Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024 | 16:25

Thay đổi phương pháp canh tác để mang lại hiệu quả cao

Đó là phương pháp trồng lúa hữu cơ đang được một số địa phương ở các tỉnh miền Trung triển khai, với phương pháp này người nông dân trồng lúa đã thu được hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm chất lượng, đồng thời góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường.

Trồng lúa phương pháp hữu cơ lãi tăng hơn 10 triệu đồng/ha

Tại huyện Yên Thành (Nghệ An) vụ xuân này, nhờ áp dụng phương pháp trồng lúa hữu cơ, người nông dân tại đây đã thu lãi được 10 triệu đồng/ha so với trồng lúa không áp dụng phương pháp hữu cơ như trước đây.

Mô hình được thực hiện tại cánh đồng của xã Văn Thành, với diện tích 1 ha. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 6 mô hình sản xuất lúa ứng dụng máy cấy không người lái, chăm sóc bằng máy bay nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tại các xã: Văn Thành, Long Thành, Công Thành, Minh Thành, Liên Thành và Hồng Thành; với tổng diện tích gần 100 ha. Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, do đó, huyện đang chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng ngày càng nhiều hơn.

Mô hình được thực hiện trên giống lúa lai GS999, với quy mô 1 ha, của 1 hộ sản xuất. Trong quá trình gieo cấy và chăm sóc, được áp dụng các thiết bị cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... không người lái, nên lúa phát triển đồng đều hơn, gia tăng năng suất.

Đặc tính nổi trội của mô hình là giống lúa kháng bệnh tốt; thời gian sinh trưởng từ 123 - 127 ngày, bông lúa dài, nhiều hạt, hạt gối nhau, tỷ lệ hạt chắc cao. Năng suất của mô hình trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi như năm nay thì có khả năng đạt 75 tạ/ha.

Phương pháp canh tác hữu cơ hiện nay đang là một trong những phương pháp canh tác mới được nông dân ở nhiều địa phương lựa chọn, mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhưng phương pháp này cũng đòi hỏi phải người trồng lúa phải có điều kiện kinh tế, hay phải nhờ vào sự trợ giúp của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ để áp dụng phương pháp này.

Bởi lẽ áp dụng phương pháp trồng lúa hữu cơ là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng máy móc vào làm thay cho sức người, vì thế rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà nước.

Sản xuất hữu cơ bảo vệ được môi trường

Năm 2024, UBND huyện Cẩm Xuyên triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 93,7 ha ở 7 xã: Cẩm Bình, Yên Hòa, Cẩm Quang, Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Vịnh, thị trấn Cẩm Xuyên. Mô hình áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, bón phân hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình.

Riêng vùng sản xuất tập trung tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình đã bước vào vụ sản xuất thứ 4 với quy mô trên 15 ha. Còn lại, vùng sản xuất ở các địa phương khác đang sản xuất vụ đầu; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó áp dụng bón bổ sung phân hữu cơ, giảm 60% phân vô cơ.

Đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế tại vùng sản xuất thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, vụ xuân 2024 năng suất ước đạt khoảng 3,3 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống hơn 400.000 đồng/sào. So với vụ sản xuất năm 2023, vụ xuân này, người dân xã Cẩm Bình đã giảm được 33% chi phí phân bón, giống. Việc giảm phân bón này là kết quả của quá trình cải tạo đất ở những vụ sản xuất trước.

Về mặt môi trường, sản xuất theo quy trình hữu cơ không sử dụng phân bón vô cơ góp phần cải tạo đất, tăng số lượng vi sinh vật trong đất, giảm chi phí sản xuất... Đặc biệt, cây lúa khi sản xuất theo quy trình hữu cơ đẻ nhánh khỏe, bông lúa dài và nhiều hạt, chống chịu với sâu bệnh tốt hơn sản xuất thông thường.

Mang hiệu quả kinh tế cao 

Tại Quảng Trị, vụ đông xuân 2023-2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) triển khai thực hiện mô hình 'Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm' tại HTX Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, trên diện tích 8 ha, gồm 80 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa có phẩm cấp, năng suất, chất lượng cao ST25.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ -Ảnh: P.V.T

Mô hình triển khai phù hợp với chủ trương của tỉnh, huyện cũng như định hướng chung của ngành nông nghiệp và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Sử dụng phân bón hữu cơ Sepon và chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái suốt quá trình chăm sóc. Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ. Chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa.

Việc sử dụng chế phẩm như đạm cá, nước thân cây lên men, canxi phốt phát xương, canxi vỏ trứng... thay cho phân bón hóa học giúp lúa cứng cây, hạn chế được sâu bệnh gây hại. Chế phẩm trứng gà và sữa bổ sung khoáng chất và dinh dưỡng cho hạt gạo thơm ngon, lúa chắc hạt, tỉ lệ lem lép thấp, sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm thảo mộc như gừng, ớt, tỏi, thuốc lá thay thế cho thuốc BVTV giúp hệ sinh thái đồng ruộng được duy trì, sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV.

Phun bằng máy bay không người lái đã hạn chế đi lại trên ruộng, giảm sức lao động, lượng chế phẩm phun đồng đều hơn, tập trung hơn. Trong suốt vụ, cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh gây hại hơn so với ruộng thông thường. Năng suất lúa tươi dự kiến đạt khoảng 65 tạ/ ha, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu đầu ra với giá 13.000 đồng/ kg lúa tươi, đã đem lại cho nông dân nguồn thu nhập gần 85 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 37 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với lúa sản xuất theo canh tác thông thường.

Theo lãnh đạo UBND xã Cam Hiếu, qua quá trình triển khai thực hiện, địa phương nhận thấy đây là mô hình mang lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân. Bên cạnh đó, sản xuất lúa theo quy trình canh tác hữu cơ đã góp phần cải tạo đất, đem lại môi trường sinh thái hài hòa trên đồng ruộng. Thời gian tới, UBND xã sẽ có hướng duy trì diện tích lúa hữu cơ hiện có và kiến nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ duy trì diện tích lúa hữu cơ lên diện tích trên 20 ha.

Thay đổi phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác bằng phương pháp hữu cơ có sự hỗ trợ của doanh nghiệp là mô hình mang lại niềm tin lớn cho nông dân trong việc liên doanh, liên kết các hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp sạch nói riêng. Tạo ra sự liên kết trong sản xuất bền vững, nâng cao giá trị của chuỗi lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân, vì thế rất cần được nhân rộng và có cơ chế chính sách phù hợp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển.

 

Theo Báo Nghệ An điện tử; Báo Hà Tĩnh điện tử; Báo Quảng Trị điện tử

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

Top