Tại Tiền Giang, dừa là cây trồng có diện tích lớn thứ 2 sau cây lúa. Thời gian qua, tỉnh này đã khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ nhằm nâng chất lượng và giá trị sản phẩm dừa.
Tiềm năng lớn từ cây dừa
Tiền Giang hiện có khoảng 22 nghìn hecta dừa, trong đó diện tích cho sản phẩm trên 18 nghìn ha, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng trên 244 nghìn tấn/năm. Thu nhập từ cây dừa tương đối khá và ổn định nên diện tích có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2015 đến nay, diện tích dừa đã tăng 5.749ha, với tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình 4,5%/năm. Theo thống kê, khi cây dừa vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, nhà vườn trồng dừa thu lợi nhuận trung bình khoảng 91,2 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích trồng dừa của tỉnh Tiền Giang khoảng 22 nghìn ha.
Nhóm dừa uống nước ở Tiền Giang chiếm tỷ lệ khoảng 60%, gồm: các giống như dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, xiêm vàng, dừa dâu, dừa dứa... Hiện, toàn tỉnh có 141 cơ sở và 3 doanh nghiệp chuyên thu mua, sơ chế, gia công dừa dưới dạng bán tươi uống nước (dừa tươi nguyên trái) và dừa khô cho các thương lái hoặc doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với sản lượng xuất khẩu cơm dừa sang thị trường Đức, New Zealand và Úc từ 1,2 - 4,6 tấn/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu từ 2,8 - 10,6 triệu USD/năm.
Với tốc độ phát triển nhanh về diện tích cũng như sản lượng, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dừa cho người dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ thông qua tập huấn, xây dựng mô hình, dự án khuyến nông.
Trong đó phải kể đến mô hình “Giải pháp phục hồi vườn dừa sau thời gian hạn mặn” quy mô 6ha/13 hộ; mô hình “Dừa đạt chuẩn GlobalGAP”, 10ha/7 hộ; mô hình “Dừa đạt chuẩn VietGAP”, 16,7ha/21 hộ. Bên cạnh đó, dự án “Sản xuất dừa theo hướng hữu cơ gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” được thực hiện với quy mô 60ha/51 hộ; dự án “Đầu tư cải tạo thâm canh vườn dừa xiêm xanh, dừa mã lai” với 152,8ha/430 hộ. Các mô hình, dự án đã tập trung hướng dẫn người dân sản xuất dừa gắn với thị trường, ổn định và bền vững.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng tạo điều kiện cho các tổ chức nông dân tiếp cận với các doanh nghiệp nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến dừa; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết xây dựng các vùng trồng dừa tại huyện Châu Thành và Chợ Gạo tiến đến cấp mã số vùng trồng, đáp ứng các yêu cầu của nước xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, tỉnh đang định hướng chú trọng phát triển cây dừa theo hướng bền vững, quy hoạch các vùng sản xuất dừa tập trung theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho tiêu thụ trái tươi và phục vụ chế biến, nâng cao giá trị canh tác dừa.
Ngành Nông nghiệp cũng chú trọng nghiên cứu, chọn tạo và sử dụng giống dừa có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ để đưa vào sản xuất. Xây dựng và nhân rộng các mô hình/dự án ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ trong sản xuất dừa. Cùng với đó, đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực về kỹ năng xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các HTX, cơ sở sơ chế, chế biến dừa. Mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cá nhân đầu tư công nghệ giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Hỗ trợ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều kiện sơ chế cho HTX đáp ứng yêu cầu, điều kiện khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ.
Bên cạnh những kết quả trên, tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn do có rất ít cơ sở sơ chế, chế biến, chưa có liên kết sản xuất; thương lái chủ yếu thu mua bán lại cho địa phương khác dẫn đến việc tiêu thụ phụ thuộc vào nguồn thu mua bên ngoài; giá cả không ổn định nên ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư chăm sóc của người trồng...
