Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 16:24

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu bền vững

Ngày 24/8/2023, tại Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”.

Theo đó, Hội nghị được tổ chức nhằm tập trung đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý mã số vùng trồng từ công tác cấp phát mã số, kiểm tra giám sát sau cấp, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, thời gian qua, Bộ NN-PTNT và các địa phương vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Ông đề nghị các ngành, địa phương cần quán triệt với doanh nghiệp về việc "không phải cứ cấp mã số xong là xong", mà khâu kiểm tra, giám sát cần thực hiện thường xuyên.

Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm đang cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung

“Tôi xin nhắc lại con số gần 7.000 vùng trồng và gần 2.000 cơ sở đóng gói là điểm nhấn về những kết quả đã đạt được. Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này đều đã được các nước nhập khẩu, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… chấp nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhận định.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.

Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này. Bộ NN-PTNT giao Cục Trồng trọt làm đầu mối xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với từng mặt hàng rau quả, trái cây để đảm bảo khi thu hoạch sản phẩm phải đạt chất lượng cao nhất, trước hết là phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. “Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng biện pháp mạnh để quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói

Đồng tình với những đề xuất mà Thứ trưởng Trung đưa ra,  ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, chủ trương nhất quán của tỉnh Lạng Sơn là luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Với tinh thần và quyết tâm tập trung phát triển kinh tế, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đấy hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới với Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến hàng hóa là nông sản Việt Nam xuất khẩu”, ông Quỳnh cho biết.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Cục Bảo vệ thực vật cần chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Cùng với đó, phải phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

“Cần chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top