Nhiều doanh nghiệp, địa phương đã và đang lựa chọn phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, sản xuất sản phẩm hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cần sớm tháo khó.
Dư địa lớn
Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp dồi dào, người lao động có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp… Việt Nam có nhiều tiềm năng để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Trên thực tế, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã và đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển NNHC, tăng cường sự tham gia của HTX để hình thành vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng trồng trọt, khu chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao...
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho biết, hiện, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố triển khai NNHC và mô hình này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, với diện tích hiện đạt 174.351ha. Trong đó, trồng trọt 63.536ha; nuôi trồng thủy sản 100.000ha; thu hái tự nhiên 12.450ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hữu cơ năm 2020 đạt khoảng 335 triệu USD. Có hơn 17.000 đơn vị sản xuất hữu cơ, trên 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu sản phẩm NNCH… Sản phẩm NNHC đã xuất sang 180 nước và vùng lãnh thổ.
“Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất NNHC có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng. Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú…”, PGS.TS.Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay.
Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Việc sản xuất hữu cơ cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà nông. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), cho biết, huyện có 5,7ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài cải tạo môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, người trồng cải thiện sức khỏe thì sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ mang lại hiệu quả hơn hẳn so với chè sản xuất thông thường, giá bán trung bình 500.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần chè sản xuất theo cách cũ.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, ở đây đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ hiệu quả. Điển hình như trang trại Lan Chi (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), mỗi tháng trại bán ra thị trường khoảng 500.000 con vịt giống. Bà Lâm Thị Lan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Lan Chi, cho biết, nhờ nuôi theo quy trình hữu cơ không kháng sinh nên trang trại luôn bảo đảm nguồn cung ổn định cũng như chất lượng sản phẩm. Ưu điểm chăn nuôi không dùng kháng sinh là tỷ lệ vịt đẻ cao, phôi nhiều, con giống khỏe mạnh. Ngoài ra, hạn chế được rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và tiết kiệm tiền mua vắc-xin phòng bệnh.
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thành phố hiện có 2.000ha cây trồng và hơn 10ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ... Để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức hữu cơ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, vốn vay thông qua Quỹ Khuyến nông thành phố. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có giá trị cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường. Hơn nữa, nông sản hữu cơ được người tiêu dùng tin tưởng và đã phân phối vào các kênh bán hàng hiện đại.
Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho rằng, sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không thuốc diệt cỏ; không chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO). Sản phẩm hữu cơ an toàn, tốt cho sức khỏe. Sản xuất NNHC, tiến đến sử dụng sản phẩm hữu cơ là xu thế tất yếu của người tiêu dùng VIệt Nam cũng như thế giới. Có thể nói, giai đoạn hiện nay là thời cơ thuận lợi cho phát triển NNHC.
Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh thời cơ, lợi thế, sản xuất NNHC đang gặp một số khó khăn, thách thức như: giá thành sản phẩm hữu cơ cao; việc chọn lựa mô hình đáp ứng yêu cầu sản xuất NNHC còn khó khăn; năng suất cây trồng thấp hơn trong những năm đầu chuyển đổi; chi phí công lao động thường nhiều hơn so với sản xuất thông thường nên giá đầu tư cao hơn; chi phí cho chứng nhận mô hình hữu cơ cao khiến giá thành sản phẩm đã cao lại tăng thêm.
Theo PGS.TS.Nguyễn Xuân Hồng, phần lớn hộ nông dân Việt Nam sản xuất quy mô nhỏ, manh mún nên khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế. Đời sống người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về NNHC chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Do vậy, việc sản xuất NNHC để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Thái Bình), cho biết, dù có đến 50ha đất sản xuất rau màu và lúa nhưng hiện nay, HTX chỉ có 10ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Nguyên nhân là rau màu của HTX gặp rất nhiều áp lực mùa vụ và phải đảm bảo tính liên tục trong cung ứng cho siêu thị, nhà hàng. Nên khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, sẽ có giai đoạn HTX không bảo đảm được sản lượng, dẫn tới ảnh hưởng đến hợp đồng ký kết hoặc sẽ không giữ được mối liên kết với siêu thị. Cùng với đó, đầu tư cho hệ thống nhà màng, phân bón hữu cơ còn cao, đi liền với đó là quá trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ còn nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, đơn vị đang gặp khó khăn cần được tháo gỡ như: ý thức và tư duy sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ chưa cao; diện tích đất sản xuất và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch chưa đảm bảo. Người dân không muốn liên kết, chỉ muốn cho thuê đất. Đặc biệt, đơn vị gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để sản xuất NNHC. Cùng với đó là khó khăn do yêu cầu kỹ thuật, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng từ sản xuất NNHC thấp.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) cho biết, tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh, đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách như thế nào? Và các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất nhận diện rõ các tiêu chí sản xuất hữu cơ, rà soát rút ngắn quy chuẩn, tiêu chuẩn để quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước phù hợp với quốc tế.
