Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024 | 23:42

Tăng cường cung cấp thông tin về dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon rừng

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang khẩn trương triển khai chương trình đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc thương mại tín chỉ carbon rừng chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phảt thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Mới đây, ngày 26/7, trong Công văn 1108/LN-KH&HTQT gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ngày 26/7, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Căn cứ Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2. Đây là mục tiêu chung nhằm tăng khả năng đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Lâm nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết NDC. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã giao lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu là 39,31 triệu tấn CO2 đến năm 2025 và 79,1 triệu tấn đến năm 2030.

Đến nay, Việt Nam đang triển khai duy nhất một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (tín chỉ carbon rừng) là Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới - World Bank).

Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2, có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2, với đơn giá là 5 USD/tấn. Tổng giá trị chi trả là 51,5 triệu USD, trong đó 95% lượng chuyển nhượng sẽ được tính vào NDC của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ theo Ý định thư ký ngày 31/10/2021.

Dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ lượng tín chỉ carbon này cũng được tính vào cam kết NDC của Việt Nam.

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, nhận thấy tiềm năng từ tín chỉ carbon rừng, một số tỉnh như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa... đã đề xuất xây dựng và triển khai đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này đều chưa thực hiện được.

Theo ông Bảo, 4 khó khăn chính mà các tỉnh đang vấp phải khi triển khai tín chỉ carbon rừng, trong đó có vấn đề thiếu quy định, hướng dẫn chi tiết để có thể triển khai, bao gồm: quyền sở hữu carbon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng carbon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ tín chỉ carbon.

Hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương cũng chưa được xác định, phân bổ.

Ngoài ra, thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế, nhất là phương thức tạo tín chỉ, phương pháp tính toán tín chỉ, cũng như hướng dẫn về thẩm định, xác minh, cấp tín chỉ.

Đặc biệt, tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng. Những dự án chuyển nhượng tín chỉ carbon mà ngành lâm nghiệp đã xây dựng vẫn phụ thuộc vào tổ chức quốc tế.

Hiện các Bộ, ngành gấp rút xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường thế giới.

Để chuẩn bị và sẵn sàng triển khai dịch vụ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng hiện mới thí điểm tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ như và chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Trong lúc chờ hướng dẫn chi tiết, Cục khuyến nghị địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp tại Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN ngày 28/4/2023.

"Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phảt thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ", Cục trưởng Trần Quang Bảo cho biết.

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương triển khai chương trình đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hàng năm đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu NDC.

 

Đỗ Hương/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top