Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thừa Thiên - Huế đã, đang tập trung thực hiện trên lộ trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Đầu Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể điểm qua những kết quả đạt được sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương?
Sau hơn 7 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp Thừa Thiên - Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tỉnh đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm là chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và OCOP. An ninh lương thực luôn được đảm bảo, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đời sống dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ với khoảng 600 hộ, 15 hợp tác xã (HTX) tham gia; diện tích trồng trọt hữu cơ trên toàn tỉnh đạt 277ha, tăng 11,6% so với năm 2022 và khoảng 6.400 con gia súc được cấp chứng nhận hữu cơ. Du lịch nông thôn có bước phát triển mãnh mẽ, toàn tỉnh đã có 4 sản phẩm du lịch nông thôn đạt chuẩn sản phẩm OCOP.
Sản xuất giống cây trồng - vật nuôi có ưu thế vượt trội cả về năng suất và chất lượng, địa phương đang từng bước chủ động nguồn giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số loại giống thủy sản đặc sản như cá nâu, cá trê vàng, chạch…, tạo tiền đề cho việc phát triển các loại thủy đặc sản trong thời gian tới; các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ngày càng phát triển. Thừa Thiên - Huế đã có hơn 12.000ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC (phát triển và quản lý rừng bền vững, cân bằng được giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội)…
Việc phát triển các hình thức sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trong tái cơ cấu nông nghiệp có thuận lợi không, thưa ông?
Thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất đã được quan tâm hỗ trợ, đầu tư hiệu quả và được đánh giá cao. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới tại xã Vinh Hưng (Phú Vang), với diện tích 6.000m2 nhà lưới, mỗi năm sản xuất hơn 70 tấn dưa, doanh thu gần 4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương.
Hay mô hình liên kết sản xuất hữu cơ giữa các hộ nông dân, HTX với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm. Ngoài ra, nhiều mô hình chăn nuôi, nuôi tôm thẻ công nghệ cao, sản xuất rau, hoa trong nhà lưới tại các địa phương cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục chỉ đạo đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị từ cung cấp vật tư đầu vào đến công tác chăm sóc, thu hoạch, sơ chế chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đã hình thành 29 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm lúa gạo, rau quả, thanh trà, gia súc, gia cầm, lâm sản. Việc hình thành các chuỗi liên kết bước đầu đã tạo ra sản phẩm quy mô lớn, chất lượng hơn, đầu ra được đảm bảo, hiệu quả sản xuất được nâng cao.
Toàn tỉnh có 224 HTX nông nghiệp với gần 100.000 thành viên thực hiện sản xuất liên kết, năng lực quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh của các HTX đã được dần nâng cao. Kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp dịch vụ.
Ông có thể cho biết vài nét về xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực địa phương gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới?
Sản xuất nông nghiệp sạch là xu thế chung và ứng dụng công nghệ cao cũng là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Do đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó trọng tâm là hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Thừa Thiên - Huế đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.
Đến nay, 71 cơ sở sản xuất được hỗ trợ với kinh phí hơn 27 tỷ đồng để đầu tư nhà kính, nhà lưới, chuồng trại, ao nuôi và các trang thiết bị liên quan phục vụ sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm hơn 10 cơ sở nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa quả áp dụng công nghệ cao.
Thừa Thiên - Huế tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Tỉnh quan tâm hỗ trợ, đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.
Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỉnh cũng đã cụ thể hóa mục tiêu đó thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023. Song song với việc xây dựng các thiết chế hạ tầng nông thôn hiện đại thì đời sống của cư dân vùng nông thôn phải được nâng cao, sinh kế phải bền vững.
Thực hiện xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững, đảm bảo cơ hội phát triển giữa các vùng.
Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông có thể chia sẻ về thuận lợi, khó khăn và chủ trương của tỉnh trong tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới?
Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự đồng hành của doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân nên đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng hàng năm được duy trì ổn định từ 2,5-3%, đặc biệt năm 2023 tăng 5,9%.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững; sản xuất thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, việc chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít.
Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025 và triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với những nội dung trọng tâm: Phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ, nông nghiệp tuần hoàn, trước hết là trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sau đó là các loại rau quả và cây dược liệu.
Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học đối với các vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh, tiếp tục phát triển trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng FSC. Tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, trên cơ sở chú trọng phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, đồng thời củng cố tổ chức HTX để làm hạt nhân trong các khâu kiên kết.
Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP. Chú trọng phát triển các giá trị phi nông nghiệp thông qua các hoạt động như phát triển nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn. Đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu và rà soát ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất theo từng lĩnh vực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.