Quảng Ninh có lợi thế nổi bật trong phát triển kinh tế thuỷ sản nhờ sở hữu địa lý thuận lợi và nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị cao. Tập trung cho công tác quy hoạch, rà soát xử lý tình trạng nuôi trồng thuỷ sản trái phép và chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường, từng bước hướng tới phát triển bền vững.
Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh vận động người nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) chuyển đổi được 5,9 triệu quả phao xốp sang các loại vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương 08:2020/QN (đạt gần 96%). Trước đó, phao xốp chủ yếu được sử dụng để nuôi biển tại địa phương. Dù giá thành rẻ, dễ đầu tư, nhưng vật liệu này có “tuổi thọ” ngắn và tác động tiêu cực đến môi trường.
Quảng Ninh đang xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất giống, nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, các ngành và địa phương có biển trong tỉnh cũng ra quân xử lý tình trạng NTTS ngoài quy hoạch, chồng chéo, quá tải, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thuỷ… Đây được coi là những giải pháp căn cơ của Quảng Ninh để “trả lại mặt bằng”, lập lại trật tự nuôi biển cho phát triển nuôi biển bền vững, giá trị cao.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP, đơn vị sản xuất và cung ứng hạ tầng NTTS đánh giá: “Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ra quy chuẩn địa phương. Người dân NTTS ở Quảng Ninh mạnh, có nhiều quyết tâm phát triển. Tuy vậy tôi nghĩ rằng Quảng Ninh vẫn chưa tận dụng được thế mạnh đặc biệt là có hơn 2000 doanh nghiệp trong lĩnh vực NTTS. Tôi mong muốn các doanh nghiệp trong ngành đứng sát cánh bên nhau, cùng địa phương chia sẻ, dẫn dắt ngành thuỷ sản bước đi bền vững”.
Việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất bền vững trên nền tảng quản lý quy hoạch, hạ tầng cơ sở vùng NTTS theo quy mô lớn là vấn đề quan tâm của tỉnh Quảng Ninh và ngành thuỷ sản cả nước.
Ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam dẫn chứng, trong một thời gian dài, việc tập trung quá mức nuôi hàu và nhuyễn thể ven bờ đã làm tăng áp lực môi trường nuôi, phát sinh dịch bệnh và giảm năng suất. Địa phương hiện có hơn 10.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản nhưng phần nhiều là hộ gia đình nhỏ lẻ, nhiều hộ nuôi trồng tự phát.
Ông Lê Bền cũng cho rằng, nuôi biển tại Quảng Ninh cần sự chuyển đổi tích cực từ cách nuôi truyền thống sang công nghiệp, từ cá thể sang mô hình doanh nghiệp, tổ hợp tác. Với đường bờ biển hơn 250km, sở hữu hơn 60 nghìn ha bãi triều, rừng ngập mặn, 20 nghìn ha eo, vịnh, Quảng Ninh có thể kết hợp mô hình tích hợp đa ngành, như nuôi biển công nghệ cao – du lịch tham quan trải nghiệm.
“Phải tiếp cận với khoa học công nghệ, để thực hiện điều này thì Quảng Ninh nên có chính sách làm thế nào để khuyến khích, vận động các hộ dân có lợi thế nhưng cần sự hỗ trợ về tài chính. Qua đó chuyển đổi từ mô hình tự phát sang mô hình nuôi đạt trình độ quy mô tốt hơn, trình độ công nghệ cao hơn. Tiếp theo là có quy hoạch và mạnh dạn giao diện tích mặt nước ở quy mô nhất định cho những tổ chức cá nhân có khả năng đầu tư” - ông Lê Bền nói.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện chỉ đạo lập lại trật tự nuôi biển, chuyển đổi vật liệu nổi gắn với thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, hiện các địa phương trong tỉnh đã triển khai xác định được các vùng, tiểu vùng có tọa độ khép góc, xác định được đối tượng nuôi chính và phù hợp cho từng khu vực.
Qua đó tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng phương án sử dụng khu vực biển để NTTS, lập quy hoạch chi tiết các vùng nuôi biển tập trung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật nuôi biển… UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch NTTS trong tháng 7 này.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong sản xuất thuỷ sản hiện nay chúng ta đang giải quyết dưới dạng sinh kế cho người dân là nhiều, Quảng Ninh đang hướng tới giao biển phải thông qua tổ chức, HTX chứ không giao nhỏ lẻ cho từng hộ dân nữa. Hiện nay ngành Nông nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, những thông tin kỹ thuật về thị trường, sản xuất, chúng tôi xây dựng trên hệ thống chuyển đổi số của tỉnh. Qua đó đó để nông dân trang bị nhận thức, các doanh nghiệp tiếp cận về không gian sản xuất và quy hoạch vùng lựa chọn”.
6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thuỷ sản của Quảng Ninh đạt gần 90.000 tấn (tăng hơn 5% so với cùng kỳ) trên diện tích gần 46.000 ha NTTS. Việc tập trung hoàn thành quy hoạch với các tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ là điểm tựa để Quảng Ninh phát huy thế mạnh vươn ra biển lớn, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất giống, nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho nội địa và thị trường lớn Đông Bắc Á, Trung Quốc, xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành một trung tâm nuôi trồng thủy sản ở khu vực phía Bắc.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.