Thời gian gần đây, cây nho đang được một số nông dân Sơn La lựa chọn đưa vào trồng. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
Mô hình trồng nho Hạ Đen hiệu quả ở Mai Sơn
Dịp cuối tuần, vườn nho Hạ Đen của nông trại An Dương, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đón du khách đến tham quan. Những luống nho sai trĩu được chăm sóc cẩn thận, thẳng hàng đang thời kỳ cho thu hoạch, mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách. Nhiều gia đình đến đây tham quan, chụp hình, tự tay cắt những chùm nho mà mình ưng ý để mua về làm quà.
Anh Nguyễn Văn Khoa, chủ nông trại An Dương, chia sẻ: Là giảng viên của Trường đại học Tây Bắc, kỹ sư nông nghiệp, tôi được tiếp xúc nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Tôi đã thử nghiệm trồng khoảng 500 gốc nho Hạ Đen. Áp dụng kỹ thuật chăm sóc đúng phương pháp, toàn bộ diện tích nho cho thu hoạch, quả ngọt đậm vị. Năm 2020, gia đình cải tạo, tăng diện tích trồng lên gần 1.000 m², với 1.200 gốc nho.
Giống nho Hạ Đen có những yêu cầu tương đối khắt khe về độ ẩm. Bảo đảm cây sinh trưởng tốt, tránh tác hại của sâu bệnh và tác động của thời tiết, anh Khoa đầu tư xây dựng nhà màng cho toàn bộ diện tích nho; sử dụng dây thép làm giàn cho nho leo.
Vườn nho Hạ Đen của gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung.
Đồng thời, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc nho, giữ ẩm cho đất và giảm chi phí công lao động; thường xuyên cắt tỉa, sử dụng phân vi sinh tự sản xuất để bón lót, nhờ vậy, những cây nho ra hoa, đậu quả đều tăm tắp.
Anh Khoa cho biết thêm: Đối với loại nho Hạ Đen, phải thường xuyên theo dõi, cắt tỉa đúng kỹ thuật mới có thể ra nhiều hoa và đậu quả, đến khi ra quả non phải tiến hành tỉa, cắt bỏ những quả bị chèn ép vào nhau để chùm nho khi thu hoạch tròn, kích cỡ đạt chuẩn. Tới khi sắp thu hoạch, luôn quan tâm đến độ ẩm của đất để đảm bảo độ ngọt cho quả.
Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, vườn nho của gia đình anh Khoa cho năng suất cao, sản lượng đạt khoảng 1 tấn quả. Anh đã quảng bá hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội; thiết lập định vị tìm kiếm nông trại để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm.
Cùng con thăm vườn nho từ sáng sớm, chị Hoàng Thị Oanh, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, chia sẻ: Tôi biết vườn nho An Dương qua Facebook nên dịp cuối tuần, đưa các con đến đây trải nghiệm. Không chỉ được tận hưởng không khí trong lành mà còn được tìm hiểu quy trình sản xuất an toàn, tận tay thu hoạch, thưởng thức những chùm nho căng tròn, tím mọng ngay tại vườn nên các con rất thích thú.
Còn tại xã Chiềng Mung, những năm gần đây, từ việc chuyển đổi sản xuất sang trồng nho bước đầu có những thành công nhất định. Thăm vườn nho rộng hơn 3.000 m² của ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ chín rộ, các thành viên gia đình đang thu hoạch, cắt cuống, xếp hộp, cung cấp ra thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: Sau khi đi học tập kinh nghiệm tại một số địa phương trong và ngoài huyện, tôi trồng thử nghiệm 1.000 gốc nho Hạ Đen trong nhà lưới, lắp đặt hệ thống mái che; các luống trồng thiết kế bạt phủ để tránh mầm bệnh, cỏ dại. Năm đầu, toàn bộ diện tích chỉ cho thu hoạch 1,5 tấn, đến năm thứ 2 trở đi cho thu hoạch trên 2 tấn quả, giá trung bình từ 130.000-150.000 đồng/kg.
Trồng nho Hạ Đen theo hướng hữu cơ
Vườn nho giống Hạ Đen của anh Nguyễn Đình Tuấn, thành viên HTX Đoàn Kết, thôn 6, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn được áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thức canh tác theo hướng hữu cơ. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình bước đầu đã cho ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn, chất lượng cao.
Thu hoạch nho Hạ Đen không hạt cung cấp cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Vào thăm vườn nho, anh Tuấn tâm sự: Cách đây hơn 1 năm, sau khi tham quan một số mô hình trồng nho Hạ Đen tại thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, tôi tự nghiên cứu học hỏi; rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) để thuê kỹ sư nông nghiệp tư vấn kỹ thuật, mua 1.500 cây giống nho Hạ Đen đầu dòng tại Viện Khoa học cây trồng Quảng Đông về trồng thử nghiệm. Đồng thời, đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà màng và hệ thống tưới tự động trên diện tích sản xuất 6.000 m². Tập trung áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc vườn nho giống cây đầu dòng, tôi còn triển khai nhân giống nho Hạ Đen không hạt từ giống đầu dòng. Chỉ sau 6 tháng, vườn nho được mở rộng lên gấp đôi, với tổng số 3.000 cây trồng.
Với định hướng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, anh Tuấn không sử dụng thuốc diệt cỏ, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà tăng cường chất dinh dưỡng cho cây bằng việc ủ cá sông, ủ ngô, đỗ tương và ủ chuối, sữa, đường đen (rỉ mật) với các chế phẩm sinh học khác để làm phân bón cho cây nho. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu mà thời gian ủ phân hữu cơ có thể từ 7 ngày đến 5 tháng. Do đó, sản phẩm nho cho thu hoạch có vị ngọt, thơm.
