Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 9 năm 2022 | 14:14

“Thủ phủ” ươm cây giống ở Đồng Nai: Nhiều triển vọng phát triển

Xã Sông Trầu (Trảng Bom) được xem là “thủ phủ” ươm cây giống ở tỉnh Đồng Nai từ nhiều năm nay. Mô hình này đã giúp cho nhiều hộ vượt khó, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự “thay da đổi thịt” tại địa phương.

Khấm khá từ nghề  ươm cây giống

Từ sáng sớm, nông dân ở vùng ươm cây giống xã Sông Trầu đã ra vườn làm các việc: nhổ cỏ, tỉa cành, tưới nước chăm sóc cây trồng, không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Bên cạnh đó, xe của khách hàng thường xuyên ra vào thu mua cây giống. Ngoài số khách hàng quen thuộc, đặt hàng trước với số lượng lớn để làm các công trình công cộng, còn lại là khách qua đường vào chọn cây giống mua về trồng trong khuôn viên gia đình nhằm tạo không gian xanh, đẹp.

Theo chân cán bộ xã Sông Trầu, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Thiên Sinh (tổ 6, ấp 4), một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi từ mô hình ươm cây giống tại địa phương.

Mô hình ươm cây giống tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) đã hình thành từ vài chục năm nay.

Đưa tay lên gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Sinh chia sẻ, từng có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp trong suốt 5 năm, nhưng sau đó anh quyết định nghỉ ngang để chuyển sang làm nghề ươm cây giống, bởi đây là công việc anh yêu thích và ấp ủ từ lâu. “Mình chọn ngành nghề này vì trước hết xuất phát  từ niềm đam mê, hơn nữa mình thấy mô hình này ổn định, đặc biệt nó thân thiện với môi trường”- anh Sinh bộc bạch.

Năm 2013, anh Sinh bắt đầu phụ giúp anh trai chăm sóc vườn ươm cây giống, vừa để anh có cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 2016, nhờ người anh “đỡ đầu”, anh Sinh tự tin tách ra làm riêng. Anh thuê khu đất rộng hơn 7.000m2 để đầu tư làm vườn ươm cây giống và duy trì mô hình ổn định cho đến nay.

Hiện trong vườn của anh Sinh có hơn 30 loại cây giống, chuyên phục vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp và cây xanh ở các công trình, dự án ở khắp cả nước. Nghề ươm cây giống đã giúp anh nông dân 40 tuổi này có nguồn thu nhập khá ổn định để trang trải cuộc sống gia đình. “Nói chung, thu nhập từ nghề ươm cây giống khá hơn so với những người đi làm công nhân. Điều quan trọng nữa là mình có nhiều thời gian tự do để đưa đón con đi học và có thể làm những việc khác thoải mái hơn”, anh Sinh chia sẻ.

Nối nghiệp gia đình

Anh Lương Trọng Quỳnh (tổ 2, ấp 2) cũng là nông dân trẻ điển hình làm vườn ươm hiệu quả. Anh đang đầu tư khu vườm ươm cây giống rộng hơn 2ha với gần 30 loại cây giống, như: bàng Đài Loan, giáng hương, lim xẹt, chà là… Vườn ươm của anh chủ yếu tập trung các loại cây chuyên phục vụ các công trình, dự án trên toàn quốc. Mỗi năm, anh xuất ra thị trường  60 - 70 ngàn cây giống và thu lời  200 - 300 triệu đồng. Để có được thành quả như hôm nay, bản thân anh đã nỗ lực rất nhiều trên con đường khởi nghiệp.

Quỳnh kể, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương  làm nghề ươm cây giống và cố gắng giữ gìn gần 30 năm qua. Lúc trước, gia đình anh dùng khu đất rộng trên 5.000m2 để trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, như: lúa, đậu, bắp (ngô) nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bố mẹ anh quyết định chuyển sang làm mô hình ươm cây giống từ năm 1995.

