Thời gian qua, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (NNHC, NNTH) được đề cập đến rất nhiều trong các diễn đàn về phát triển nông nghiệp. Vấn đề này cũng được nhiều người dân quan tâm.
Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp là điều không dễ dàng. Nguyên nhân do cơ chế chính sách để thúc đẩy NNHC, NNTH, nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… còn hạn chế.
NNHC, NNTH đang phát triển nhanh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 về triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025”.
Lâm Đồng là địa phương có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn cũng như vùng sản xuất rau, hoa, cà phê lớn của cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh có 300.000ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó diện tích đất gieo trồng gần 393.000ha.
Đến nay, tỉnh đã có 1.415,08 ha canh tác được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt 1.275,08 ha, chăn nuôi 140 ha (trồng cỏ làm thức ăn cho 1.005 con bò sữa). Điều tra, xác định được 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh với diện tích 18.980 ha giai đoạn 2021-2025. Xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ cho 28 tổ chức, cá nhân. Xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ 6 thương hiệu nông sản và 7 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ tham gia xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế.
Đến nay, Lâm Đồng đã có 1.415,08 ha canh tác nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
Song song với phát triển nông nghiệp hữu cơ, hiện nay nước ta cũng đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp như mô hình: tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông-lâm kết hợp; mô hình vườn-rừng; mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác…
Trong đó, mô hình tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa giúp nâng cao giá trị sản xuất lúa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm phân bón hóa học, cải tạo đất... Ngoài ra, tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa để trồng nấm và bã sau khi thu hoạch nấm được tận dụng để bón cho cây trồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thuận cho biết, trên địa bàn có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 291.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 84.800ha. Trong những năm gần đây, nông nghiệp tuần hoàn tại địa bàn đang có hướng phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả khá tốt, tốc độ nhân rộng khá nhanh.
Điển hình như mô hình sản xuất tại các trang trại của GC Food Group Ninh Thuận đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Các trang trại của GC Food Group áp dụng hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn là trang trại VietFarm, trang trại Nắng và Gió… Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, nho, táo và đồng cỏ để nuôi bò và cừu.
Công ty TNHH Dalat Hasfarm cũng đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) với quy mô hơn 200ha nhà kính. Công nghệ tích hợp sử dụng máy cơ giới hóa cắt phụ phẩm, đảo trộn, phun chế phẩm giúp đơn vị này tái chế khoảng 35.000m3 đến 36.000m3 phụ phẩm hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động và chi phí phân bón, hiện đại hóa sản xuất thân thiện môi trường.
Cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất NNHC, NNTH
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam nhấn mạnh: “Để sản xuất hữu cơ phải đảm 4 nguyên tắc: cẩn trọng, sức khỏe, sinh thái và công bằng”.
Theo dữ liệu báo cáo, đến năm 2022 đã có 190 quốc gia có sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 76 quốc gia có quy định luật nông nghiệp hữu cơ, tổng diện tích hữu cơ trên thế giới đạt 74,9 triệu hecta, giá trị thị trường sản phẩm hữu cơ khoảng 136,4 tỷ USD. Tại Việt Nam đến năm 2021 có khoảng 119 nghìn hecta đất sản xuất hữu cơ, trong đó sản xuất nông nghiệp khoảng 74.540ha. Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 về diện tích canh tác hữu cơ và thứ 10 châu Á về xuất khẩu sản phẩm hữu cơ.
Qua thống kê, phát sinh phụ phẩm cây trồng từ các nhóm cây trồng chính của nước ta hàng năm là hơn 100.000 tấn, trong đó lúa là hơn 60.000 tấn, ngô gần 10.000 tấn, sắn hơn 12.000 tấn... Đây là nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng góp phần kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. |
Bà Phạm Thị Vượng, Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nêu quan điểm: “Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất đỏ bazan phì nhiêu rộng lớn, sinh thái đa dạng, là thủ phủ của nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo nên danh tiếng của Việt Nam trên thị trường nông sản quốc tế. Chính bởi những ưu thế vượt trội ấy, nhiều năm liền chúng ta đã canh tác không bền vững và để lại những hệ lụy cho môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học, đất đai thoái hoá, dịch bệnh trên cây trồng gia tăng, nhiều cây trồng chủ lực khó tái canh; sử dụng quá nhiều hoá chất, dẫn tới nông sản, thực phẩm chất lượng không cao, còn tồn dư hóa chất vượt quá mức cho phép.
Việc phát triển nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng hiệu quả, bền vững đang là những thách thức vô cùng lớn. Để giải quyết các khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt để đưa nông nghiệp Tây Nguyên phát triển xứng tầm. Các quyết sách ấy tập trung vào sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, theo chuỗi có sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội. Như vậy, sẽ vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tài nguyên tự nhiên và cải tạo lại các vùng đất đã thoái hóa”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại diễn đàn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và nghiên cứu, đề xuất những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương về NNHC, NNTH trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh: “Để thúc đẩy sản phát triển NNHC, NNTH gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học thì rất cần sự vào cuộc của các ban ngành và địa phương. Quy trình, công nghệ sản xuất phải đi trước, nhất định không làm theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất NNHC, NNTH.
Các đơn vị quản lý cần có hướng dẫn cụ thể để người sản xuất hiểu rằng, chỉ có sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ. Cần hạn chế tối đa cách dùng từ ngữ mang tính chung chung như sản xuất theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ những tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ chân chính và xây dựng cơ chế chính sách, quyền lợi cho người sản xuất NNHC”.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.