Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 10:54

Sơn La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa

Những năm gần đây, Sơn La có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giúp người dân làm giàu.

Yên Châu phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Nhiều hộ đã mở rộng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Người dân xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, nuôi nhốt trâu vỗ béo.

Nhiều năm trước, gia đình ông Lò Văn Ó, bản Bó Phương, xã Yên Sơn, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018, bằng nguồn vốn của gia đình và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò vỗ béo. Chủ động nguồn thức ăn hằng ngày cho 15 con trâu, bò, gia đình ông trồng thêm 1,5 ha cỏ voi và tích thêm rơm rạ, ngọn mía để ủ lên men. Với kỹ thuật nuôi bài bản, khoa học, nên đàn trâu, bò lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá. Ông Ó chia sẻ: Năm vừa rồi gia đình bán được 8 con, bình quân mỗi con bán được từ 40-45 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao, dịch bệnh giảm hẳn và tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư.

Còn anh Ngô Quốc Khánh, bản Mai Ngập, xã Chiềng Sàng, chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang nuôi vỗ béo nhốt chuồng 10 con bò 3B giống nhập ngoại. Việc quan trọng nhất trong nuôi bò vỗ béo là tìm được nguồn con giống chất lượng. Để đảm bảo nguồn thức ăn, tôi tận dụng những bãi đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ, ngô, mía. Phát triển kinh tế theo mô hình này, gia đình thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Ông Lường Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, cho biết: Thời gian qua, xã tích cực khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình nuôi nhốt trâu, bò. Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi 50 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố; thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, phòng chống các loại bệnh dịch. 

Theo thống kê, tổng đàn trâu, bò của huyện Yên Châu hiện có trên 32.000 con, trong đó đàn trâu 7.000 con, đàn bò hơn 25.000 con. Mặc dù số lượng có giảm so với những năm trước nhưng phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung. Hiện, toàn huyện có 40 hộ dân, 7 tổ hợp tác, 4 hợp tác xã chăn nuôi trâu bò theo mô hình trang trại, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Tú Nang, Yên Sơn... 

Để phát triển đàn trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Cùng với xây dựng các mô hình và thực hiện đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, huyện còn tạo điều kiện và khuyến khích người dân đưa con giống tốt, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi; hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cách tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn; phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi tư duy làm kinh tế, chủ động tái đầu tư phát triển theo hướng tập trung bền vững, giá bán gia súc thương phẩm hiện tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, phòng tập trung định hướng các giống vật nuôi chủ lực cho từng địa phương để bà con chủ động nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc; từng bước đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành hướng phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhân rộng mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ

Hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, vụ lúa mùa năm nay, huyện Thuận Châu đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại 9 xã trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, sinh thái đồng ruộng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa hữu cơ.

Bà Quàng Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Trước thực trạng bà con nông dân trồng lúa sử dụng 100% phân bón vô cơ làm cho đất thoái hóa, giảm nhanh các loại vi sinh vật có lợi trong đất, tồn dư các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp, môi trường sinh thái..., huyện đã triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ từ tháng 7/2022 tại xã Phổng Lăng, Phổng Lập, Mường É, Chiềng Pấc, Thôm Mòn, Chiềng Ly, Chiềng Pha, Tông Cọ và Bon Phặng, với 1.916 hộ tham gia sản xuất 163,8 ha giống lúa nếp 87. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 2,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng, người dân tham gia đối ứng gần 748 triệu đồng. Quá trình triển khai, Công ty cổ phần Tuấn Tài cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, bón phân, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho các hộ tham gia; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) tập huấn hướng dẫn nhân dân cấy lúa và chăm sóc theo phương pháp SRD.

Sau 4 tháng triển khai, mô hình trồng lúa hữu cơ bước đầu đã có những kết quả tích cực. Qua kiểm tra đánh giá, các hộ sử dụng phân hữu cơ bón đúng các giai đoạn kết hợp với cấy lúa theo SRD, cây lúa đẻ nhánh khỏe, bộ rễ phát triển dài, màu lá lúa xanh đậm, bản lá to, số hạt/bông đạt tỷ lệ chắc cao, lúa trổ bông và chín đồng đều. So sánh trên cùng một diện tích đất sản xuất, cùng mùa vụ và giống cây trồng cho thấy, lúa trồng theo hướng hữu cơ thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất mô hình đạt trung bình 7 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha so với phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có sử dụng phân hữu cơ vi sinh, góp phần giảm khối lượng giống, chi phí đầu tư.

Chiềng Pấc là một trong 9 xã đăng ký tham gia triển khai mô hình năm nay, ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã lựa chọn 208 hộ có nhân lực lao động, có diện tích đất tập trung tham gia mô hình 20,2 ha lúa hữu cơ; các hộ được hỗ trợ 100% chi phí phân bón, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, bón phân, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Từ hiệu quả mô hình, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích, từng bước xây dựng vùng lúa hữu cơ của địa phương.

Gia đình bà Lò Thị Niến, bản Chiềng Pấc, xã Chiềng Pấc, đăng ký tham gia trồng 1.300m² lúa theo hướng hữu cơ. Bà Niến chia sẻ: Những vụ trước, gia đình tôi gieo sạ và sử dụng phân bón hóa học để chăm sóc lúa. Tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật, thấy chăm sóc dễ dàng, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cách sản xuất này giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp môi trường đất được cải thiện, vi sinh vật có lợi phát triển tốt, năng suất cao hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Những kết quả bước đầu của các mô hình sản xuất lúa hữu cơ sẽ góp phần tác động tích cực từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, chuyển từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học có lợi cho môi trường. Huyện đang tiếp tục triển khai nhân rộng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Mường Bon chuyên canh rau hàng hóa

Khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, nông dân xã Mường Bon (Mai Sơn) đã chuyển từ trồng rau nhỏ lẻ, tự phát sang chuyên canh, quan tâm và ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, xã Mường Bon.

