự nhiên còn sót lại, còn những cây nhỏ hơn là gia đình trồng thêm qua các năm. Trồng cây quế là để thu hoạch lá, cành chiết xuất tinh dầu, còn vỏ để bán cho thương lái được giá khá cao.

"Ngoài ra, mục đích trồng quế của gia đình tôi là để tận dụng tán mát để che cho cây chè hoa vàng. Bởi cây chè hoa vàng thích hợp trồng xen những cây bóng mát chứ để nắng trực tiếp là cây bị héo rất dễ rồi chết", anh Tuấn chia sẻ thêm.

Cũng theo anh Tuấn, cả xã Châu Kim hiện nay diện tích trồng cây quế khoảng trên dưới 200 héc ta, hàng năm người dân nơi đây bán và cho thu nhập khá cao. Diện tích trồng cây quế ở xã Châu Kim vì thế sẽ còn tăng thêm theo thời gian…

Anh Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cây quế trên diện tích hơn 4ha ở bản Na Hứm, cho biết: "Sau khi vào tái định cư tại bản Na Hứm từ dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó, giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp, phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…".

Thăm vườn quế của trưởng bản Na Hứm Ngân Văn Tuấn.

Cũng theo anh Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật, phân bón…nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế cây keo có nhiều rủi ro gãy đổ do mưa bão, giá trị kinh tế thấp.

"Cán bộ Pù Hoạt hướng dẫn chúng tôi trồng quế mỗi cây phải cách nhau 3 đến 3,5m; đào hố sâu 20x20cm, phân không nên bón nhiều vì quế là cây có tính chất nóng… có thế cây mới phát triển tốt", anh Tuấn, cho biết thêm.

Anh Lang Văn Châu, ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, tâm sự rằng: Trước đây gia đình cũng trồng cây keo, từ 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, hàng rào, chăm sóc…chi phí đầu tư rất cao; đặc thù vùng núi cũng hay bị gió lốc khiến keo bị gãy đổ rất nhiều, năng suất thấp nên thu hoạch không được bao nhiêu.

Sau khi tìm hiểu, gia đình anh Châu thấy được những giá trị của việc trồng cây quế nên từ năm 2014 anh đã trồng 7.000 cây trên diện tích khoảng 2ha.

"Cây quế phát triển rất tốt, cho thu hoạch phần tỉa cành, lá bán cho thương lái chiết xuất tinh dầu. Mỗi đợt cắt tỉa cảnh như vậy cũng bán được vài triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, cây quế chỉ cần trồng vài ba năm là cắt tỉa cành để bán, cho thu nhập, vừa để "nuôi" thân cây, cho cây phát triển nhanh hơn. Phần thu hoạch từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế để quay vòng đầu tư phân bón, công chăm sóc và các chi phí đầu tư khác…", anh Châu, phấn khởi cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được biết, từ năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe được đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội.

"Trong hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài", ông Sinh cho biết.

"Quế ở vùng đất này là cây đặc sản, tinh dầu quế của nó có các thông số vượt trội so với các giống quế ở các địa phương khác. Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế còn được dùng làm đồ mộc gia dụng. Vì thế, cây quế là cây đa mục đích không chỉ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo mà kỳ vọng sẽ là cây làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quế Phong", ông Sinh chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cùng đồng nghiệp chở chúng tôi vào bản Na Hứm, xã Thông Thụ - nơi có 50 hộ dân trồng khoảng trên 70 héc ta cây quế.

"Dân bản ở đây rất khoái trồng cây quế. Trước đây, có thời họ nói "không" với loại cây này vì lúc đó giá rẻ, đời sống của bà con khó khăn nên họ chuyển sang trồng cây keo cho thu hoạch sớm hơn. Thế nhưng, thời gian gần đây sau khi bán keo họ lại chuyển sang trồng cây quế vì những lợi ích kinh tế vượt trội mà loài cây này mang lại", anh Mạnh nói.

