Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2023 | 11:55

Sơn La huy nỗ lực phát triển sản phẩm nông sản

Nhiều địa phương ở Sơn La đang tập trung huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Nậm Lầu phát triển các sản phẩm nông sản

Nậm Lầu là xã có nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp của huyện Thuận Châu, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mô hình canh tác khoai sọ bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu.

Ông Lò Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Nậm Lầu cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế xã phát triển 2 vùng kinh tế. Trong đó, 7 bản vùng cao trồng cây khoai sọ, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong mật; 13 bản vùng thấp trồng cây cà phê, cây ăn quả, nuôi thủy sản. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ bà con xây dựng và mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

Hiện nay, nông dân trong xã thâm canh hơn 400 ha lúa 2 vụ, sản lượng 2.400 tấn/năm; trồng 1.200 ha cà phê, sản lượng đạt 15.000 tấn/năm; 76 ha khoai sọ, sản lượng gần 100 tấn/năm. Đồng thời, đưa các loại cây ăn quả, như xoài, nhãn, mận trồng xen với hơn 120 ha cây cà phê, sản lượng đạt trên 1.000 tấn quả các loại/năm. Xã có 1 HTX trồng cây cà phê; 17 trang trại trồng cà phê, kết hợp nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm/trang trại.

Sản phẩm nông sản của xã Nậm Lầu được nhiều người biết phải kể đến khoai sọ. Hơn 10 năm trở lại đây, khoai sọ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn, bởi chất lượng thơm ngon, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận vườn thu mua. Nâng cao chất lượng sản phẩm khoai sọ, xã đã liên kết với hợp tác xã Hưng Thịnh, xã Muổi Nọi, xây dựng mô hình hơn 20 ha khoai sọ giống bản địa, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện triển khai các mô hình trồng khoai sọ tại các bản Sa Hòn, Huổi Kép, Huổi Sưa, bản Biên, bản Tăng. Tham gia các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm khoai sọ do huyện tổ chức.

Bà Lò Thị Phin, bản Phúc, xã Nậm Lầu, chia sẻ: Tháng 2/2023, gia đình tôi tham gia mô hình canh tác khoai sọ theo hướng hữu cơ do huyện triển khai. Sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, gia đình thực hiện chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, chất lượng được nâng lên, giá bán cao gấp 3 lần so với vụ trước đó. Với 2.500 m² trồng khoai sọ, năm nay trừ chi phí, thu lãi khoảng 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, với hơn 1.200 ha cây cà phê, xã đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp, HTX thu mua, sơ chế cà phê tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân kỹ thuật cắt tỉa cành, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái. UBND xã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai dự án mô hình 2 ha canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại bản Mỏ và Nà Kẻ.

Thời điểm này, bà con đang khẩn trương thu hoạch cà phê. Anh Quàng Văn Thích, Trưởng bản Tăng, thông tin: Bản có 154 hộ trồng 78 ha cà phê. Giá quả cà phê tươi bình quân năm nay cao, mỗi ha thu 12 tấn quả, thu hơn 9 tỷ đồng, trung bình hơn 60 triệu đồng/hộ. Năm nay, cà phê được mùa, được giá, từ trồng cà phê nhiều hộ có thu nhập ổn định, đầu tư xây được nhà kiên cố, dự kiến đến hết năm nay, cả bản chỉ còn 22 hộ nghèo.

Với việc đẩy mạnh thâm canh, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm nông sản của xã Nậm Lầu đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Sốp Cộp huy động nguồn lực cho sản xuất

Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 25%, huyện Sốp Cộp đang tập trung huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao... quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Nhân dân bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, thu hoạch cam.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quan tâm đầu tư hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo việc làm cho lao động, hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã huy động trên 170 tỷ đồng từ các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ giảm nghèo để xây dựng mới 67 công trình và duy tu, bảo dưỡng 58 công trình nhà văn hóa, nước sinh hoạt, đường giao thông, thủy lợi, điện... Hỗ trợ gần 250.000 con cá giống các loại, 272 con bò giống cho các hộ nghèo tại các xã Mường Lạn, Mường Và, Sam Kha, Púng Bánh, Mường Lèo; 22 máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất cho các hộ nghèo xã Mường Lèo; hỗ trợ 37 hộ trồng mới 8,9 ha quýt chum tại xã Nậm Lạnh. Đồng thời, tổ chức 6 lớp đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp dưới 3 tháng cho 210 học viên, là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn các xã. Đã có hơn 407 hộ được vay vốn ưu đãi làm nhà ở với số tiền hơn 12 tỷ 280 triệu đồng.

