Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 25 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024 | 10:55

Sơn La đa dạng các mô hình nông nghiệp giúp nông dân làm giàu

Là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, nhất là cây ăn quả, những năm qua, Sơn La đã tích cực đồng hành cùng người dân tham gia sản xuất, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, giúp nông dân làm giàu.

Đa dạng mô hình khuyến nông

Từ năm 1994 đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, Khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện thành công 108 loại mô hình khuyến nông đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và khuyến công, thu hút hơn 80.400 hộ nông dân tham gia.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ghép cải tạo giống nhãn ánh vàng.

Trong quá trình triển khai, trung tâm chú trọng phát huy tối đa lợi thế từng vùng, từng vụ; cử cán bộ đi cơ sở để khảo sát điều kiện thực tế, lựa chọn các hộ tham gia, lựa chọn phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Quan tâm chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và tạo điều kiện cho các hộ khác đến tham quan, học tập...

Nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Sơn La đã được nâng cao rõ rệt; nhất là, nhận thức, tư duy và tập quán canh tác của nông dân có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình được nhân rộng, phát triển thành các khu chuyên canh sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho bà con.

Tiêu biểu có các mô hình: Thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn, rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả, trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn (giống nhãn chín sớm) để rải vụ thu hoạch; trồng thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ nuôi cá lồng bè, nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men, nuôi lợn sinh sản hướng nạc, nuôi ong mật, chăn nuôi bò sinh sản; máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng (ngô, lúa, mía), mô hình tưới ẩm cho mía, máy sấy nông sản, nhà sấy năng lượng mặt trời...

Tại huyện Sông Mã và Mai Sơn, thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023-2025, hỗ trợ người nông dân trồng mới 35 ha, ghép cải tạo 15 ha giống nhãn địa phương, thay thế bằng nhãn ánh vàng 205.

Ông Hà Văn Trung, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, chia sẻ: Cách đây 5 năm, giống nhãn ánh vàng được trồng thử nghiệm tại Sông Mã. So với các giống nhãn khác, nhãn ánh vàng có ưu điểm cho năng suất cao hơn từ 20-25%, thời gian thu hoạch dài hơn, cùi nhãn khô nên thuận lợi trong việc vận chuyển đi xa, xuất khẩu. Năm 2024, gia đình đã đăng ký ghép cải tạo 3,5 ha, được dự án hỗ trợ mắt ghép, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc.

Nông dân bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai được hỗ trợ mô hình bò sinh sản.

Tại bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, giúp các hộ nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn giống bò chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Anh Điêu Chính Mai, bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, chia sẻ: Năm 2022, 9 hộ dân trong bản được trung tâm khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn triển khai nuôi 17 con bò lai sinh sản zebu. Các hộ đã thực hiện chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, nuôi nhốt; tăng cường các nguồn thức ăn đa dạng bằng tinh bột, chất xơ, ủ chua thức ăn đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên hơn 40 con. Nhờ thể trạng vượt trội, bò lai cho năng suất thịt cao hơn và ít mắc bệnh hơn.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của bà con nông dân; triển khai hàng trăm mô hình trình diễn và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần thúc đẩy  nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Bắc Yên

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nông dân huyện Bắc Yên phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nông dân bản Trạng, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên nuôi dê thương phẩm.

Song Pe là một trong những xã có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi gia súc, với hơn 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhiều phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nhân dân các bản tận dụng diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc; xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ... Đến nay, xã Song Pe mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 80 ha, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 9.800 con.

Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, cho biết: Xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc. Qua đó, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Là một trong những hộ tiêu biểu của xã Song Pe phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, gia đình ông Hà Văn Quang, bản Suối Song luôn duy trì đàn từ 36 con trở lên; mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 10 con bò, thu nhập trên 130 triệu đồng. Ông Quang cho biết: Năm 2014, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng cỏ voi và đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bò. Việc nuôi nhốt có nhiều cái lợi, không mất công chăn thả, luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh và thức ăn, nên đàn gia súc khỏe mạnh, sinh sản nhanh, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Còn tại xã Mường Khoa, gia đình anh Lừ Văn Hoàng, bản Trạng, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện tổ chức. Nhận thấy nhu cầu thị trường và việc chăn nuôi dê phù hợp điều kiện của gia đình, anh mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại nuôi dê. Đến nay, đàn dê duy trì hơn 70 con dê, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu.

Anh Hoàng chia sẻ: So với các loại vật nuôi khác, nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Một năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1-3 con; giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn. Cùng với đó, chủ động nguồn thức ăn ổn định cho đàn dê, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô.

