Được cho là một năm có sự ảnh hưởng của El Nino mạnh nhất, do đó, nhiều địa phương, bà con nông dân cùng chính quyền các cấp đã chủ động trong sản xuất nông nghiệp, để có hiệu quả và năng suất cao.
Tuy nhiên, vẫn còn có địa phương do thiếu nước phải bỏ hoang đất nông nghiệp, vì thế, rất cần chính quyền phải có biện pháp thay đổi cây trồng cho phù hợp để không bỏ đất hoang. Thích ứng với thiên nhiên để sản xuất nông nghiệp hiệu quả là điều quan trọng nhất.
Ra đồng chăm sóc lúa sau khi có mưa lớn
Thời gian qua hiện tượng nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung không có mưa liên tục trong nhiều tháng, hiện tượng khô hạn xuất hiện ở nhiều nơi. Nhưng không thể vì thế mà hoạt động sản xuất nông nghiệp phải dừng lại, để có nước canh tác lúa các địa phương đã chủ động cung cấp nguồn nước cho bà con gieo, cấy đúng thời vụ. Trong những ngày gần đây Nghệ An đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân đã ra đồng chăm sóc lúa hè – thu.
Niềm vui của người nông dân ở xã Đồng Văn (Thanh Chương) khi có thể ra đồng bón đạm, thúc lúa hè thu đẻ nhánh. Ảnh: Huy Thư
Sau những trận mưa gần đây, bà con nông dân xã Đồng Văn - Thanh Chương đã đổ ra đồng để chăm sóc cho lúa. Những thửa ruộng khô nứt toác do thiếu nước làm cho cây lúa sơ xác nay đã xanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Ngũ (57 tuổi) ở xóm Đông Thượng cho biết, sau 20 ngày ngày cấy nhưng do không có nước tưới nên cây lúa chậm phát triển, sau những trận mưa gần đây lúa có đủ nước nên đã xanh trở lại. Tranh thủ có mưa ông mang bón 15kg phân NPK màu đỏ và 4kg đạm ure/sào. “Nước tưới thì không có, chỉ chờ nước trời, cứ bón trước chờ mưa thêm cũng được”, ông Ngũ Nói.
Sau mưa, nông dân Thanh Chương ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: Huy Thư
Chị Trần Thị Huyền (46 tuổi) ở xóm Tiên Quánh đang bón phân dưới ruộng phấn chia sẻ: “Nhà tôi làm 7 sào ruộng, chờ mãi vẫn không có nước để chăm bón. Trạm bơm Đồng Văn thì không bơm được.
Trong đợt nắng hạn vừa qua, Đồng Văn, Đại Đồng và một số địa phương khác là những địa phương thiếu nước tưới trầm trọng ở Thanh Chương. Trời không mưa, sông Lam cạn nước, máy bơm không hoạt động được những cánh đồng lúa cấy và lúa gieo “khát” đến khô héo.
Tuy nhiên, một số địa phương khác của huyện Thanh Chương, mặc dù có mưa nhưng lượng mưa không nhiều, do đó tình trạng hạn hán vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng đối với bà con nông dân ở đây, việc chăm sóc cho lúa rất khó khăn để sinh trưởng và phát triển.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Sau thời gian dài nắng hạn, ruộng đồng khô nẻ, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có mưa. Mặc dù thời gian mưa không dài, lượng mưa không lớn nhưng đã giúp một số loại cây trồng, nhất là lúa và cây công nghiệp như chè, cam… của Thanh Chương bước đầu phục hồi sau một thời gian dài nắng hạn.
Bỏ hoang ruộng do thiếu nước sản xuất
Không may mắn như bà con nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An), những người dân ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) phải bỏ hoang gần 400 ha đất lúa trong vụ hè thu. Nguyên nhân là vì công trình thủy lợi không thể dẫn nước về chân ruộng.
Vùng thượng kênh xã Cẩm Sơn nhiều năm đều bị bỏ hoang, không thể sản xuất vụ hè thu do thiếu nước.
Xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười thuộc thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) thời điểm này vẫn trơ gốc rạ của vụ xuân trước. Nền đất nứt nẻ, cây cỏ héo khô. Từ nhiều năm nay, sản xuất ở 3 xứ đồng này gặp rất nhiều khó khăn do không có công trình thủy lợi đi qua. Hằng năm, người dân chỉ làm được mỗi vụ xuân nhờ thời tiết có mưa. Còn đến vụ hè thu, hạn hán, thiếu nước khiến cho đồng ruộng bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Đình Đường - Trưởng thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng chia sẻ: “3 xứ đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười có diện tích khoảng 50 ha, cách kênh tưới N2 Kẻ Gỗ khoảng hơn 200m nhưng do không có kênh nhánh dẫn nước về nên việc gieo cấy vụ lúa hè thu gần như bất khả kháng.
Bà con nông dân các thôn: Tiến Thắng, Sơn Nam, Sơn Trung của xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) cũng phải bỏ hoang gần 100 ha đất nông nghiệp trong vụ sản xuất hè thu. Người dân nơi đây gọi khu vực này là vùng “tử địa” vì mỗi năm chỉ canh tác được mỗi vụ xuân.
Cánh đồng Trằm của thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hưng vụ hè thu trở thành bãi chăn thả trâu bò.
“Gia đình tôi có 1,5 mẫu lúa nằm trong vùng đồng “tử địa”, chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu thì chịu thua. Diện tích nhiều nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Hi vọng thời gian tới, chính quyền địa phương nghiên cứu phương án, đưa vào các giống cây, con phù hợp để bà con nông dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập” - anh Hà Văn Lợi, thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh cho biết.
Nguyên nhân do không có công trình thủy lợi nên hạn hán thì thiếu nước, mưa to lại ngập lụt, trồng loại cây nào cũng không thành công. Vụ hè thu năm 2023, toàn huyện có khoảng gần 400 ha diện tích lúa không thể sản xuất do thiếu nước, tập trung ở các xã: Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Sơn.
Mặc dù bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn như: lạc, vừng, khoai… Tuy nhiên, việc chuyển đổi chỉ mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản để bố trí vào kế hoạch sản xuất của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho biết: “Xã đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi các diện tích gặp khó khăn về nguồn nước trong hè thu sang trồng vừng. Dự kiến, đầu tháng 7 này sẽ xuống giống; trước mắt, xã hỗ trợ kinh phí thuê máy làm đất và hỗ trợ giống để sản xuất thử khoảng 20 ha. Nếu hiệu quả thì năm sau chúng tôi sẽ nhân rộng, chuyển đổi toàn bộ diện tích cao cạn sang trồng vừng trong vụ hè thu”.
Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng đối với bà con nông dân, trước đây khi chưa có điều kiện việc sản xuất nông nghiệp đều dựa vào “Ông Trời” nếu như năm nào “mưa gió thuận hòa” thì bà con nông dân được mùa, còn “mưa không thuận, gió không hòa” thì coi như mất trắng. Vì thế cuộc sống của bà con nông dân vô cùng vất vả và khổ cực. Ngay nay được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các địa phương đều được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Để giải bài toán đất sản xuất bị bỏ hoang ở các xã thiếu nước trên của Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên cần có giải pháp lựa chọn, đưa vào thử nghiệm các loại cây trồng chịu hạn tốt, phù hợp với tự nhiên, thổ nhưỡng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân phủ kín diện tích sản xuất.
Tạo nguồn nước cho sản xuất
Không trông chờ vào “Ông Trời” phải chủ động để tạo ra nguồn nước tưới phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mới là quan trọng nhất. Ngoài việc khơi thông hệ thống kênh mương dẫn nước, các địa phương đã chủ động kiểm tra các hệ thống trạm bơm thủy lợi để khi cần có thể vừa chống hạn, vừa chống úng cho các địa phương. Bên cạnh đó bà con nông dân cũng chủ động tự tim nguồn nước tưới cho hoạt động sản xuất của mình, nhiều sáng kiến không cần bơm nước nhưng vẫn có nước để tưới cho cây trồng đang được ứng dụng.
Trồng 13 sào bí, những ngày nắng nóng gay gắt lại thường xuyên mất điện nhưng anh Nguyễn Quang Hà ở xóm Ngũ Cẩm, xã Thanh Xuân chưa lo lắng về nguồn nước tưới. “Chủ động hết rồi, 13 sào bí chưa khi nào thiếu nước tưới. Với lại, bơm tưới thỏa thuê mà không cần điện, đỡ chi phí rất nhiều”, anh Hà cho biết.
