Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 4 năm 2023 | 21:20

Thúc đẩy 'đại điền' trong sản xuất nông nghiệp

Từ câu chuyện những người nông dân bám ruộng đi gom lại từng thửa đất bị bỏ hoang để tái sản xuất, ngành nông nghiệp đang có những vận động về chính sách để tích tụ các nguồn lực thúc đẩy các mô hình sản xuất trên diện tích đất lớn.

Từ các mô hình 'đại điền' ở Thái Bình

Thái Bình là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, lúa là nông sản trọng tâm với diện tích hằng năm đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt còn thấp, quy mô nông hộ hẹp. Bình quân mỗi hộ có 4 khẩu, tương đương 0,2 ha. Sản xuất lúa gạo tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa gạo không đảm bảo đời sống cho người nông dân.

Mô hình "đại điền" giúp người sản xuất có thể làm giàu bằng nghề nông - Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, tỉnh Thái Bình xuất hiện hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không canh tác. Trong bối cảnh đó, một số nông dân đã mạnh dạn mượn lại ruộng của bà con để tiến hành canh tác, phát triển quy mô lớn. Vượt qua khó khăn bước đầu, một số mô hình đã đạt thành công nhất định, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương.

Từ năm 2015 đến năm 2020, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đã tạo nên những chuyển biến lớn. Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan hỗ trợ máy gặt, máy cấy cho nhiều địa phương trong tỉnh. Các hộ tích tụ ruộng đất cũng nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ.

Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 29 nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa và tích tụ ruộng đất giai đoạn 2021-2025.

Bà Nga thông tin thêm: "Vừa qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã thẩm định một số dự án liên kết với mức hỗ trợ tối đa đạt 6,7 tỷ đồng/liên kết. Mặc dù chính sách mới được triển khai trong năm 2022 nhưng đã có một số doanh nghiệp tham gia, gợi mở cơ hội cho các hộ tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp cùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm".

Tuy vậy, với nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng cao của người nông dân, các nguồn lực cho sản xuất vẫn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) nhìn nhận, hiện nay, bà con và các hợp tác xã đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề tài sản thế chấp khi vay vốn phát triển sản xuất. Ông Thắng cho biết bà con có thể sử dụng tài sản hình thành từ máy móc để thực hiện thế chấp, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

"Liên quan đến mô hình đại điền, Agribank có thể cho vay không có tài sản đảm bảo. Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị định 55 của Chính phủ", ông Vũ Trọng Thắng cho biết.

Nhiều cơ hội rộng mở từ mô hình "đại điền"

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho rằng thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp "đại điền" sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là manh mún, khó tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật... Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.

Ông Định nêu thêm một khía cạnh, sản xuất lúa là hoạt động tạo ra khí nhà kính lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Chia sẻ về ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đối với sản xuất nông nghiệp đại điền, bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc, cho biết, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.

Bà Dương Thị Ngà thông tin, các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40-50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật 1 vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7-15% tương đương 15-30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5-10 triệu đồng/ha.

Theo đó, đại diện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc cho biết, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất đại điền sẽ giúp quản lý cỏ dại tốt hơn với mục tiêu không dùng thuốc trừ cỏ, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sinh thái, bền vững, làm cỏ liên tục trên khu vực rộng trong vài năm sẽ giảm thiểu nguồn cỏ dại. Ứng dụng SRI trong thời gian dài cũng sẽ giảm áp lực sinh vật gây hại… tất cả những điều này sẽ giúp sản phẩm trồng trọt được nâng cao giá trị.

Ông Nguyễn Trường Vương, Phụ trách quản lý an toàn nông dược, công ty Syngenta Việt Nam, cho biết đã có nhiều giải pháp giúp ổn định bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa như thúc đẩy việc phát triển giải pháp, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các kiến thức canh tác hiện đại vào sản xuất; tăng cường hướng dẫn tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững...

Những giải pháp này đều đưa lại năng suất, chất lượng và thu nhập cao hơn cho người nông dân. Nếu các giải pháp này được ứng dụng trên những thửa ruộng lớn, chắc chắn hiệu quả sẽ ngày càng tăng.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top