Hiện nay, tại Nghệ An do ảnh hưởng của thời tiết, nguồn nước sông Lam về ít dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tại hạ lưu gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn là rất cao, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có những biện pháp khẩn trương, kịp thời để bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
Nguy cơ hạn hạn và xâm nhập mặn
Đến thời điểm này, các hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã phải tăng lưu lượng xả đến đợt thứ 3 để chống hạn, cứu lúa vùng hạ du. Đây được coi là một trong những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ hạn hán sớm, nặng nề và trên diện rộng trong sản xuất hè thu năm nay.
Ngay từ vụ xuân, mực nước tại ba ra Đô Lương nhiều thời điểm phải điều tiết xuống mức thấp để ưu tiên tưới cho vùng hạ du hệ thống thuỷ lợi Nam. Ảnh: Phú Hương
Thời điểm hiện tại là đợt thứ 3 các hồ chứa thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê buộc phải tăng lưu lượng xả nước để “cứu” hơn 1.000 ha lúa của 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương đang bước vào thời kỳ trổ bông.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, vụ hè thu-mùa năm nay, khả năng toàn huyện sẽ có khoảng 550 ha không sản xuất, bỏ hoang. Trong đó, ngoài một số diện tích sâu trũng hay bị ngập lụt, một số xã bà con chỉ làm một vụ xuân để lấy lương thực sử dụng cả năm, thì nhiều diện tích sẽ bị bỏ hoang do hạn.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình hoạt động tại các trạm bơm dọc sông Lam. Ảnh: Phú Hương
“Hơn 8.000 ha sử dụng nước từ hệ thống tự chảy bara Đô Lương cơ bản yên tâm, còn gần 5.000 ha “ăn nước” hồ đập sẽ không đảm bảo về nguồn nước tưới. Chúng tôi đã tiến hành rà soát, giao chỉ tiêu các xã về diện tích, trong đó những vùng sản xuất không đảm bảo ăn chắc, thường bị hạn hán, lũ lụt thì sẽ không bố trí gieo cấy lúa mà nghiên cứu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn; đồng thời chỉ đạo quyết liệt để khép kín sản xuất ở những diện tích khác, gieo cấy 11.000/12.800 ha đất lúa của huyện”, ông Nguyễn Văn Dương cho biết.
Thời gian qua, do mực nước sông Lam xuống quá thấp, nước ngọt về vùng đuôi sông Cấm ít, nên từ cuối vụ xuân, năm nào cũng bị mặn xâm nhập, nhất là từ khu vực cống Nghi Quang đến cầu Phương Tích, xã Nghi Phương, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Công nhân Hệ thống cống bara Nghi Quang lấy mẫu nước để đo độ mặn trên sông Cấm. Ảnh: Văn Trường
Ông Hoàng Văn Hương - Trạm trưởng Trạm bara Nghi Quang cho biết: Hệ thống cống bara Nghi Quang nằm địa bàn các xã Nghi Quang và Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có vị trí trọng yếu trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa khu công nghiệp, dân sinh của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP. Vinh.
"Hiện nay, để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn do hệ thống cống rò rỉ, chúng tôi phải dùng chăn cũ cuốn tròn, thuê thợ lặn xuống để “chèn” vào, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài hệ thống bara Nghi Quang cần được quan tâm nâng cấp, nếu không tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước và các loại cây trồng" - ông Hoàng Văn Hương chia sẻ thêm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam, nhờ thực hiện khá tốt khâu quan trắc nguồn nước, nên khoảng trên 3.000ha lúa ở dọc sông Cấm thuộc các xã Nghi Tiến, Nghi Hưng, Nghi Phương... huyện Nghi Lộc và một số xã của huyện Hưng Nguyên, đến thời điểm này nguồn nước tưới vẫn đảm bảo an toàn, không bị xâm nhập mặn.
Chủ động các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn cho lúa
Vụ hè thu-mùa năm nay, Nghệ An phấn đấu đạt 424.410 tấn lương thực có hạt, theo đó, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm; đặc biệt ngay từ vụ xuân đã phải điều tiết nước để phục vụ sản xuất, chống hạn vùng Thanh Chương và Đô Lương. Trong khi đó, các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp. Dự kiến toàn tỉnh có đến trên 6.500 ha có nguy cơ hạn, thiếu nước.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thời gian tới không có mưa, mực nước sông Lam có xu hướng giảm; mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp. Trong khi từ nay đến cuối vụ xuân, cần ít nhất một đợt tưới gia tăng cho thời kỳ lúa trổ, đứng cái. Do đó, việc cấp nước cho sản xuất ngay từ vụ xuân ở một số vùng đã khó khăn, nhất là các trạm bơm dọc sông Lam vùng Thanh Chương và các xã Thuận Sơn, Lưu Sơn, Trung Sơn (Đô Lương).
Đến nay, trong 102 hồ do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ có 4 hồ đầy nước, ít hơn cùng kỳ năm 2022 tới 8 hồ; 56 hồ có dung tích >70 % dung tích thiết kế, (cùng kỳ năm 2022 có 65 hồ); chỉ 26/959 hồ đập do địa phương quản lý đang đầy nước. Tại các công trình đầu mối, mực nước cơ bản đều thấp hơn mực nước thiết kế.
Hệ thống cống bara Nghi Quang đóng chặt để ngăn mặn. Ảnh: Văn Trường
Để bảo vệ diện tích cây trồng và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất bởi hạn hán xâm nhập mặn, Chi cục Thuỷ lợi chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi trên hệ thống Nam các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn phân công công nhân túc trực tại các cống đầu mối trên địa bàn. Tăng cường công tác quan trắc nguồn nước trên các sông, tại vị trí các cống đầu mối và trong nội đồng, các trạm bơm có nguy cơ nhiễm mặn, tiến hành đóng triệt các cống đầu mối khi độ mặn xâm nhập. Đồng thời, thông báo cho địa phương về chất lượng nguồn nước, tuyệt đối không được bơm khi nồng độ mặn >= 1‰.
Đơn vị chức năng cập nhật đường mực nước lên xuống của từng con triều và đo chất lượng nguồn nước, ép mặn và xả mặn một cách phù hợp. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát; trong giai đoạn hạn mặn diễn biến gay gắt ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc…
Đồng thời, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiến hành biện pháp duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn mặn để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa nắng nóng như công trình nâng cấp tuyến đê sông Mơ, đoạn qua các xã ven biển gồm Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu)...
Năm 2023, các nhà khoa học đánh giá là một năm sẽ có nhiều biến động lớn về thời tiết, nguyên nhân là sự trở lại của hiện tương El nino làm cho nhiệt độ của trái đất tăng lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn sẽ diễn ra. Do vậy ngay từ bây giờ các địa phương nhất là khu vực Trung bộ phải chuẩn bị mọi điều kiện để bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.