Với tư duy đổi mới sản xuất theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với liên kết sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... đã dần đưa Sơn La trở thành trung tâm kinh tế của Tây Bắc.
Thuận Châu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc
Phát huy tiềm năng và lợi thế ở địa phương, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của nông dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu.
Trang trại của gia đình anh Lò Văn Dục, bản Lè, xã Tông Cọ, đang nuôi hơn 40 con bò lai sind. Ngoài tận dụng rơm, rạ, thân cây ngô sau thu hoạch, gia đình anh còn trồng 0,5 ha cỏ VA06 và ủ chua để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh nên đàn bò phát triển tốt. Anh Dục chia sẻ: Nuôi bò thịt cần chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển và bảo đảm nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng, mỗi năm, gia đình bán khoảng 20 con bò thịt, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
Là xã có lợi thế về phát triển chăn nuôi đại gia súc, trước đây, bà con ở xã Mường Khiêng chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các hộ đã chuyển sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo cung cấp cho thị trường. Nhiều hộ vay vốn đầu tư chuồng trại, mua con giống; áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Ông Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, thông tin: Xã đã hình thành các khu chăn nuôi đại gia súc tập trung, quy mô tại bản Khiêng, Nà Sành, Nong Bon, Nà Viềng, Phai Xe bản Bó và bản Phát, với gần 5.000 con trâu, bò. Để chủ động nguồn thức ăn, bà con đã trồng hơn 100 ha cỏ voi và 54 ha ngô sinh khối. Hiện nay, nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, thoát nghèo và vươn lên khá giả; điển hình là hộ ông Lò Văn Đảng, bản Phát, nuôi 14 con bò; Lò Văn Bính, bản Khiêng nuôi 12 con bò sinh sản; Lò Văn Nguyễn, bản Phé Hằng nuôi 17 con bò...
Hiện nay, huyện Thuận Châu có trên 61.000 con trâu, bò. Hằng năm, huyện giao chỉ tiêu cho từng xã về phát triển số lượng đại gia súc. Tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi. Từ năm 2015 đến nay, từ Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ hơn 2.200 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục triển khai chương trình truyền giống nhân tạo, Dự án “Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển con lai F1 giữa bò 3B và bò lai sind trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại xã Tông Cọ, Tông Lạnh và Thôm Mòn.
Đồng hành với nhân dân trong phát triển chăn nuôi, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giải quyết cho 7.684 hộ vay vốn, hiện tổng dư nợ hơn 8,4 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã cấp 420 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các xã để phòng dịch bệnh; nông dân các xã đã tiêm hơn 30.000 liều vắc xin phòng các bệnh cho trâu, bò. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân tận dụng diện tích đất trống, chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng 1.200 ha cỏ voi và 1.077 ha ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung bền vững. Đến nay, có 78% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại kiên cố, bán kiên cố; trên 50 hộ nuôi gia trại, trang trại từ 20-40 con; gần 1.500 hộ nuôi từ 5-12 con trâu, bò. Phòng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để cải tạo giống, tầm vóc đàn bò địa phương, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng thịt thương phẩm. Đồng thời, phát triển mô hình nuôi bò lai sind, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò của huyện Thuận Châu đạt trên 80.000 con; hình thành, phát triển các khu, cơ sở chăn nuôi đại gia súc công nghiệp tập trung, gắn với các cơ sở cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến. Huyện Thuận Châu tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để phát huy tối đa lợi thế đất đai; khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tăng đàn vật nuôi đối với các trang trại, gia trại, gắn với bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương.
Sốp Cộp nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về đường giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Nhân dân bản Nà Mòn, xã Mường Và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả có múi.
Mường Và có diện tích tự nhiên hơn 26.210 ha, với 21 bản, 2.675 hộ dân thuộc 5 dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú, Mông, Kinh cùng sinh sống. Vùng đất này có cánh đồng lúa rộng; nương đồi có độ dốc trung bình; nguồn nước tưới tiêu dồi dào, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bà con trong xã đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng 590 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt, xoài, nhãn; trong đó 166 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 900 tấn quả/năm. Trồng 292 ha lúa, sản lượng đạt 1.576 tấn/năm và 600 ha sắn cao sản, sản lượng hơn 6.300 tấn/năm. Ngoài ra, còn chăn nuôi gần 8.300 con gia súc, trên 36.100 con gia cầm.