Để quế Quỳ phát triển bền vững

Xác định được ý nghĩa của cây bản địa, từ năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đưa cây quế Quỳ vào chương trình sở hữu trí tuệ, chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây quế vào chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Trên cơ sở đó năm 2016, Sở KH&CN phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt triển khai điều tra khảo sát thực trạng giống quế trên địa bàn để tuyển chọn các cây ưu tú, đánh dấu, bảo vệ để nhân giống cây quế Quỳ bản địa.

Qua phân tích, so sánh cho thấy cây quế Quỳ bản địa có ưu thế vượt trội về chất lượng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh hơn so với các giống khác trồng trên vùng đất Phủ Quỳ đang có cùng thời điểm. Đặc biệt, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã xây dựng được vườn ươm cây giống để cung ứng cho dân.

Chính vì vậy, sau một thời gian dài bị quên, cây quế Quỳ đã bắt đầu được phục hồi với diện tích hiện nay khoảng 600ha (tập trung chủ yếu ở huyện Quế Phong). Với tính ưu việt, diện tích hiện có, cây Quế Quỳ đã có đủ điều kiện cần và đủ để xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Vườn ươm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hiện đang có 10 vạn cây quế giống

Để phát triển bền vững cây quế Quỳ, để nó trở lại với danh tiếng vốn có của nó, tạo sinh kế ổn định góp phần giảm nghèo, cần quan tâm một số vấn đề như sau: Thứ nhất, triển khai quy hoạch vùng trồng cây quế Quỳ trên vùng đất Phủ Quỳ, ưu tiên tập trung các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, (đồng thời thử nghiệm một số nơi mới như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn) nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với một diện tích đủ lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu. Sở NN&PTNT phối hợp UBND các huyện hình thành các tổ công tác triển khai ở các huyện trọng điểm. Công bố quy hoạch và cam kết phát triển để thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, phối hợp cùng doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất giống.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các huyện trong vùng quy hoạch trồng quế tham mưu UBND tỉnh xây dựng, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển Chỉ dẫn địa lý cây quế Quỳ và các sản phẩm từ quế Quỳ. Trên cơ sở quỹ gen quế bản địa đã được khẳng định, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các vườn ươm cây giống đủ cung ứng theo nhu cầu với giá hợp lý, tránh tình trạng chuyển giống quế từ các tỉnh khác về với giá rẻ hơn làm ảnh hưởng đến cây quế Quỳ.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xây dựng vườn cây đầu dòng để cung ứng hạt cho cơ sở sản xuất giống, đồng thời phối hợp với các huyện kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống, xuất xứ giống...

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về ý nghĩa, ưu thế của việc phát triển cây quế bản địa để bảo vệ uy tín sản phẩm quế Quỳ. Hướng dẫn cho dân quy trình canh tác “trồng dày thu tỉa” để tuân thủ chặt chẽ. Đặc biệt tiếp cận với canh tác theo hướng hữu cơ để có thể đạt chứng chỉ chất lượng đi vào thị trường giá cao.

Thứ ba, hình thành các hợp tác xã trồng, chế biến nhỏ để hỗ trợ giải quyết đầu ra, hợp tác trong canh tác để được chứng nhận rừng phát triển bền vững FSC, đề nghị cấp mã vùng sản phẩm quế Quỳ, hướng đến vùng trồng quế hữu cơ. Với chính sách hỗ trợ phát triển cây bản địa hiện có, cần ưu tiên bố trí nguồn lực đủ lớn để phát triển cây quế, tránh phân tán, tủn mủn, mỗi đối tượng một ít. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo các huyện, các ngành ưu tiên các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để cùng tập trung hỗ trợ phát triển.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác an ninh để phòng chống hiện tượng bóc trộm vỏ quế gây bất an cho người dân như một số vụ việc vài năm qua. Hy vọng rằng, một ngày không xa, cây quế Quỳ vang bóng một thời được phát triển với diện mạo mới, sản phẩm đa dạng, sáng tạo và vươn xa đến với các nước trên thế giới.

Việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn miền Tây Nghệ An, trong đó có cây quế Quỳ còn nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi một quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành và doanh nghiệp cũng như Nhân dân. 

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
Top