Các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%-5%. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Trụ sở làm việc của 100% số xã, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang; 100% số bản được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đường đến trung tâm 8 xã của huyện được rải nhựa, đổ bê tông đi được bốn mùa... Theo thống kê, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 37,8% năm 2021 xuống còn 30% năm 2023

Mường Lèo cách trung tâm huyện hơn 60 km, địa hình chia cắt, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo, xã được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hiện nay, xã có trên 15 km đường bê tông; 10/13 bản có nhà văn hóa; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 85% người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Xã đang được đầu tư xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tại bản Chăm Hỳ, Nậm Khún, sau khi hoàn thành sẽ giúp 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Lò Văn Hoàn, bản Mạt, xã Mường Lèo, chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại, trồng cỏ, nên đàn bò của gia đình phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình bán bò thu hơn 60 triệu đồng. Cùng với duy trì trồng trọt, gia đình có điều kiện nuôi con cái ăn học. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Tại xã Nậm Lạnh, để phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, xã đã tận dụng các nguồn vốn chương trình giảm nghèo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung cải tạo, chuyển đổi vườn tạp thành các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt ở bản Phổng, Lọng Tòng; phát triển mô hình nuôi dê ở bản Mới, nuôi bò sinh sản ở bản Pánh Han; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4-6%; năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo xã giảm còn 38%.

Triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tận dụng tối đa các nguồn lực, công tác giảm nghèo ở huyện Sốp Cộp đã thu được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo thêm sinh kế cho nhân dân. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng chính sách tín dụng xã hội, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo...

Liên kết sản xuất, phát triển bền vững

Với mục tiêu liên kết sản xuất, phát triển bền vững, năm 2016, các hộ dân bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, tập trung phát triển cây nhãn và xoài, mang lại thu nhập cao.

Thành viên HTX kiểm tra diện tích thanh long.

Trong câu chuyện với ông Lường Văn Thoan, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, được biết: Trước đây, thu nhập của nhân dân trong bản chủ yếu là ngô và sắn. Tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, ông Thoan đã tiên phong áp dụng và vận động các thành viên trong gia đình đưa cây trồng mới vào sản xuất, như: Nhãn miền thiết, xoài, thanh long… Thấy hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân trong bản đã học và làm theo.

Ông Lường Văn Thoan chia sẻ: Tôi nghĩ, nếu làm đơn lẻ sẽ không cho sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, tôi vận động một số hộ dân thành lập HTX. Đến nay, HTX có 14 thành viên, quy mô sản xuất là 27 ha cây ăn quả. 

Hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản. Hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp miễn phí tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả nhãn tươi của HTX.

Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng khâu công việc, như: hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Với mục tiêu hướng đến sản xuất hữu cơ, đến nay, HTX có 10 ha đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp 2 mã vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc và Úc.

Cùng ông Thoan đến thăm mô hình cây ăn quả của thành viên Lò Văn Ngoãn, với gần 2 ha nhãn, thu 20 tấn quả/năm. Đón chúng tôi, ông Ngoãn phấn khởi nói: Việc liên kết trong sản xuất tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhất là việc xây dựng mã số vùng trồng đã mang lại ích lợi thiết thực, như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý diện tích trồng, số lượng cây, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất... Thời điểm này, các thành viên đang tập trung chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch.

Ngoài xuất bán quả tươi, HTX còn vận động thành viên chế biến long nhãn, nhằm giảm áp lực tiêu thụ quả tươi và tránh tình trạng tư thương ép giá. Theo chia sẻ của các thành viên, trước đây, long nhãn sấy khô bằng phương pháp thủ công đốt than đá, một ngày làm được 50 kg đến 1 tạ. Hiện nay, các thành viên đã đầu tư 7 lò sấy nhiệt, công suất chế biến tăng lên 7 tạ quả tươi/ngày. Năm nay, các thành viên thu mua và chế biến được hơn 60 tấn long nhãn; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. 

Chia sẻ về dự định của HTX thời gian tới, ông Thoan nói: HTX tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng VietGap; trồng thử nghiệm cây thanh long; chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ.  Năm nay, HTX thí điểm chuyển đổi 2 ha, dù chi phí cao hơn so với nhãn chính vụ, giá ổn định.

Nói về HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, ông Dương Hữu Hảo, Chủ tịch UBND xã Nà Nghịu, đánh giá: Sự năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các thành viên đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cách làm kinh tế với bà con trong bản, trong xã.  Nhờ vậy, nhiều hộ dân trong xã đã liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, xã Nà Nghịu có 3 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Đây là điều kiện để xã hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Việc liên kết sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh đã tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới; thay đổi tập quán trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán sang thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX.

 

Nguồn: baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top