Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 5 năm 2023 | 10:29

Sơn La xây dựng nhiều mô hình kinh tế VAC cho hiệu quả cao

Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tưới tiện lợi… nông dân Sơn La đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế VAC cho hiệu quả cao.

Trái ngọt trên đất Chiềng Cang

Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, bản Anh Chung thu hoạch nhãn chín sớm.

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, xã đã chỉ đạo các bản hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây trồng, huy động nguồn lực để cải tạo vườn tạp. Các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng mô hình kinh tế. Ông Trần Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Chỉ tính riêng năm 2022, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 107 ha đất trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có trên 1.328 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 1.000 ha nhãn, sản lượng dự kiến đạt 8.500 tấn quả.

Bản Tre là một trong những bản có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Trong căn nhà sàn khang trang, ông Lò Văn Diên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, phấn khởi: Cả bản có 119 hộ, cuộc sống của bà con có nhiều đổi thay. Các diện tích đất bạc màu dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Chi bộ, Ban quản lý bản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa; chủ trương này được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Đến nay, bản có 150 ha cây ăn quả các loại. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%.

Thăm mô hình của anh Lò Văn Miên, bản Tre, đúng thời điểm chăm bón 5 ha cây ăn quả. Nhờ trồng cây ăn quả, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Anh Miên chia sẻ: Gần 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch nhãn, xoài. Thời điểm này, tôi cũng như các hộ khác trong bản tập trung tỉa quả và bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, chăm sóc diện tích cam vừa cho thu hoạch xong. Năm 2022, gia đình thu lãi 250 triệu đồng từ cây ăn quả.

Điều đáng mừng, các hộ dân trong xã đã liên kết thành lập được 9 HTX trồng cây ăn quả, với tổng diện tích là 330 ha. Trong đó, có 160 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP; có 4 HTX được cấp 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, với diện tích là 89,5 ha nhãn. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, bản Anh Trung, thành lập năm 2019 với 14 thành viên; chăm sóc 36 ha cây ăn quả các loại, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã vận động thành viên chuyển đổi trồng 15 ha nhãn chín sớm. Thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/thành viên/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với một số bạn hàng đưa sản phẩm nhãn vào các siêu thị ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và một số chợ đầu mối ở Hà Nội, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Hữu Dậu, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, chia sẻ: Trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP có thể đạt từ 200-500 triệu đồng/ha.

Theo nông dân trong xã, cây mắc ca cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Do hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ ở bản Bó Lạ trồng, chăm sóc 3 ha loại cây này. Năm 2018, anh Lường Văn Sươi, bản Bó Lạ, đầu tư 10 triệu đồng trồng 100 cây mắc ca trên diện tích 7.000m2. Hiện nay, gia đình anh đã có 300 cây mắc ca, trong đó, 100 cây đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tạ quả, thu nhập 60 triệu đồng. Anh Sươi cho biết: Nếu trước đây, diện tích này trồng cây ngô thì chỉ thu được 20 triệu đồng, nhưng trồng mắc ca thu nhập cao gấp 2-3 lần. Năm nay, 300 cây mắc ca đều ra quả, năng suất ước đạt hơn 2 tấn quả.

Năm 2023, Chiềng Cang phấn đấu trồng mới 20 ha cây ăn quả các loại. UBND xã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, tìm mối bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích cây quế, cây mắc ca, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất Chiềng Cang. Tin rằng, với những định hướng đúng đắn, quy hoạch vùng trồng phù hợp, cây ăn quả nơi đây sẽ mang lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn.

Triển vọng từ mô hình nuôi cá chép gù

Trong chuyến công tác về xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chúng tôi được thưởng thức món cá nướng rất ngon và lạ miệng. Hỏi mới biết, đây là "cá chép gù", đặc sản của Ngọc Chiến.

Khu vực nuôi cá lồng của gia đình anh Quàng Văn Hoàng tại lòng hồ Thủy điện Nậm Chiến. 

Nói đến cá chép gù ở Ngọc Chiến, nhiều người kể đến anh Quàng Văn Hoàng, bản Khua Vai, người đầu tiên phát hiện ra đặc tính cá chép gù và tiên phong đi đầu phát triển nuôi giống cá này trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến.

Qua lời kể của bà con trong xã, giống cá này là cá chép V1, tuy nhiên khi nuôi ở lòng hồ thủy điện Nậm Chiến lại có sự sinh trưởng phát triển mang đặc điểm khác biệt với cá chép V1 nuôi ở vùng lòng hồ khác. 

Chủ thuyền đưa chúng tôi thăm quan những lồng nuôi cá chép gù giữa lòng hồ thủy điện, anh Hoàng chia sẻ: Năm 2017, tôi bắt tay làm mô hình nuôi cá lồng, gia đình tôi đầu tư 2 lồng cá, diện tích gần 90m², 1 lồng nuôi cá chép, 1 lồng nuôi cá trắm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy cá chép nuôi ở vùng này có đặc tính khác so với nuôi ở các khu vực khác, mình dày, phần lưng hơi gù cao, da cá màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng màu vàng nhạt, khi chế biến thịt ngon, thơm, xương mềm, ít tanh. Tôi xuất bán cho một số nhà hàng và nhận lại phản hồi rất tốt, được khách hàng rất ưa chuộng và đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ thực khách.