Mai Tiên là bản có diện tích trồng rau màu lớn nhất xã Mường Bon, với gần 10 ha, chuyên canh rau màu quanh năm. Bà con trong bản đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, trang bị hệ thống tưới tự động, giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm rau, củ quả đa dạng, sản lượng lớn, các buổi chiều hàng ngày, xe tải vào tận bản để thu gom, vận chuyển rau đi tiêu thụ.

HTX nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên đã có gần 10 năm phát triển, hiện có 21 thành viên, duy trì chuyên canh gần 7 ha rau màu, sản lượng khoảng trên 560 tấn rau, củ, quả mỗi năm. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Với điều kiện khí hậu mát mẻ, rau vụ đông sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại nên mùa này, các thành viên lựa chọn trồng đa dạng nhiều loại rau, củ, quả. Trồng rau theo quy trình VietGAP, các hộ thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật đối với giống, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, ghi chép đầy đủ quy trình chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ... sản phẩm rau an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định, các hộ thành viên liên kết tiêu thụ với các thương lái. Hàng năm, mỗi hộ thành viên của HTX thu về từ 300-400 triệu đồng.

HTX du lịch nông nghiệp Mường Bon hiện đang triển khai thí điểm mô hình trồng rau hữu cơ tại xã, phục vụ tham quan, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển các dịch vụ du lịch ẩm thực, thu hút đông đảo lượng khách du lịch các ngày cuối tuần và nghỉ lễ. Ông Tòng Văn Thu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX tập trung cải tạo 3.000 m² đất, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm mái che để thực hiện trồng cà chua bi giống nhập khẩu Hà Lan, dâu tây Hana, dưa chuột và một số giống rau cải khác. Từ đầu năm đến nay, HTX đã đón khoảng 1.200 lượt du khách, tổng doanh thu trên 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên trồng rau màu duy trì sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/hộ.

Từ trồng rau nhỏ, lẻ tự phát theo quy mô hộ, xã Mường Bon đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất, khuyến khích bà con nông dân liên kết sản xuất tập trung, thành lập các HTX chuyên canh rau màu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Ban đầu, việc trồng rau chỉ phát triển ở một số bản, giờ hầu hết các bản đều đã dần chuyển đổi chuyên canh rau màu, tập trung nhiều nhất ở các bản: Mai Tiên, Mé, Mứn, Đoàn Kết, Tà Xa... Toàn xã hiện trồng trên 55 ha rau màu các loại, sản lượng khoảng trên 4.000 tấn/năm; 3/5 HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh rau, củ, quả.

Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, chia sẻ: Hệ thống thủy lợi của xã được cơ bản đầu tư đồng bộ, với 4 hồ chứa và 82,5% mương được kiên cố hóa. Nguồn nước ổn định quanh năm, 80% diện tích chuyên canh trồng rau màu. Việc chuyển đổi chuyên canh rau theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, với thu nhập trung bình từ 250-300 triệu đồng/ha. Hiện nay, xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ trồng rau liên kết sản xuất tập trung, tham gia thành viên các HTX và thành lập thêm các tổ hợp tác và HTX chuyên canh rau màu; tư vấn cho nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững; thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu, đề xuất và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chuyển đổi phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; kiên quyết từ bỏ sản xuất theo lối nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Đưa nông sản Phù Yên vươn xa

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Phù Yên có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm 4 sao; 6 sản phẩm 3 sao. Huyện đã và đang tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Xã Mường Thải giới thiệu sản phẩm nông sản tại Ngày hội giới thiệu nông sản huyện Phù Yên năm 2022.

2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là cao An Xoa của HTX Uyên Thuận và tinh dầu xả của HTX Như Ý; 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tỏi đen, tỏi khô của HTX sản xuất, kinh doanh tỏi Phù Yên; miến dong Nhân Đức; chè sạch Mường Do; nước cốt chanh leo của HTX chanh leo khu Han; quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng. Hằng năm, huyện Phù Yên tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin, cung cấp tình hình thị trường nông sản; thông tin, tuyên truyền và mời các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong huyện tham gia các hội chợ, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thị trường; các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên website của các đơn vị chủ thể, tìm kiếm thị trường đưa sản phẩm tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu trong và ngoài huyện. Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện xây dựng các phóng sự quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện và tuyên truyền, định hướng xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các nhà phân phối, làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm, từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 5 hội chợ thương mại tại huyện, với tổng số 500 gian hàng, có 80 doanh nghiệp tham gia, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan; tổ chức các gian hàng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, như: Sự kiện Sắc màu Tây Bắc tổ chức tại Hà Nội; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại thành phố Sơn La; hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2025... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng điểm trưng bày sản phẩm tại khu Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã Gia Phù và cửa hàng trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn của huyện tại hợp tác xã Uyên Thuận, tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên.

Ông Bùi Duy Long, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Yên cho biết: Huyện đã hướng dẫn các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử conghtxocop.vn, sanocop.vn, sendo.vn; lựa chọn các sản phẩm đăng ký tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện trên “gian hàng Việt trực tuyến”. Qua các hoạt động quảng bá đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhận diện, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản là cơ hội để người dân, các HTX, doanh nghiệp Sơn La kết nối, hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản gắn với xúc tiến quảng bá du lịch, góp phần từng bước đưa nông nghiệp của tỉnh ngày càng vươn xa.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top