Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 10 năm 2023 | 10:38

Trồng chè hữu cơ – nâng cao giá trị và tăng thu nhập

Sản xuất chè hữu cơ đang là mô hình triển khai có hiệu quả tại nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc, giúp bà con nâng cao thu nhập và làm giàu.

Tuyên Quang: Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè hữu cơ vùng đồng bào dân tộc

Với lợi thế về khí hậu, đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng và có khả năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, những năm gần đây, Tuyên Quang đã chú trọng sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Qua đó, vừa tăng thu nhập cho các hộ trồng chè, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sinh thái…

Mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm xấp xỉ 50% tổng dân cư, những năm qua, huyện Sơn Dương đặc biệt chú trọng phát triển vùng nguyên liệu chè hữu cơ nhằm giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Nắm bắt xu thế thị trường, ngay thời điểm đầu năm 2019, huyện Sơn Dương đã lựa chọn 3 ha chè từ 5 đến 7 tuổi của Hợp tác xã (HTX) Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Giống chè tham gia mô hình là chè trung du và chè lai NDP1. Các diện tích chè chăm sóc theo quy trình hữu cơ được tái thiết đất trong 2 năm sử dụng phân vi sinh, loại bỏ tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, hiện nay, các diện tích chè đã được cấp chứng chỉ sản xuất hữu cơ. Huyện Sơn Dương đang tiếp tục dành nhiều nguồn lực để nâng cao giá trị cây chè, ưu tiên xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực như: Chè Tân Trào, chè Vĩnh Tân, chè Ngân Sơn…

Tại huyện Na Hang, năm 2021, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” tại xã Hồng Thái. Theo đó, 35 hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái thực hiện mô hình trên diện tích hơn 8 ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tập huấn kỹ thuật chăm sóc chè và hỗ trợ đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận vùng sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Từ đó, làm tiền đề cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Sau hơn 2 năm triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ, cây chè sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng ổn định. Hiện nay, năng suất chè búp tươi bình quân của các thành viên trong tổ hợp tác đạt 5,5 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 44 tấn. Điều đáng mừng là giá bán chè búp tươi hữu cơ luôn cao hơn từ 40 - 50% so với chè truyền thống. Toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình được Công ty cổ phần Chè Kia Tăng thu mua với giá ổn định lâu dài.

Trên đỉnh núi Kia Tăng huyện Na Hang chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Nơi đây chính là vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Kia Tăng, thông qua HTX chè Sơn Trà để thu mua nguyên liệu. Ưu điểm lớn nhất của những rừng chè nơi đây là từ trước đến nay bà con hoàn toàn trồng tự nhiên nên khi làm các thủ tục công nhận hữu cơ rất thuận tiện. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế bởi đồng bào chưa biết cách canh tác, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo năng suất cao. Từ khi liên kết với Công ty cổ phần chè Kia Tăng, bà con được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái nên những khó khăn dần được tháo gỡ.

Những cố gắng, nỗ lực của đồng bào dân tộc nơi đây đã được đền đáp xứng đáng khi có tới 21 ha chè Shan tuyết ở xã Hồng Thái được công nhận đạt chuẩn hữu cơ và là niềm tự hào của nông nghiệp sạch Tuyên Quang. Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Trồng chè hữu cơ ở Bản Liền

Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai) gần 30 km, xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Cây chè Bản Liền được trồng lâu đời nay ở các thôn Đội 1,2,3,4 trong vùng chè  với tổng diện tích cây chè hiện có là 753 ha, trong đó đã có 700 ha chè hữu cơ.

Chè Shan ở Bản Liền có nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. Shan tuyết nơi đây đã được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên ở Lào Cai từ năm 2019.

Cuối năm 2017, sản phẩm chè Shan Bắc Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ. Đây là động lực lớn để vùng chè Bản Liền không ngừng mở rộng diện tích, người dân địa phương cũng thêm mặn mà, gắn bó với cây chè Shan Tuyết.

Tháng 7/2021, sản phẩm Chè hữu cơ Bản Liền được hội đồng thẩm định OCOP tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao của huyện Bắc Hà, mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp và người dân địa phương cùng chung tay giữ gìn thương hiệu, mở rộng vùng chuyên canh chè hàng hóa chất lượng theo hướng bền vững.