Đường ống được lắp đặt từ đập thủy lợi Trảng Không dẫn về ruộng mà không cần phải dùng máy bơm. Ảnh: Thanh Phúc
Ở gần đập Mưu Sỹ, tận dụng nguồn nước đập dồi dào, các ruộng bí nằm phía dưới chân đập, thấp hơn mực nước đập 2-3m. Do đó, anh Hà mua đường ống cao su về đấu nối, tự chế thành hệ thống nước tự chảy. “Vận dụng quy luật “nước chảy về chỗ trũng” nên tôi mua đường ống cao su loại bán kính to, đấu nối kéo nước từ đập thủy lợi để tưới cho các vườn bí. Chi phí đầu tư đường ống hết khoảng 1,5 triệu đồng, kéo từ đập vào vườn nhưng bù lại, không mất đồng tiền điện nào để bơm tưới”, anh Hà cho biết.
Cách vận hành hệ thống nước tự chảy này hết sức đơn giản, đó là nước chảy từ cao xuống thấp, khi nước vào đầy đường ống, áp suất không khí không còn sẽ tạo ra lực chảy mạnh, muốn dẫn nước đi đến đâu thì chỉ cần nối thêm đường ống vào, miễn sao đảm bảo chỗ cấp nước luôn cao hơn chỗ cần bơm tưới. Khi không dùng nữa chỉ cần khóa ống nước lại, nếu để lâu ngày, rong rêu, ốc bùn bám vào đường ống khiến nước chảy yếu thì chỉ cần dùng máy bơm, bơm “mồi” khoảng 5 phút để sục đường ống là lại vận hành được như cũ.
Nhờ cách làm này mà dù trồng 13 sào bí, một mình anh vẫn đảm đương việc chăm sóc bí xanh tốt, năng suất cao, sản lượng cao.
Hộ anh Bùi Văn Đại cũng làm đến 6 sào bí. Nguồn nước tưới cũng chủ động bằng hệ thống nước tự chảy dẫn từ mương nước trước nhà về đến chân ruộng.
“Nếu không có hệ thống tưới tự chảy này thì tốn kém khá nhiều tiền điện bơm tưới; nếu mất điện liên tục như hiện nay thì việc sản xuất bí hè thu gặp rất nhiều khó khăn, giá bí chắc chắn không cao bằng vụ xuân trong khi chi phí dùng xăng, dầu chạy máy nổ để tưới tốn gấp cả chục lần so với dùng điện”, anh Đại cho biết.
Anh Hà đầu tư hệ thống đường ống để dẫn nước tự chảy từ hồ, đập về ruộng bí. Ảnh: Thanh Phúc
Vụ hè thu này, toàn xã Thanh Xuân cơ cấu 6 ha bí xanh hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tố Như cho biết vụ hè thu gặp nhiều khó khăn: Đầu vụ nắng hạn gay gắt, thiếu điện, thiếu nước bơm tưới, trong khi giá bí thấp thua so với giá bí vụ xuân khi các tỉnh phía Bắc rộ mùa thu hoạch.
Do đó, chúng tôi chỉ đạo chỉ đưa giống bí vào sản xuất ở những vùng chủ động nguồn nước tưới. Đặc biệt là những diện tích gần hồ, đập, mương máng để người dân lắp đặt, đấu nối hệ thống nước tự chảy. Trên địa bàn xã có 5 hồ, đập lớn nhỏ, rất thuận lợi cho người dân dẫn nước về ruộng bí theo hình thức tự chảy.
Với cách làm này, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm công sức và đặc biệt, không lo bí gặp hạn khi gieo trồng vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm. Bên cạnh đó, các hộ trồng bí ở xa hồ, đập thì tận dụng nước giếng khoan tưới cho bí, để tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, người dân đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa.
“Vắt đất ra nước, thay Trời làm mưa” là một trong những phương pháp được bà con nông dân Việt Nam chúng ta thực hiện từ xa xưa, khi mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp đều trông chờ vào “Ông Trời”. Ngày nay, bằng những kiến thức cộng với điều kiện sẵn có tại địa phương, người nông dân đã biết dẫn nước về ruộng để tưới cho cây trồng. Đây là một cách làm sáng tạo, chủ động đảm bảo được nguồn nước tưới không lệ thuộc vào máy móc, thích ứng với thiên nhiên để sản xuất nông nghiệp hiệu quả đến nay vẫn còn có những giá trị.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.