Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2024 | 13:29

Sơn La đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa được Sơn La đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức như thông qua các hoạt động kết nối, giúp nhiều doanh nghiệp, HTX tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hội nhập.

TP. Sơn La đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hải Đăng.

Năm 2023, Thành phố xuất khẩu hơn 9.870 tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu đạt 51,3 triệu USD, tăng 10,3 triệu USD tương đương tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thành lập mới 8 hợp tác xã; phát triển 15 chuỗi sản xuất nông nghiệp, 6 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao; nhân rộng mô hình sản xuất mận tại xã Chiềng Đen, mô hình quýt tại xã Chiềng Cọ, xoài hữu cơ xã Chiềng Ngần. Có 1.530 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 67 bản đăng ký thực hiện mô hình mỗi bản một mô hình kinh tế hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Năm 2023, Thành phố phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, như: Hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử PostMart; xây dựng xong mô hình chợ 4.0 tại chợ Rặng Tếch, gốc phượng, Chiềng An; trang bị quét mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt trên 300 tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ; tuyên truyền, vận động trên 700 cơ sở kinh doanh mở tài khoản, trang bị mã QR code, phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Thành phố bổ sung quy hoạch tuyến phố chợ đem tại khu vực bản Hài, lô 6C; lắp đặt máy bán hàng tự động tại các vị trí trung tâm Thành phố; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia hội chợ Caexpo năm 2023 tại Quảng Tây, Trung Quốc, dự chương trình xúc tiến thương mại tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Thành phố và tại Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023…

Chị Lê Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hải Đăng, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Trong năm, Công ty được Thành phố tạo điều kiện tham gia trưng bày sản phẩm hoa quả sấy dẻo, kẹo dẻo tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm chiến thắng Thượng Lào; trưng bày sản phẩm tại Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La... Công ty còn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, rất nhiều khách hàng biết đến sản phẩm. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công ty nhận thêm rất nhiều đơn hàng đặt làm quà Tết của các bạn hàng mới trong và ngoài tỉnh.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản tiêu biểu của Thành phố tại Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

Trong năm, Thành phố còn phối hợp với Sở Công Thương mở lớp tập huấn về thương mại điện tử. Qua lớp tập huấn, giúp HTX, doanh nghiệp nắm bắt cách xây dựng nội dung, kỹ năng chỉnh sửa, hậu kỳ video, lồng tiếng, phụ đề... đưa các clip trên kênh Tiktok thu hút người xem; hỗ trợ kỹ năng livestream quảng bá, bán hàng hiệu quả. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh quản lý tốt các sản phẩm đăng bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Quàng Văn Diên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Xét, chia sẻ: Xã Chiềng Đen có hàng chục ha trồng mơ, sản lượng quả hàng năm rất lớn. Trước đây, sau khi thu hoạch bà con sẽ bán quả mơ tươi ra thị tường. Tuy nhiên, do không phải lúc nào cũng được giá, nên một số hộ đã liên kết thành lập HTX sản xuất và bán sản phẩm mơ ngâm đường. Hiện nay, sản phẩm mơ ngâm đường của HTX đạt OCOP 3 sao. Hiện nay, mỗi năm HTX sản xuất và bán trên 500 bình mơ ngâm ra thị trường.      

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Thành phố được khách hàng biết đến và đánh giá cao về chất lượng, đa dạng về mẫu mã sản phẩm. Nhiều khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm trưng bày, đề xuất hợp tác, mở đại lý phân phối sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Thành phố.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu; tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, văn minh thương mại, quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trang thông tin thương mại điện tử... để sản phẩm hàng hoá nông sản sạch của Thành phố tiếp tục vươn xa, đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế.

Chủ động nguồn cung sản phẩm OCOP cho thị trường cuối năm

Yên Châu hiện có 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, gồm các sản phẩm chuối sấy giòn, xoài sấy dẻo, tỏi đen Châu Yên, tinh bột nghệ, rượu chuối và 1 sản phẩm đạt 4 sao là chuối sấy dẻo. Thời điểm cuối năm, các mặt hàng này được nhiều khách hàng lựa chọn làm quà biếu, các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang tích cực sản xuất, chủ động nguồn hàng, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. 

Đến thăm xưởng sản xuất chuối sấy giòn của gia đình anh Nguyễn Xuân Chiến, chủ cơ sở sản xuất Thành Công, tiểu khu 6, thị trấn Yên Châu, nhiều lao động đang khẩn trương sấy, đóng hộp sản phẩm, kịp giao cho các bạn hàng. Từ năm 2019, sản phẩm chuối sấy giòn của cơ sở được đánh giá, phân hạng và đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, thị trường tiêu thụ của sản phẩm ngày càng mở rộng.

Anh Nguyễn Xuân Chiến chia sẻ: Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của cơ sở tăng 30-40% so với thông thường. Chính vì vậy, cơ sở thuê thêm nhân công để sơ chế đến đóng gói thành phẩm. Trung bình cơ sở sản xuất khoảng 70-80kg chuối sấy giòn/ngày; sản phẩm chủ yếu đưa đi tiêu thụ tại các cửa hàng OCOP trong tỉnh và thành phố Hà Nội, tỉnh Hải Dương...