Nhóm dừa uống nước ở Tiền Giang hiện chiếm khoảng 60% diện tích, gồm các giống dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, xiêm vàng, dừa dâu, dừa dứa.
Những vấn đề này, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương để phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương xây dựng đề án phát triển cây dừa trên địa bàn tỉnh; hướng đến cần phải thành lập các HTX để người dân trồng dừa phải tham gia HTX và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp; về phía các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ các HTX, người dân trồng dừa xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ...
Điểm sáng Chợ Gạo
Toàn huyện Chợ Gạo có gần 7.700 ha dừa, trong đó, có trên 6.500 ha dừa đang cho trái. Thời gian qua, nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ đã giúp tăng năng suất dừa từ 22 tấn/ha/năm trước đây lên 24 tấn/ha/năm thời điểm hiện tại. Huyện đã có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 01/12/2021 về lãnh đạo phát triển vùng chuyên canh dừa đến năm 2025 và các năm tiếp theo với định hướng phát triển dừa theo quy mô tập trung, chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo quy hoạch vùng trồng chuyên canh, chuyển giao kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân; tổ chức lại sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị... Tiến tới, xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu hàng hóa cho trái dừa hữu cơ Chợ Gạo và thúc đẩy ngành dừa phát triển bền vững. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý Đề án phát triển cây dừa đến năm 2025 ở huyện và các xã trọng điểm trên địa bàn.
Để phát triển vùng trồng dừa hữu cơ, các hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp; đặc biệt phát huy vai trò đầu mối tổ chức sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ cho thành viên và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, huyện đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico ở xã Bình Ninh triển khai hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 03 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh trên diện tích 300 ha.
Cùng với đó, Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang còn đầu tư nhà máy chế biến trái cây và các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp trong khu vực bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.
Huyện Chợ Gạo vận động các hộ dân trồng dừa chuyển sang phương pháp trồng dừa hữu cơ cho thu nhập cao.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo phối hợp cùng các địa phương tổ chức 85 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân vùng chuyên canh về các nội dung trọng tâm như: lợi ích, yêu cầu và quy trình trồng dừa hữu cơ...Việc chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ là một bước đi mới của địa phương nhằm phát huy tiềm lực đất đai, lao động và thế mạnh vùng chuyên canh dừa. Từ đây, mở ra hướng phát triển bền vững đối với vùng trồng dừa có lợi thế cạnh tranh của huyện Chợ Gạo, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định và nâng cao mức sống.
Xã Bình Ninh có tổng diện tích dừa trên 850 ha, lớn nhất huyện Chợ Gạo. Thích hợp với thổ nhưỡng, dễ trồng, chăm sóc, chi phí thấp là những ưu điểm của cây dừa trên vùng đất Bình Ninh. Trên địa bàn xã có doanh nghiệp Thabico chuyên chế biến dừa xuất khẩu cùng mạng lưới 16 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm từ trái dừa góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Để phát huy tiềm năng xã đã quy hoạch vùng trồng, đầu tư chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh cho nông dân, định hướng sản xuất theo quy trình GAP hoặc hữu cơ nhằm nâng chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, gắn với doanh nghiệp Thabico liên kết tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, tiến tới hình thành chuỗi giá trị và góp phần thúc đẩy ngành dừa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Trong năm 2023, xã tranh thủ các ngành hữu quan hỗ trợ tổ chức 13 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dừa hữu cơ cho 100% hộ nông dân trồng dừa trên địa bàn. Bình Ninh phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích dừa lên trên 900 ha, trong đó có khoảng 500 ha dừa hữu cơ.
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Ninh (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) đang phát huy vai trò tập hợp nông dân xây dựng vùng chuyên canh dừa hữu cơ rộng hàng trăm ha, hướng dẫn bà con vùng trồng dừa phải sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch... Mặt khác, kết nối Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa chất lượng chế biến xuất khẩu.
Tổng hợp từ nguồn: Nongnghiep; Tiengiang.gov.vn; Tapchinongthonmoi.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.