Tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về 223 món ăn được chế biến từ tôm và bức tranh được làm từ gạo ST25 lớn nhất Việt Nam…
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã tổ chức cuộc họp về việc tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Theo đó, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 - 27/11/2023, tại thành phố Sóc Trăng. Lễ hội gồm có các hoạt động chính là Giải đua ghe Ngo; Lễ Cúng Trăng; Hội thi Lôi Protip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà hâu.
Bên cạnh đó, Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 còn tổ chức hoạt động phối hợp như: Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Hoa tỉnh Sóc Trăng; triển lãm ảnh nghệ thuật; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” lần thứ V năm 2023. Đặc biệt, tại lễ hội sẽ tổ chức xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam về 223 món ăn được chế biến từ tôm và Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST.
Năm 2022, Sóc Trăng gieo cấy khoảng 15.000ha lúa ST25.
Sóc Trăng là tỉnh diện tích trồng lúa khá lớn, trong đó có giống lúa ST25, ở khu vực ĐBSCL. Năm 2022, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt 2,042 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 91,64% tổng sản lượng với diện tích khoảng 45.000ha. Riêng lúa ST25 có tổng diện tích khoảng 15.000ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha. Gạo ST25 từng đạt giải nhất tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Về thủy sản, năm 2022, toàn tỉnh có 79.122ha nuôi thủy sản nước ngọt, lợ, mặn. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 377.865 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 311.572 tấn, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt trên 1 tỉ USD.
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đề ra kế hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản là 75.000ha; trong đó, nuôi tôm nước lợ 51.000ha (tôm sú 17.625ha, tôm thẻ chân trắng 33.375ha); nuôi thủy sản nước ngọt 21.600ha (cá tra 87ha, tôm càng xanh 50ha, cá các loại 21.463ha) và nuôi thủy sản khác 2.400ha. Kế hoạch sản lượng nuôi thủy sản 300.000 tấn; trong đó, tôm nước lợ 205.335 tấn (tôm sú 25.809 tấn, tôm thẻ chân trắng 179.526 tấn); thủy sản nước ngọt 92.665 tấn (cá tra 20.500 tấn; tôm càng xanh 75 tấn; cá các loại 72.090 tấn) và nuôi thủy sản khác 2.000 tấn.
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh đã xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao. OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương “từ làng ra phố” mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết, trở thành nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.