Thành viên HTX tuổi trẻ 26/3 đóng gói sản phẩm tỏi đen.

Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết, Công ty cổ phần rượu Việt - Pháp, tiểu khu 1, thị trấn Yên Châu những ngày này đang bước vào cao điểm sản xuất các sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn. Đặc biệt, Công ty còn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện sản xuất rượu chuối.

Ông Lê Văn Viện, Giám đốc Công ty, nói: Đơn vị đang gấp rút, huy động tối đa nhân lực, nguồn nguyên liệu gấp đôi ngày thường. Hiện nay, trung bình chế biến gần 2 tấn chuối tươi/ngày, tương đương với 3,5 tạ chuối sấy dẻo. Công ty đã mở rộng kênh phân phối qua các đại lý, tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến. Nhờ vậy, sản lượng bán ra tăng 25-40%.

Không chỉ tăng quy mô sản xuất, thu hút khách hàng và thúc đẩy tiêu thụ, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tập trung phát triển mẫu mã sản phẩm, thu hút khách hàng dịp cuối năm. Đồng thời, chủ động tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh, mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử... mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm nay là năm thứ 2, HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán đưa ra thị trường các hộp, giỏ quà tết đẹp mắt, chất lượng, phù hợp với thu nhập của nhiều người trong dịp Tết Nguyên đán. Giỏ quà gồm các sản phẩm OCOP tỏi đen, rượu tỏi đen, mật ong ngâm tỏi đen, chè Shan tuyết Ôn Ốc... giá bán từ 600.000-800.000 đồng/giỏ.

Anh Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Với 16 máy làm tỏi đen, công suất mỗi máy chế biến khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ, từ tháng 10, HTX đã thu mua gần 10 tấn tỏi nguyên liệu để chế biến; tuyển thêm lao động làm việc tăng ca; vận hành xưởng chế biến cả ngày lẫn đêm để kịp đưa sản phẩm tỏi đen ra thị trường. HTX còn tập trung thiết kế các loại bao bì phục vụ riêng cho dịp Tết, màu sắc bắt mắt, phù hợp làm quà tặng, quà biếu...

Có thể thấy, các sản phẩm OCOP của huyện Yên Châu đã và đang được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ ngày càng nhiều; chất lượng, mẫu mã ngày càng được đầu tư bài bản, bắt mắt.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, thông tin: Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện sẽ tổ chức các sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra đối với các chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và giữ thương hiệu OCOP của huyện. Tiếp tục hướng dẫn các HTX, hộ sản xuất quy trình, thủ tục đăng ký các sản phẩm OCOP mới từ hoa đu đủ, chè, thịt trâu gác bếp...; hướng tới đa dạng các sản phẩm OCOP Yên Châu.

Với sự đầu tư thiết bị, cải tiến chất lượng, mẫu mã của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, các sản phẩm OCOP Yên Châu đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm. Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đón năm mới thật vui tươi, trọn vẹn.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của từng vùng, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm sản phẩm.

Tỉnh Sơn La có khoảng 12.300 ha mận, sản lượng quả tươi mỗi năm khoảng 90 nghìn tấn. Quả mận Sơn La có vị chua thanh, ngọt dịu, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, HTX Nông sản bản địa Nọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã phát triển dòng sản phẩm mận ruby.

Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Quá trình chuyển đổi làm mận ruby tiêu chuẩn rất là cao, nhưng khi ra thị trường, khách hàng sẽ không tin tưởng bởi không có minh chứng cụ thể là sản phẩm làm như thế nào, chất lượng ra sao. Do đó, việc đưa sản phẩm mận ruby tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023, chúng tôi mong muốn sản phẩm sẽ được khẳng định chất lượng, thương hiệu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ liên kết trồng mận với HTX.

Cũng là một trong những đơn vị có sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã hoàn thiện quy trình sản xuất long nhãn, áp dụng công nghệ sấy bơm nhiệt sản xuất hoàn toàn bằng năng lượng sạch. Năm 2023, sản phẩm long nhãn sấy khô được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy thông tin: Tham gia  chương trình OCOP, chúng tôi mong muốn khẳng định chất lượng, thương hiệu cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. OCOP là chương trình của những sản phẩm đặc trưng tại từng địa phương. Sản phẩm phải được làm từ nguyên liệu địa phương và do người dân địa phương sản xuất. Những yêu cầu này chính là lợi thế đối với đơn vị Tham gia OCOP, chúng tôi còn được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì sao cho phù hợp, được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại ở trong và ngoài nước để mở rộng thị trường.

Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Đây đều là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của tỉnh, khá phong phú về chủng loại, gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm.

Ông Dương Gia Định, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Từ năm 2023, tỉnh Sơn La triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới điều chỉnh, bổ sung một số nội dung. Ví dụ, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện cho các chủ thể.

Việc đổi mới cách đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang lợi thế, đặc trưng của địa phương. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 55 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Đồng thời, rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top