“Thời gian đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn với mô hình mới, bởi trong vùng lúc bấy giờ chỉ có vài hộ làm nghề ươm cây giống nên khách hàng chưa biết đến sản phẩm mình làm ra. Bố mẹ tôi không ngại khó, ngại khổ và luôn dành ra nhiều thời gian công sức để chăm vườn cây cho đạt chất lượng tốt, đồng thời đem sản phẩm đi chào hàng khắp nơi. Đến khi mình đã tạo được niềm tin cho khách hàng thì họ tự tìm đến tận vườn thu mua sản phẩm ngày một đông hơn”, anh Quỳnh nhớ lại.

Năm 2010, Quỳnh hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương. Anh quyết định bám trụ tại quê nhà để “nối nghiệp” gia đình tiếp tục làm nghề ươm cây giống. “Bản thân mình từ nhỏ đã phụ cha mẹ làm việc vườn nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghề ươm cây giống. Nhờ đó, mình gặp nhiều thuận lợi trên bước đường khởi nghiệp”, anh tâm sự.

Đến năm 2016, thấy thị trường tiêu thụ cây giống phát triển mạnh, anh mạnh dạn thuê thêm mặt bằng hơn 2ha để phát triển kinh tế từ mô hình ươm cây giống. Nhằm tạo sự đa dạng của sản phẩm, khách hàng thêm sự lựa chọn, anh vừa sản xuất cây giống bọc nhỏ, vừa làm thêm cây giống bọc lớn. Hơn nữa, cây giống càng to lớn thì giá trị sẽ cao gấp 2 - 3 lần so với cây nhỏ. Anh còn chú trọng đến uy tín với khách hàng bằng cách chăm sóc cây cho đạt chất lượng tốt, nhưng giá bán ra thị trường lại phải hợp lý. Nhờ đó, khách hàng khắp nơi  tìm đến thu mua sản phẩm ngày càng đông. “Nhiều đơn hàng đã đặt cọc trước cả năm để mình kịp thời gian sản xuất cây giống với số lượng lớn cho khách. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm thường xuyên ổn định”, anh Quỳnh bộc bạch.

Nhờ chọn hướng đi đúng và biết tính toán làm ăn, anh nông dân trẻ 36 tuổi này đã thành công trên con đường khởi nghiệp mà mình đã chọn và duy trì mô hình vườn ươm ổn định cho đến hôm nay. “Thật sự mà nói, bước đầu khởi nghiệp của mình từ 2 bàn tay trắng. Nhờ nỗ lực và kiên trì phấn đấu bao năm qua, giờ mình cũng có của dư để hỗ trợ cho bố mẹ xây dựng căn nhà rộng rãi, khang trang. Cuộc sống cũng nhờ đó mà ngày càng tốt hơn”, Quỳnh kể.

Tạo “thương hiệu”  để vươn xa

Ông Hoàng Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu, cho biết, trước đây, vùng đất Sông Trầu chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, như: lúa, bắp, đậu… nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập thường bấp bênh vì cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do đó, một vài hộ mạnh dạn tiên phong chuyển đổi sang làm mô hình vườn ươm cây giống và đã thành công. Thấy mô hình mới làm ăn hiệu quả nên các hộ khác cũng học hỏi làm theo và dần hình thành làng nghề ươm cây giống hơn 30 năm nay. Hiện có khoảng 70 hộ dân đang làm nghề ươm cây giống với tổng diện trên 50ha, tập trung tại 3 ấp: 1, 2 và 4.

“Bây giờ, đầu ra của sản phẩm khá tốt, người ta đi xe tải đến thu mua cả ngàn cây chứ không mua lẻ mẻ vài ba trăm cây như trước. Hiện thu nhập của người làm vườn ươm tăng lên rõ rệt, nhiều gia đình có điều kiện chăm lo con cái ăn học đàng hoàng, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, góp phần vào thay đổi diện mạo hạ tầng tại địa phương”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, mô hình ươm cây giống đang có nhiều “triển vọng” và mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân địa phương. Xã Sông Trầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nhà vườn có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình làm ăn. Đồng thời phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn chuyên môn nhằm giúp bà con nâng cao kiến thức chăm sóc cây giống đạt chất lượng, để thương hiệu  “thủ phủ” ươm cây giống ở Đồng Nai  vươn xa.

Nhân Nhân
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top