Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 4 năm 2023 | 20:37

Quý II, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD

Trong quý II/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9-3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Với những dự báo sớm về những khó khăn, thách thức của thị trường nông sản toàn cầu năm 2023, báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu ước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 7,2%. Ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT xác định năm 2023 sẽ là một năm còn nhiều khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng…

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD trong quý II/2023

Thứ trưởng NN-PTNT cho rằng, hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Do đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp. “Tổ chức sản xuất cần gắn với rải vụ để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo là động lực để thay đổi bộ mặt sản xuất của ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngành cũng cần huy động tất cả nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, tạo thuận lợi cho bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái.

Về khía cạnh thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

“Trong quý II/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0% với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu mục tiêu.

Để đạt được con số trên, Bộ yêu cầu ngành chăn nuôi, Thú y phải theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Trao đổi thêm về vấn đề "nóng" đang diễn ra hiện nay, đó là tình trạng giá lợn hơi lao dốc, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, việc giảm giá heo hơi trước hết không phải chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng tác động toàn cầu do dịch Covid-19 gây đứt gãy.

Điển hình như ở Trung quốc, giá lợn của nước này có thời điểm năm 2022 cao hơn của Việt Nam 25.000 – 27.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã ngang với Việt Nam là 2,1 USD/kg, tương đương hơn 49.000 đồng/kg. Tương tự, giá lợn hơi của Philipines, Thái Lan cũng ở mức thấp.

“Dịch Covid-19 đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và liên tục, cho đến thời điểm này cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi ổn định trở lại.

Mặt khác, sức mua của người tiêu dùng đang rất yếu. Trong khi đó, sản xuất ở quy mô nông hộ, trang trại cải thiện, năng suất cao nhờ áp dụng công nghệ”, ông Tống Xuân Chinh nói.

Về phía Bộ, ông Tống Xuân Chinh cho hay, hiện Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cụ thể để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ phối trộn thức ăn chăn nuôi tại chỗ, tận dụng tối đa các nguyên liệu của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo mục tiêu đa giá trị.

Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, Cục Chăn nuôi đã báo cáo Bộ về khai thác ngách hẹp đối với thức ăn chăn nuôi đó là đề xuất giảm 2% thuế với đậu tương và khô dầu. Các Hiệp hội chăn nuôi đang có ý kiến, Bộ NN-PTNT cũng đã có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức thuế về 0%.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các tập đoàn như C.P, De Heus trồng nguyên liệu tại chỗ như sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời, tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước.

 
 
Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top