Để tăng số lượng đàn, cũng như chất lượng đàn vật nuôi, huyện Bắc Yên tập trung tuyên truyền vận động các hộ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi; hướng dẫn phòng chống đói, rét, dự trữ, sơ chế, chế biến thức ăn cho vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, phun khử trùng tiêu độc đạt 100% so với chỉ tiêu giao.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; mở các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi cho nông dân. Tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đảm bảo yêu cầu về chất lượng giống cũng như đáp ứng quy chuẩn, quy định pháp luật. Đến nay, toàn huyện trồng trên 1.000 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đưa đàn gia súc đạt 81.240 con, từng bước nâng cao thu nhập từ phát triển chăn nuôi.

 Huyện Bắc Yên phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 100.000 con; nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; mở rộng diện tích trồng cỏ, thực hiện phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; giúp người dân vùng cao nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Mai Sơn sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng

Là huyện có nguồn đất đai phì nhiêu, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, huyện Mai Sơn đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết, tăng giá trị sản phẩm, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình trồng cà chua của nhân dân bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Với lợi thế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu, nhân dân xã Chiềng Ban tích cực đưa các giống cà phê Arabica vào canh tác, hình thành một vùng chuyên canh cà phê trên 1.250 ha. Xã thành lập các tổ, nhóm, HTX liên kết trong sản xuất, được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cho biết: Các hộ nông dân được các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị cho người trồng cà phê. Hiện nay, 1 ha cà phê cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Mai Sơn có hơn 49.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng các loại cây, như: cà phê, na, xoài, bưởi, mía, sắn, dâu tây và các loại hoa màu khác. Phát triển các loại cây nông nghiệp theo từng vùng, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đang là hướng đi đúng của huyện Mai Sơn.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Với các xã có lợi thế về cây trồng, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác quy hoạch trồng các loại cây có lợi thế; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật; xây dựng mã số vùng trồng, chuỗi liên kết trong sản xuất, hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh ATTP, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Riêng xã Cò Nòi có 2.114 ha cây ăn quả các loại, trong đó, gần 307 ha được cấp mã số vùng trồng, trên 49 ha cấp chứng nhận VietGAP, hơn 1.124 ha sử dụng công nghệ tưới ẩm. Sản lượng quả các loại ước đạt 24.500 tấn. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, xanh, sạch, an toàn và bền vững. Để nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xã vận động nhân dân thành lập 29 HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, chia sẻ.

Bản Lếch, xã Cò Nòi có gần 130 ha đất nông nghiệp, bà con nông dân ở đây tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Đình Triển, bản Lếch, cho biết: Nhà tôi có 1,2 ha đất sản xuất, trong đó, hơn 7.000 m2 trồng na hoàng hậu, na dai, na thái. Phần đất còn lại được trồng các loại hoa màu chủ yếu trồng trái vụ... Doanh thu bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện có 11.200 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 90.000 tấn quả/năm, trong đó có 4.201 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1.800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 1.119 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 3 vùng sản xuất công nghệ cao, với tổng diện tích 1.373,7 ha (2 vùng cà phê với diện tích 1.039,5 ha, 1 vùng na diện tích 334,2 ha); gần 1.500 ha sử dụng công nghệ tưới ẩm. Tiêu thụ và xuất khẩu các loại hàng hóa từ cà phê, chè, tinh bột sắn, xoài, chanh leo... đạt 49,47 triệu USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 10,79%; có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21 bản, tiểu khu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong bước đi tiếp theo, huyện Mai Sơn đang tiếp tục quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăm sóc cây trồng, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Yên Bái: Chương trình MTQG góp phần thay đổi nông thôn

    Yên Bái: Chương trình MTQG góp phần thay đổi nông thôn

    Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) có ý nghĩa quan trọng giúp nông thôn Yên Bái thay đổi rõ rệt.

  • Hà Tĩnh sôi nổi khí thế xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

    Hà Tĩnh sôi nổi khí thế xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

    Tiếp tục chung sức, đồng lòng hướng về mục tiêu tỉnh nông thôn mới (NTM), từ đầu năm 2024, các địa phương ở Hà Tĩnh đã sôi nổi khí thế xây dựng NTM, đô thị văn minh với những công trình, phần việc thiết thực góp phần tăng tốc con tàu Hà Tĩnh trên hành trình xây dựng và phát triển.

  • Hoà Vang trên đường tới đô thị mới

    Hoà Vang trên đường tới đô thị mới

    Với 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang tự tin phấn đấu trở thành thị xã đô thị mới vào năm 2025, bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.

Top