So với cá chép bình thường, cá chép gù mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đối với cá trọng lượng trên 1 kg có giá 160 nghìn đồng/kg; từ 4 - 5 kg và 30 - 50 gam xuất bán với giá 300 nghìn đồng/kg, thu nhập gấp 2 lần so với giá cá chép thông thường. Trung bình được 30-40 triệu đồng/lồng cá chép gù. Năm nay, tôi đã phát triển lên 20 lồng cá với diện tích gần 500m2, trong đó, riêng cá chép gù có 8 lồng với diện tích gần 200m2. Năm 2022, gia đình tôi thu được 1,3 tấn cá chép gù, thu nhập gần 260 triệu đồng/năm.

Cá chép gù của gia đình  anh Quàng Văn Hoàng.

Chia sẻ khó khăn khi nuôi cá chép gù, anh Hoàng nói: Loài cá này đặc tính xương mềm, dễ bị dịch bệnh khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm hoặc trong lúc thu hoạch làm cá bị xây sát thì tỉ lệ sống của cá thấp, ảnh hưởng đến cả đàn trong lồng. Tôi theo dõi thường xuyên và chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian sinh trưởng của cá chép gù. Khi cá trưởng thành đủ điều kiện xuất bán phải từ 6 tháng đến 1 năm đạt trọng lượng từ 30 gam đến hơn 1kg; từ 3 - 4 năm cá mới đạt trọng lượng khoảng 5 kg. 

Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Hoàng đã nghiên cứu nuôi gối vụ, mỗi lứa cá cách nhau từ 2-3 tháng để thường xuyên có cá cung cấp cho thị trường. Nếu trước chỉ xuất bán được 1 vụ/năm, thì nay cá luôn sẵn có và cung cấp quanh năm cho thị trường. 

Chị Nguyễn Thị Loan, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến với Ngọc Chiến, ngoài được tắm suối khoáng nóng, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương như: xôi nếp tan, cơm lam, gà nướng… Đặc biệt, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món cá chép gù được chế biến bằng cách nướng trên than củi, thịt rất chắc, thơm, ngọt và xương cá mềm, chấm với muối ớt được giã theo hương vị của đồng bào dân tộc Thái rất thơm ngon, hấp dẫn.  

Ông Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Cá chép gù là sản vật của địa phương cần được nhân rộng. Để duy trì phát triển sản lượng cá chép gù, tháng 7/2022, một số hộ trong xã đã liên kết thành lập HTX Thủy sản Ngọc Chiến, gồm 8 thành viên, đóng góp cổ phần để duy trì phát triển mô hình. UBND huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng để nhân rộng lồng cá với mục tiêu tăng sản lượng cá chép gù, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với những giá trị mang lại, xã Ngọc Chiến đang hướng dẫn, hỗ trợ HTX thủy sản Ngọc Chiến chuẩn hóa các tiêu chí sản phẩm cá chép gù là sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cá chép gù, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vân Hồ

Khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tưới tiện lợi, HTX Mộc Vân Green, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đã đầu tư cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây giống, rau, củ, quả an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thăm khu sản xuất của HTX, chúng tôi ấn tượng với dãy nhà nilon khung thép kiên cố, cùng hệ thống tưới phun nước bao phủ kín diện tích vườn ươm, khu trồng rau. Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Greenfarm, chia sẻ: HTX thành lập năm 2020, với 7 thành viên, là cơ sở thuộc hệ thống của Công ty, có trụ sở chính ở Mộc Châu. Tổng đầu tư HTX khoảng 12 tỷ đồng, gồm đất, nhà màng, hệ thống tưới bán tự động, máy móc, thiết bị, kho lạnh 100 m3 và 5 xe vận chuyển các loại gồm cả xe lạnh, bảo quản rau tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

Trên tổng diện tích 5 ha, HTX đã đầu tư 2 ha nhà nilon có lắp hệ thống tưới bán tự động, bảo đảm các điều kiện cho rau phát triển tốt và 1 ha có hệ thống tưới văng. Mỗi ha nhà nilon cùng hệ thống tưới đầu tư khoảng 350 triệu đồng; mỗi ha có hệ thống tưới chi phí 150 triệu đồng. HTX sử dụng 1,5 ha nhà nilon làm vườn ươm có thêm hệ thống máy móc hiện đại, như: Máy nghiền đất, máy đóng bầu, máy gieo hạt vào các khay được kê trên giàn tránh nhập úng, hạn chế mầm bệnh.

 Mỗi năm, HTX sản xuất 15 triệu cây giống các loại, gồm: Bắp cải, cà chua, dưa chuột, cải thảo, cải Kale, cà rốt... Hạt giống được nhập từ các công ty có uy tín, như: Công ty TNHH Sakata Việt Nam, Công ty TNHH Giống cây trồng Takii Việt Nam của Nhật Bản, Công ty TNHH Sản xuất Bejo Việt Nam của Hà Lan…, đem đến lựa chọn giống cây tốt nhất cho nông dân ở Sơn La và Điện Biên. Mỗi lứa ươm giống chỉ khoảng 30 ngày có thể xuất bán, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/năm/ha.

