Hiện nay, các địa phương đang gieo trồng vụ Đông, cơ bản đã phủ kín diện tích trồng trọt, bên cạnh đó có những địa phương đã bắt đầu triển khai gieo trồng vụ Xuân 2023. Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi cũng được các địa phương chú trọng phát triển.
Nghệ An triển khai vụ Xuân
Vừa qua tại Nghệ An đã diễn ra Hội nghị triển khai Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân năm 2023, theo dự báo vụ Xuân sẽ diễn ra trong điều kiện nhiều khó khăn. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm, thời điểm rét đậm, rét hại có thể trùng với thời gian ra mạ, gieo cấy nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, cũng như tiềm ẩn nguy cơ bị thiệt hại do thời tiết gây ra.
Lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan, kiểm tra gian trưng bày các loại vật tư nông nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Phú Hương
Trong khi đó, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang ở mức cao trong khi giá cả nông sản vẫn bấp bênh, sẽ ảnh hưởng đến khả năng đầu tư sản xuất của nông dân. Tiến độ gieo trồng vụ đông năm nay chậm do ảnh hưởng mưa bão, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất vụ xuân.
Mục tiêu sản lượng lương thực năm 2023 của tỉnh đạt khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó vụ xuân 2023 phải phấn đấu đạt 695.500 tấn lương thực. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 91.000 ha lúa, 19.300 ha cây ngô, 9.500 ha lạc, 12.500 ha rau các loại…
Trên cơ sở nhận định, dự báo những khó khăn cũng như thuận lợi, các địa phương cần tập trung tổ chức chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao nhất cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
Theo đó các ngành chức năng phải tăng cường giám sát việc tuân thủ về lịch thời vụ đối với từng nhóm giống; bố trí thời gian gieo cấy để cây lúa trỗ từ ngày 20/4 - 30/4, tránh gặp rét cuối vụ.
Công tác tuyên truyền, cảnh báo và đưa tin về lịch thời vụ, tình hình rét đậm, rét hại, dịch hại cây trồng và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn phải được coi trọng; các địa phương cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để đưa tin, phổ biến kịp thời để nông dân biết, hiểu và thực hiện, sản xuất an toàn và hiệu quả.
Trước dự báo rét sớm, rét đậm và rét hại, cần tập trung chỉ đạo 100% diện tích gieo mạ có che phủ nilon để chống rét, chống chuột và đồng thời chống rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh lùn sọc đen; hạn chế tối đa việc gieo thẳng làm lúa dễ bị chết rét.
Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản xuất, cần tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm VietGAP, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử để ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ.
Hà Tĩnh phủ kín trên 60% diện tích gieo trồng
Nhờ thời tiết nắng ráo, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung ra quân sản xuất vụ đông. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 7.203/11.524 ha cây rau các loại, đạt trên 62% kế hoạch.
Các địa phương đã xuống giống được 7.203 ha/11.524 ha, đạt trên 62% kế hoạch.
Hà Tĩnh đặt kế hoạch gieo trồng 11.524 ha rau màu với các loại cây trồng chủ lực như: ngô, rau các loại, khoai lang. Trong đầu vụ sản xuất (từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10), toàn tỉnh diễn ra nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng khiến một số diện tích ở các địa phương phải gieo trồng lại, tiến độ bị ảnh hưởng lớn
Gần 2 tuần trở lại đây, thời tiết khá thuận lợi nên bà con nông dân các địa phương đã tập trung ra đồng làm đất, gieo trỉa hạt giống, trồng các loại rau màu…
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến ngày 31/10, các địa phương đã xuống giống được 7.203/11.524 ha, đạt trên 62% kế hoạch.
Cụ thể, diện tích ngô lấy hạt, ngô sinh khối đạt 2.990/5.500 ha; rau 3.270/4.519 ha; khoai lang 943/1.500 ha. Một số huyện có tỉ lệ diện tích hoàn thành xuống giống cao như: Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Vũ Quang...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho biết: Tiến độ sản xuất vụ đông năm 2022 đang được đẩy nhanh, chỉ trong vòng gần 1 tuần, diện tích xuống giống đã tăng từ 54% lên trên 62%. Thời gian sản xuất trong khung thời vụ không còn nhiều, các địa phương cần lưu ý để bố trí xuống giống phù hợp, nhất là đối với diện tích ngô sinh khối và ngô lấy hạt.
Quảng Trạch nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động về "Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2020-2025" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại địa phương.
Mô hình nuôi gà ri lai của người dân xã Phù Hóa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai mô hình nuôi gà ri lai tại 22 hộ nghèo, cận nghèo của xã Phù Hóa. Các hộ dân đã được hỗ trợ kỹ thuật, 5.720 con gà giống ri lai, trên 6 nghìn kg thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh và một số thiết bị phục vụ chăn nuôi, trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Sau hơn 4 tháng chăm sóc theo kỹ thuật đã được hướng dẫn, đàn gà của bà con nông dân sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ gà sống đạt trên 95%, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5-2kg/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ gia đình có nguồn thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng.
“Được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành cấp huyện, gia đình tôi đã có điều kiện để gây dựng mô hình nuôi gà lai ri. Sau khi đã nuôi gà ri lai thành công, tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm số lượng nuôi, mở rộng mô hình để tăng thu nhập”, chị Nguyễn Thị Lệ, thôn Hậu Thành, xã Phù Hóa chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Phù Hóa Trần Thanh Tâm cho biết: “Phù Hóa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, từ sự quan tâm của các cấp, ngành đã hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Thời gian tới, xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, hỗ trợ cho người dân về các chương trình, dự án, đặc biệt là các mô hình phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, giúp địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hành động về "Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2020-2025" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm DVNN huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức 11 lớp tập huấn cho các địa phương về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
Điển hình như các mô hình: Trồng cây chanh tứ quý trên đất cát pha tại xã Quảng Xuân, nuôi gà tại xã Quảng Phương, khảo nghiệm giống lúa mới Đại Dương II tại xã Quảng Tùng, nuôi dúi thương phẩm tại xã Quảng Châu... Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện nuôi thử nghiệm mô hình ngỗng sư tử theo hướng bán thâm canh tại xã Quảng Tùng. Đây là mô hình mới, mở ra hướng đi đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp cho ngành chăn nuôi của huyện.
Theo Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân; tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và cử cán bộ trực tiếp về hỗ trợ các địa phương trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.