Nhiều sản phẩm Việt Nam nhờ UKVFTA đã có lợi thế cạnh tranh hơn trước so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brazil.
Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh.
Hạt tiêu nằm trong các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Anh tăng trưởng cao. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)
Hơn nữa, doanh nghiệp nên tuyển dụng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Anh và tham dự hội chợ chuyên ngành quốc tế để giới thiệu sản phẩm cũng như gặp gỡ khách hàng tiềm năng.
Theo Bộ Công Thương, sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, năm 2021 thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD tăng 16,4% so với năm 2020.
Đáng lưu ý, các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, càphê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng có kết quả tích cực với tổng kim ngạch đạt gần 850 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2020.
Riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD với các nhóm hàng chủ lực là thủy sản, càphê, hạt tiêu, hạt điều, các sản phẩm từ chất dẻo, hàng may mặc, giày dép, sắt thép, điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị phụ tùng, đồ chơi và dụng cụ thể thao.
Để có được kết quả này là nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác các cơ hội mới, khi nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trước so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brazil... vì những nước này chưa ký Hiệp định Thương mại tự do với Anh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Anh đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam cũng là nhân tố rất tích cực trong việc vận dụng những lợi thế mới và tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nhân và nhà đầu tư tại Anh.
Đặc biệt, Hiệp định UKVFTA đã tạo đà cho giao thương giữa hai nước trong việc miễn giảm thuế và tiêu chuẩn hóa khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại song phương.
Ngoài ra, đòn bẩy tâm lý cũng có hiệu ứng rất tích cực bởi UKVFTA đang tạo ra nhận thức mới trong giới doanh nhân và người tiêu dùng Anh về một đất nước Việt Nam đang phát triển ổn định, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu cũng như thị trường tiêu dùng hấp dẫn.
Liên quan đến những rào cản với doanh nghiệp khi UKVFTA đi vào thực thi, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, những DN Việt Nam đã có bạn hàng tại Anh không gặp phải rào cản đáng kể nào.
Cùng với đó, các doanh nghiệp này đã phát triển xuất khẩu thuận lợi ngay sau khi UKVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ các doanh nghiệp mới, có quy mô nhỏ, chưa có bạn hàng tại Anh mới gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tích cực tham gia các chương trình tư vấn trực tuyến do Thương vụ Việt Nam tại Anh phối hợp với các đơn vị trong nước tổ chức để tìm hiểu phương pháp thâm nhập thị trường Anh.
Hơn nữa, Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh và các chuyên gia thị trường sở tại do Thương vụ kết nối đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản, hy vọng từng bước xuất khẩu được sản phẩm sang Anh quốc.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã rất tích cực chủ động phổ biến những lợi ích của UKVFTA tới cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ ban hành các Nghị định và văn bản pháp quy hướng dẫn thực thi Hiệp định./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…