Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được triển khai khá hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.
Ông Lâm Quan Vân bên vườn rau sử dụng phân hữu cơ .
Ông Lâm Quan Vân ở phường 7 (TP.Sóc Trăng) cho biết: Tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho rau màu, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã thu gom phân bò, rơm rạ ủ thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho rau màu.
Năm 2023, ông và các hộ trồng ngò gai (mùi Tàu) trong khu vực được Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ các phụ, phế phẩm nông nghiệp. Kết quả là phân hữu cơ được tạo ra có chất lượng tốt, giúp cho cây ngò gai phát triển mạnh, cho năng suất cao.
“Ngoài nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau màu, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng cải tạo đất, tăng lượng mùn trong đất làm đất tơi xốp, đất không bị bạc màu. Loại phân bón này rất thân thiện với môi trường, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với mô hình này, chúng tôi có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên, giảm chi phí sản xuất, hạn chế phân bón hóa học. Quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phân chuồng và phế phụ phẩm trong nông nghiệp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại, hộ gia đình”, ông Vân cho biết thêm.
Nhiều mô hình canh tác rau màu thep phương thức hữu cơ hình thành ở Sóc Trăng.
Ở phường 8 (TP.Sóc Trăng), mô hình trồng rau khí canh trụ đứng tại Trang trại Ngôi Sao Nhỏ đã có hiệu quả khi chủ cơ sở sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của rau sạch. Nước từ hồ cá được bơm vào hệ thống lọc vi sinh, các chất hữu cơ sẽ được xử lý và chuyển hóa thành các chất mà cây trồng có thể hấp thu được. Nhờ vậy mà sản phẩm rau tươi ngon và có hương vị tự nhiên, không tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón độc hại, đặc biệt tiết kiệm nguồn nước so với sản xuất truyền thống.
Ông Trần Văn Út (ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) nuôi đàn gà hơn 400 con, sau 3 tháng, gà phát triển khỏe mạnh, mỗi con đạt trọng lượng hơn 1,6kg. Đây là lứa gà nuôi thịt thứ 3 trong năm của ông Út.
“Trong quá trình phát triển của đàn gà, tôi sử dụng trấu để làm đệm lót sinh học, giúp giữ ấm cho gà, thấm hút chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, ngăn ngừa mùi hôi, hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm. Đến khi đàn gà xuất bán, tôi thu gom toàn bộ vật liệu làm đệm lót sinh học làm phân bón cây trồng. Phương pháp nuôi gà đệm lót sinh học cho hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường nên tôi duy trì và tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi này”, ông Út chia sẻ.
Nhờ ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà thịt, đàn gà lớn đều, khỏe mạnh, khu vực chăn nuôi của gia đình ông Út luôn khô ráo, sạch sẽ, không có mùi hôi. Ông Út cho biết, mô hình nuôi gà đệm lót sinh học được thực hiện vào năm 2022, sau khi thấy được lợi ích về kinh tế, giữ chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh nên đã duy trì mô hình cho đến nay. Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Quới có khoảng 50 hộ nuôi gà theo mô hình đệm lót sinh học đạt hiệu quả.
Người dân tận dụng phân gia súc, gia cầm làm phân hữu cơ.
Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, diện tích đất được sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 280.384ha, chiếm 84,66% diện tích tự nhiên; sản lượng phế, phụ phẩm của ngành Nông nghiệp như rơm rạ, thân lõi ngô, vỏ trấu, chất thải chăn nuôi, nuôi thủy sản… khá dồi dào. Do đó, việc hoàn thiện quy trình xử lý phế phụ phẩm thành phân bón hữu cơ phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế là thiết thực. Với dư địa sản xuất này, rất nhiều nông hộ, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường, lên men thức ăn cho gia cầm, gia súc, ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân hóa học không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất mà còn góp phần giảm phát thải môi trường.
Được biết, Sóc Trăng đang triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đến 11 huyện, thị xã, thành phố với đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi và thủy sản tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Định hướng đến năm 2025, đề án sẽ xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế, diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 210ha; đến năm 2030 diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 400ha, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.