Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023 | 10:9

Thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất lúa hữu cơ

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, rất cần phải thay đổi nhận thức sản xuất lúa, từ canh tác truyền thống chuyển sang canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Vừa tăng chất lượng sản phẩm, vừa bảo vệ được môi trường, tạo ra hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

Thế nào là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ?

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nghĩa là cây lúa được trồng theo phương pháp tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Cây lúa được trồng tập trung theo từng vùng quy hoạch sản xuất để giảm thiểu sâu bệnh gây hại.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn được triển khai trên diện tích 15 ha tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình.

Muốn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cần phải có  các điều kiện để cho cây lúa phát triển, không bị ảnh hưởng từ những ruộng lúa trồng không áp dụng phương pháp hữu cơ. Do đó, cần phải chuẩn bị tốt đất trồng lúa đủ chất dinh dưỡng, Không giống như người trồng lúa thông thường là thường xuyên áp dụng phân bón hóa học cho đất, nông dân trồng lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân hữu cơ và khoáng thiên nhiên.

Đất được luân canh với cây họ đậu có rễ ăn sâu hoặc cây phân xanh hoặc cây phủ đất. Cây phân xanh họ đậu cung cấp lên đến 50% nhu cầu nitơ của các giống lúa năng suất cao.

Các biện pháp khác nông dân sản xuất lúa hữu cơ sử dụng để tăng cường và duy trì độ phì của đất bao gồm: khuyến khích giữ nước ngập trong những tháng ruộng nghỉ ngơi, áp dụng các khoáng chất thiên nhiên, phân chuồng hoai, phân trộn và các loại đầu vào khác đã được phê duyệt cho sản xuất hữu cơ.

Kiểm soát dịch hại và sâu bệnh là một thách thức cho cả người trồng lúa thông thường và lúa hữu cơ. Theo đó người trồng lúa phải đối mặt với vấn đề dịch hại lớn nhất là rầy nâu, bệnh đạo ôn, cỏ dại… làm cho lúa phát triển kém và năng suất thấp.

Nông dân trồng lúa thông thường kiểm soát dịch hại bằng cách thường xuyên áp dụng thuốc trừ sâu hóa học cho lúa. Trong khi sản xuất lúa hữu cơ áp dụng các giải pháp trồng đúng thời vụ, kết hợp né rầy gây hại, chọn giống chống chịu và phù hợp và áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ để kiểm soát sâu bệnh.

Quản lý cỏ dại là một trong những thách thức lớn kết hợp với sản xuất lúa hữu cơ. Không giống như người nông dân thông thường, nông dân trồng lúa hữu cơ không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học. Thay vào đó, luân canh, san lấp mặt bằng, quản lý nước và làm đất phù hợp là những cách chính nông dân trồng lúa hữu cơ áp dụng để kiểm soát cỏ dại.

Nhiều địa phương nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ

Trước giá trị và chất lượng của lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ, nhiều địa phương đã quy hoạch và xây dựng vùng trồng cho lúa sản xuất theo hướng hữu cơ nay.

Qua 2 vụ triển khai thí điểm sản xuất lúa hữu cơ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang xây dựng lộ trình nhân rộng mô hình để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

So với phương pháp sản xuất thông thường, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho năng suất khá, giá bán cao.

Đây là năm thứ 2 gia đình anh Đặng Thế Luận ở thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn kỹ thuật. Theo đánh giá, năm nay, anh Luận thu về năng suất và giá trị cao hơn so với năm đầu tiên triển khai.

Anh Đặng Thế Luận (thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Năm đầu tiên thí điểm tại vụ xuân 2022, chúng tôi tập trung cải tạo chất đất nên chi phí sản xuất cao hơn. Sang năm thứ 2, không phải bón lót, gia đình chỉ phải bón thúc 2 đợt phân hữu cơ khoáng cao cấp của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm nhưng lúa rất xanh tốt. Sau thu hoạch, năng suất đạt hơn 2,3 tạ/sào, cao hơn vụ hè thu năm ngoái 0,7 tạ/sào. Hơn 1 ha lúa hữu cơ của gia đình cho năng suất hơn 4,5 tấn, dù so với các loại lúa thường, năng suất không cao bằng nhưng giá bán thấp nhất được 10.000 đồng/kg, gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng, cao gấp 1/3 so với sản xuất lúa khác và rất được các thương lái ưa chuộng".

Chị Trần Thị Khánh ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, mấy ngày qua cũng đang trong niềm vui hân hoan được mùa. Chị chia sẻ: “Làm lúa theo quy trình hữu cơ vất vả hơn nhưng chúng tôi lại rất phấn khởi. Không chỉ được mùa, làm ra được hạt lúa sạch, trước hết yên tâm về sức khỏe của mình, con cháu trong nhà và người tiêu dùng cũng được ăn những hạt gạo sạch”.

Tại Đô Thành, Trung tâm Giống cây trồng phối hợp với UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) triển khai Mô hình sản xuất lúa hữu cơ vụ Xuân 2023. Với quy mô 5ha, mô hình được triển khai tại xã Đô Thành.

Qua triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại Đô Thành với diện tích 5ha bước đầu đã có những kết quả tích cực. So sánh trên cùng một diện tích đất sản xuất, cùng mùa vụ và giống cây trồng cho thấy, lúa trồng theo hướng hữu cơ cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, năng suất mô hình tăng từ 0,6 - 1,1 tấn/ha so với phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm mục đích cải tạo đất. Qua đó, góp phần giảm đáng kể lượng phân hóa học, là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính.

Niềm vui được mùa lúa hữu cơ của nông dân thôn Đông Nam Lý, xã Cẩm Bình.

Hiệu quả của việc trồng lúa theo hướng hữu cơ là bảo vệ được môi trường sinh thái, nâng cao giá trị của gạo, sản lượng cao đồng nghĩa với việc thu nhập từ việc trồng lúa theo hướng hữu cơ cũng tăng lên.

Không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao được giá trị nông sản. Đồng thời, giúp nông dân thay đổi nhận thức, phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

Để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top