Sản phẩm nho của gia đình anh Tuấn đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn; đang hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên và chứng nhận là sản phẩm sản xuất hữu cơ. Sản phẩm được đầu tư nhãn mác đóng gói, tem nhãn truy suất nguồn gốc, đủ điều kiện đang được cung cấp, bày bán tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hoa quả sạch tại một số tỉnh, thành phố lân cận.
Bắt đầu từ đầu tháng 6 năm nay, nho cho thu hoạch, anh Tuấn mở cửa cho khách hàng hoặc người dân vào tham quan miễn phí, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nho đến nhiều khách hàng hơn nữa. Anh Tuấn chia sẻ thêm: Sản xuất theo hướng hữu cơ, lại là năm đầu tiên trồng nho, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, nhưng vụ thu hoạch nho đầu tiên được khoảng 9 tấn, đạt mục tiêu đề ra, mỗi năm nho cho thu hoạch 2 vụ. Từ năm thứ 2 trở đi, nho sẽ cho thu hoạch sản lượng gấp đôi so với năm đầu. Trồng nho đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục từ 10-15 năm, nên so với các loại cây ăn quả khác, mô hình trồng nho đang cho thu nhập cao gấp nhiều lần. Với 6.000 m² trồng nho, hiện gia đình đã thu hoạch được 5 tấn quả tươi, giá bán tại vườn trung bình là 140.000 đồng/kg, thu nhập đã đạt 700 triệu đồng, tính hết vụ, doanh thu đạt gần 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Trồng nho như chăm sóc con mọn, phải thường xuyên ở vườn, tỉa cành, tỉa quả, chăm bón. Trung bình mỗi ngày, anh Tuấn thuê 4-5 lao động phổ thông làm việc tại vườn nho, trả công nhật 200.000 đồng/ngày, nên vườn nho không chỉ làm giàu cho gia đình anh Tuấn còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, anh Tuấn dự định đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tự động mở rộng vườn nho thêm 8.000 m², trong năm tới; thực hiện khai thác vườn nho theo hướng phát triển du lịch trải nghiệm, mục đích vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm, vừa tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Đồng thời, đầu tư làm lò sấy lạnh, kho lạnh để sơ chế, bảo quản nho tốt hơn, cung cấp sản phẩm nho quả tươi quanh năm, đa dạng các sản phẩm về nho, nâng cao thu nhập cho gia đình nói riêng và tạo việc làm cho lao động địa phương nói chung.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng nho Hạ Đen đã làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Mai Sơn, mở ra mô hình kinh tế mới để các hộ nông dân nghiên cứu học tập, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
Trồng nho Hạ Đen có lợi thế là đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục 10-12 năm; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, năng suất cao nhất có thể đạt 20 tấn/ha, với giá bán như hiện nay, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Qua triển khai thực hiện mô hình có thể khẳng định cây nho Hạ Đen thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mai Sơn và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Đây được xem là mô hình nông nghiệp công nghệ cao mở ra triển vọng nhằm nâng cao thu nhập, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiệu quả bước đầu
Thời điểm này, những luống nho sai trĩu, được chăm sóc tỷ mỉ của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã, huyện Sông Mã, bắt đầu vào vụ thu hoạch, góp phần đa dạng sản phẩm trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Vườn nho hạ đen của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã vào vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Hiền
Thăm vườn nho, ông Trần Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty, thông tin: Năm 2020, Công ty đầu tư 200 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới rộng 5.000m²; huyện hỗ trợ 1.300 cây nho giống; cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc; sau gần 1 năm, cây nho cho thu hoạch. Đến nay, Công ty mở rộng diện tích trồng 3.000 cây nho.
Giống nho hạ đen có những ưu điểm vượt trội, như: Sinh trưởng tốt, nhanh cho thu hoạch; năng suất đạt 8-10 tấn/ha/vụ. Trồng nho đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục từ 15-20 năm. Mỗi năm, thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 12; thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2,5 tháng; trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ.
Công ty làm giàn hình chữ Y theo dọc luống; bên trên làm vòm mái che bằng nilon trong suốt, sử dụng dây thép không gỉ để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo; sử dụng bạt che lối đi ngăn cách giữa các hàng và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới nước và bón phân.
Với định hướng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, Công ty không sử dụng thuốc diệt cỏ, các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà tăng cường chất dinh dưỡng cho cây bằng việc sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học khác làm phân bón. Thường xuyên tỉa quả, cắt bỏ những quả bị chèn ép, tạo chất lượng, hình dáng chùm nho sau này.
Chăm sóc theo quy trình sản xuất hữu cơ, đến nay, sản phẩm nho của Công ty đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đang hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Sản phẩm được đầu tư nhãn mác đóng gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, được cung cấp, bày bán tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các cửa hàng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Dự kiến vụ này, vườn nho sẽ cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả. Khi chín nho có màu tím thẫm, vỏ căng bóng, thịt quả dày và không có hạt; có vị ngọt sắc và mùi thơm dễ chịu. Hiện nay, sản phẩm nho hạ đen của Công ty được xuất bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Công ty đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua trên các trang mạng xã hội; tổ chức cho tham quan, trải nghiệm… Nhờ đó, nho hạ đen của Công ty được nhiều thương lái thu mua. Chị Lò Thị Hạ, xã Nà Nghịu, cho biết: Mô hình trồng nho hạ đen của Công ty sản xuất theo hướng hữu cơ đã mang lại sản phẩm sạch, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Vào vụ, tôi thường đặt mua nho của Công ty để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Sau thời gian trồng, cây nho có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đây là mô hình mới có triển vọng, góp phần thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
V.N (tổng hợp theo baosonla.org.vn)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.