Gia đình anh Lò Văn Lịch, bản Pói Lanh, mỗi năm duy trì nuôi từ 30 đến 40 con dê; bán dê giống, dê thịt, thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng hơn 1 ha ngô lai, thu 7 - 8 tấn; hơn 1 ha sắn cao sản, sản lượng trên 13 tấn; nuôi gà thả đồi, ao cá, tổng thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh Lịch cho biết: Năm nay, gia đình tôi mua thêm 2 con bò giống, 100 con gà giống về nuôi; đầu tư sửa chữa chuồng trại kiên cố. Tôi còn trồng thêm ngô lai, sắn cao sản và hơn 2.000 m² cỏ voi làm thức ăn cho vật nuôi.
Còn ông Vì Văn Nhủng, bản Nghè Vèn, chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi chuyển gần 1 ha trồng ngô, sắn sang trồng cây cam Vinh, cam Nà Mòn. Trong những năm đầu, “lấy ngắn nuôi dài”, tôi duy trì trồng 2 ha sắn cao sản, nuôi gà, vịt thịt và nuôi cá. Đến năm 2018, cam, quýt cho thu hoạch quả bói, bán được hơn 80 triệu đồng. Số tiền thu được, gia đình trồng thêm gần 2 ha cam, quýt nữa. Đến nay, gia đình có gần 3 ha cây ăn quả. Vụ năm 2022, thu được gần 20 tấn cam, quýt các loại, giá trung bình 20 nghìn đồng/kg, tổng thu 400 triệu đồng.
Là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trên địa bàn xã, bản Nà Mòn có 94 hộ dân. Cả bản trồng gần 40 ha cam, quýt, năng suất trung bình đạt 10 tấn quả/ha, giá bán từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Cây cam hợp đất, cùng với áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, nên quả to đều, mọng nước, ít hạt hoặc không có hạt, vị ngọt đậm, được nhiều khách hàng đặt mua. Nhờ trồng cam, quýt, nhiều hộ có thu nhập từ 150 - 400 triệu đồng/năm; bản chỉ còn 34 hộ nghèo.
Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã có trên 50 mô hình kinh tế hộ gia đình, 4 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Cùng với giữ vững thương hiệu nếp tan Mường Và, với các loại tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ được xếp loại sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, xã đang mở rộng diện tích, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cam Nà Mòn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,17%; hiện nay, xã còn 48,11% hộ nghèo.
Thời gian tới, xã Mường Và tiếp tục hỗ trợ nhân dân triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, từng bước nâng cao mức sống cho nhân dân.
Nông nghiệp không ngừng tăng trưởng
Sơn La hiện có hơn 83.000ha cây ăn quả, gần 88.000ha trồng cây công nghiệp với 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn và 110 sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia, trên 32.000ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương... đã khẳng định vị thế của Sơn La trên bản đồ nông nghiệp quốc gia.
Sản phẩm cà phê hữu cơ Heli thay thế cà phê chồn của Hợp tác xã Bích Thao Sơn La.
Hiện nay, Sơn La là tỉnh dẫn đầu miền bắc về diện tích, sản lượng cây ăn quả với các thương hiệu nông nghiệp được xây dựng, giữ gìn, phát triển và có mặt trên các thị trường trong nước, quốc tế với sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng khá, vượt kế hoạch đề ra và tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2021; công tác thu hút đầu tư được quan tâm, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản.
Sơn La có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, đóng vai trò là trụ đỡ của sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản.
Thời gian qua, Sơn La tổ chức, tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La, kết nối 20.000 hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2022 đạt 175 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2021, trong đó giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt trên 163 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, năm 2022, đã có hơn 3,3 triệu lượt khách du lịch đến Sơn La với doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng...
Để đưa Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Bước vào năm 2023, với nhiều thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị; duy trì và thực hiện hiệu quả chống dịch Covid-19; các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng xanh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.