Khu vườn ươm cây giống của HTX Mộc Vân Green được đầu tư hiện đại.

Ngoài diện tích sản xuất của đơn vị, HTX còn liên kết với 12 hộ trồng rau theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 5 ha. HTX cung cấp cây giống chất lượng, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, đội ngũ kỹ thuật của HTX sẽ giám sát, ghi nhật ký hàng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm; sản phẩm rau sạch được truy xuất nguồn gốc, mã vạch với các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, loại giống cây, thời gian gieo giống và thu hoạch, địa điểm, người trồng.

Sản phẩm của HTX và liên kết với các hộ dân được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Aeon, Lotte, Vinmart… và các bếp ăn trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn xuất sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi năm từ 300 - 500 tấn cải thảo, hành tây. Lợi nhuận mỗi ha trồng rau bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đinh Thị Định, bản Hang Trùng, xã Vân Hồ, làm ở vườn ươm của HTX, chia sẻ: Tôi vào làm ở HTX đến nay đã được 3 năm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác xa so với cách trồng rau màu truyền thống theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, tôi và các lao động khác nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật, vận hành máy móc nên năng suất lao động hiệu quả. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, theo dõi và ghi chép cẩn thận về quá trình sản xuất, từ bón phân, tưới nước, phun thuốc đều phải có liều lượng phù hợp với thời tiết, giai đoạn phát triển của cây giống. Tôi có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng và còn học được kỹ thuật trồng rau ứng dụng công nghệ cao, truyền đạt cho gia đình và mọi người áp dụng.

Theo ông Trương Văn Nghiệp, thông tin: HTX được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, cho phép xây dựng đường nội đồng dễ dàng sản xuất và thu hoạch. HTX đang được huyện khuyến khích hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng sản phẩm rau an toàn được xếp hạng OCOP của địa phương.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX Mộc Vân Green liên kết với các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao công nghệ cho nông dân và bao tiêu sản phẩm là hướng sản xuất hiệu quả bền vững. Mô hình trở thành địa chỉ cho nông dân nhiều nơi đến học tập và áp dụng.

Nông dân Bắc Yên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Hội Nông dân huyện Bắc Yên có gần 8.700 hội viên, sinh hoạt ở 16 cơ sở hội và 101 chi hội. Những năm qua, Hội đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân Bắc Yên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, bước đầu xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nông dân xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên phát triển nuôi gia súc nhốt chuồng. 

Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành, nghề, đoàn thể mở 42 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm... cho gần 3.000 lượt hội viên. Hội Nông dân các xã, thị trấn đứng ra nhận ủy thác 130 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 2.355 hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Quản lý hiệu quả trên 4,4 tỷ đồng Quỹ “Hỗ trợ nông dân” các cấp, tạo điều kiện cho 110 hội viên nông dân vay thực hiện 16 dự án chăn nuôi và trồng trọt...

Tại xã Tà Xùa, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên tận dụng đất đai hoặc chuyển đổi những diện tích lúa nương không mang lại hiệu quả kinh tế sang trồng cỏ, phục vụ nuôi bò nhốt chuồng theo hướng hàng hóa và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Anh Mùa A Sang, bản Chung Chinh, cho biết: Được cán bộ Hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhốt trâu bò, gia đình tôi đã vay thêm vốn xây dựng chuồng nuôi 20 con bò, 10 con trâu, 10 con ngựa; trồng 3 ha cỏ voi làm thức ăn cho trâu bò. Hiện nay, mỗi năm thu nhập của gia đình đạt 150-180 triệu đồng từ chăn nuôi.

Đến nay, toàn huyện có 1.294 hội viên đạt tiêu chí hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (890 hộ cấp xã, 294 hộ cấp huyện, 106 hộ cấp tỉnh, 4 hộ cấp Trung ương). Mỗi hộ sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên có trách nhiệm giúp đỡ ít nhất từ 1-2 hộ nông dân khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng các hình thức, như tạo việc làm, hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư sản xuất, cho vay vốn không lấy lãi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh…

Các hội viên nông dân xã Làng Chếu tập trung phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng cây ăn quả trên đất dốc. Hội viên nông dân Phàng A Nu, bản Háng Cao, nói: Gia đình tôi trồng gần 2 ha cây sơn tra, mỗi năm cho thu hoạch 10 tấn quả, với giá bán trung bình từ 7.000-8.000 đồng/kg, trừ chi phí thì cũng thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, duy trì nuôi nhốt gần 20 con bò, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 150 triệu đồng.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo sự chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân về phát triển kinh tế, đầu tư vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ông Thào A Chư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thông tin: Thời gian tới, Hội tiếp tục thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế trong hội viên, phối hợp với các cấp hội quan tâm hơn nữa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho các hộ nông dân nghèo và cận nghèo... Phong trào thi đua rộng khắp đã và đang đem lại cuộc sống ổn định cho các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Bắc Yên, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

V.N (tổng hợp)/baosonla.org.vn

Ý kiến bạn đọc
Top