Ngày 8/9, tại TP. Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 của các tỉnh, thành phố phía Bắc.
5 năm, giá trị sản xuất tăng 27%
Theo Cục Trồng trọt, những năm gần đây diện tích cây vụ đông luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 380 nghìn ha, với nhiều chủng loại như: ngô, đậu tương, rau củ các loại... Giá trị sản xuất cây vụ Đông trong 5 năm qua tăng từ 29 nghìn tỷ (năm 2018) lên gần 37 nghìn tỷ (năm 2022), tăng 27%. Sản lượng năm 2022 đạt 4,7 triệu tấn; thu nhập bình quân đạt khoảng l00 triệu đồng/ha. Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, các cây vụ Đông còn được phục vụ xuất khẩu, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng ngành trồng trọt của các tỉnh, thành phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị.
Tại Bắc Giang, vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 21,7 nghìn ha, diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp giảm, tăng nhanh diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao; giá trị sản xuất đạt khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với vụ đông năm 2021. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được 118 mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với diện tích hơn 3,9 nghìn ha, cho hiệu quả kinh tế cao từ 100 - 500 triệu/ha/năm, tăng 30-40% so với sản xuất thông thường.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang luôn xác định bên cạnh lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế là phát triển công nghiệp, dịch vụ tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế thì phát triển nông nghiệp chính là nền tảng trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như “Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;...
Để tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, vừa qua HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xuất giống và chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030. Tỉnh cũng đã hoàn thành lập và phê duyệt bản đồ số hóa các vùng sản xuất nông nghiệp, tạo hành lang bảo vệ các vùng sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ tăng trưởng cả quy mô và giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, giá trị sản xuất vụ đông tăng chủ yếu là do có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như nhóm rau ăn củ, ăn quả, rau chất lượng cao; ngô thực phẩm, ngô sinh khối; hoa, cây cảnh giá trị cao... Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thị trường đầu ra tương đối ổn định; trồng rải vụ... đã góp phần giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Sản xuất vụ đông, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Về kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, các tỉnh, thành phố phía Bắc tiếp tục ổn định diện tích khoảng 380 nghìn ha, phấn đấu giá trị sản xuất đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt khoảng 110 triệu đồng/ha. Để hoàn thành mục tiêu này, từng địa phương cần căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ hè thu, vụ mùa, điều kiện nguồn nước và thị trường để chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp. Đa dạng các nhóm cây khác trong vụ đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu...
Điều kiện sản xuất vụ đông năm nay được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bởi điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; thị trường tiêu thụ, giá cả biến động; kênh tiêu thụ hạn chế nên dễ bị ép giá; thời vụ thu hoạch lúa Mùa ở một số địa phương vẫn còn chậm... Do đó, cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp và áp dụng giải pháp kỹ thuật làm bầu, ươm cây con, xen vụ để đảm bảo thời vụ. Chú ý chăm sóc ngay từ sớm không để cây con còi cọc chậm sinh trưởng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đánh giá cao sự chủ động và linh hoạt của các địa phương trong chỉ đạo sản xuất vụ đông. Đồng thời nhấn mạnh, sản xuất vụ đông là giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân với sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung trao đổi tại hội nghị.
Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ Đông năm 2023, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố phía Bắc rà soát kỹ kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, cây trồng, trình độ thâm canh…, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu. Xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ Đông.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho các cá nhân.
Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện xây dựng, rà soát kế hoạch sản xuất, bám sát thời tiết; phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo nhu cầu thị trường. Chủ động xây phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển liên kết sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình các loài dịch hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, thanh tra chất lượng, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng.
Các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cây trồng đảm bảo chất lượng, cung ứng kịp thời cho người dân với giá hợp lý để người dân có thể tiếp cận được nguồn hạt giống có chất lượng tốt.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.