Ngoài ra, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nói về nút thắt trong phát triển NNHC, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, nêu 4 vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì NNHC mới có thể coi là thực sự thành công.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong phát triển NNHC hiện nay là quỹ đất và sự liên kết theo chuỗi trong sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Hay việc kiểm soát trong sản xuất, lưu thông chưa thật sự được chú trọng nên chưa có sự phát triển đồng bộ, mang tính ổn định cao cho các sản phẩm NNHC.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay tại nhiều nơi, người làm công tác quản lý và người sản xuất hiểu biết về sản xuất NNHC chưa sâu sắc cho nên đầu tư và hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù đã có những tiêu chuẩn chung cho trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, nhưng các địa phương cần có các quy trình sản xuất cụ thể cho các cây, con khác nhau để người dân dễ áp dụng.
Sản xuất hữu cơ đã nâng giá trị sản phẩm cao gấp 2-3 lần so với chè sản xuất thông thường.
Cánh cửa mở để lan tỏa sản phẩm hữu cơ
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng, muốn phát triển sản xuất NNHC, phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Theo bà Hạnh, về thị trường xuất khẩu, hiện nay nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất với thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro.
“Trong thập kỷ 2010-2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất rộng mở,” bà Hạnh nói.
Để sản phẩm hữu cơ Việt Nam có sức lan tỏa, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cần nghiên cứu, dự báo thị trường trong nước và thế giới để nhận định, đánh giá về nhu cầu thị trường, cơ hội, nguy cơ phòng tránh. Sử dụng hệ thống logistics chuyên biệt. Phát triển thương mại điện tử gắn với giao hàng chặng cuối. Đồng thời, sản phẩm hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, truyền thông nhiều về lợi ích sản phẩm hữu cơ. Tạo kênh phân phối, bán lẻ chuyên biệt. Chế biến, bảo quản công nghệ hiện đại. Tham gia xúc tiến thương mại chuyên ngành trong nước và nước ngoài.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cũng nhấn mạnh, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các vùng sản xuất NNHC tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ và phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển NNHC. Cùng với đó, về chính sách, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về NNHC; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về NNHC.
Để thực hiện hiệu quả sản xuất NNHC, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, bên cạnh diện tích tiếp tục phải thâm canh, tăng năng suất nhằm bảo đảm an ninh lương thực, thì từng địa phương, căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để chỉ đạo phát triển NNHC. Các địa phương cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất để hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ dân triển khai mô hình NNHC hiểu rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm nông nghiệp sản xuất. Một điều quan trọng là chính các nhà sản xuất NNHC cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý các sản phẩm NNHC khi đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng để tự bảo vệ thương hiệu của mình.
Doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ trong liên kết dọc, người sản xuất được hỗ trợ một phần chi phí. Trong chuỗi cung - cầu, nhà sản xuất và kinh doanh liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là thu hút các doanh nghiệp có khả năng thu mua, chế biến sâu và bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm hữu cơ. Đây là các doanh nghiệp có vai trò quyết định đẩy mạnh lượng cầu trong sản xuất hữu cơ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp cung cấp đầu vào hoạt động, lựa chọn doanh nghiệp có uy tín, chất lượng. Đồng thời, vai trò của các hộ gia đình, các tổ nhóm, hợp tác xã sản xuất hữu cơ không thể thiếu trong chuỗi liên kết này.
Các địa phương căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm NNHC chủ lực, trên cơ sở đó xây dựng đề án phát triển NNHC, đánh giá đất đai, nguồn nước, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển vùng sản xuất NNHC tập trung, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.