Tính đến hết tháng 7 năm 2023, tổng diện tích chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Bắc Hà đạt 1.036ha tại 02 xã Bản Liền (873ha) và Tả Củ Tỷ (163ha). Trong đó, gần 700 ha tại xã Bản Liền chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ EU, Canada, Hoa Kỳ,...; chứng nhận Cục an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA); chứng nhận Thương mại công bằng Fairtrade (FloCert CHLB Đức). Đây được coi là chuỗi sản xuất giá trị sản xuất nông nghiệp hoàn chỉnh, tiêu biểu, bền vững, gắn kết mật thiết giữa người nông dân với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ từ năm 2004 đến nay.

Vùng sản xuất chè hữu cơ đã tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên, ổn định cho trên 300 hộ với hơn 1.500 lao động tại 04 thôn (08 nhóm) người dân tộc tày của xã Bản Liền. Năm ngoái, giá thu mua chè búp tươi trung bình 17.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 96 triệu đồng. Doanh thu từ cây chè shan tuyết đạt trên 63,5 tỷ đồng, chiếm 5,3% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Năm 2023, giá thu mua chè tươi 6 tháng đầu năm tăng 2.000 đồng/kg nâng giá chè búp tươi lên 19.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm chè thu hoạch/ha trên đạt 107 triệu đồng. Giá trị thu nhập đạt trên 94 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè, xã Bản Liền đã phối hợp với hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền tiến hành cải tạo, nâng cao chất lượng cây chè, xúc tiến xây dựng sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ đối với diện tích gần 100 ha chè còn lại, vận động nhân dân trồng rặm xong 35 ha cây chè, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trong 6 tháng năm 2023, xã tập chung chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện làm cỏ, bón phân vi sinh cho diện tích chè, thực hiện trồng dặm chè (hạt chè) trên diện tích chè bị mất khoảnh được 20ha. Ngay cuối năm 2022, đầu năm 2023, UBND xã đã chỉ đạo các hộ trồng chè tập trung chăm sóc, đốn tỉa nhằm giúp sản phẩm chè xuân có chất lượng cao; chủ động ký cam kết bao tiêu vơi hợp tác xã chè Shan hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi cho các hộ dân với giá cao, ổn định. Nhờ đó vụ chè năm 2023 đến thời điểm tháng 8 này vẫn được giá cao, ổn định, đã đem lại niềm vui, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ ở Thái Nguyên

Trong những năm qua, từ cây chè xã La Bằng, huyện Đại Từ đã thành lập 3 hợp tác xã, 15 tổ hợp tác sản xuất chè đặc sản; hầu hết các làng nghề chè trong xã đều áp dụng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nổi bật là xã La Bằng đã được cấp nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng, gây dựng thành công thương hiệu chè La Bằng, quảng bá thương hiệu này trên thị trường qua các hội chợ thương mại và các cuộc thi sản xuất chè do Hội Nông dân tổ chức. Để phát huy thế mạnh cây chè, xã đang tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn hữu cơ, một hướng đi bền vững, lâu dài.

Gia đình ông Mai Văn Nam, xóm Non Bẹo, xã La Bằng, huyện Đại từ Thái Nguyên đang thực hiện thu hoạch chè sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích trên 1400 m2, trong đó, diện tích 1.000 m2 chè sử dụng thử nghiệm chế phẩm IVAN được nhập khẩu từ Nga.

Hiện nay, xã La Bằng đã xây dựng được 15 Tổ hợp tác, trong đó có 2 tổ sản xuất hữu cơ và 13 tổ đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Mai Văn Nam, Xóm Non Bẹo, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi mới sử dụng cho lứa chè đầu tiên thì thấy loại chế phẩm này giúp lá chè xanh, dày hơn và cho sản lượng búp hơn trước. Nhiều hộ gia đình trong tổ đều đánh giá là tốt hơn mọi lứa trước và chắc chắn nếu sử dụng lâu dài thì sản lượng và chất lượng chè đều tăng".

Xóm Non Bẹo có 104 hộ, đang thực hiện sản xuất trên 40 ha chè kinh doanh. Năm 2020 cả xóm có 41 hộ tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đến năm 2023 có 20 hộ tham gia thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam với diện tích chè 7ha. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Xóm Non Bẹo, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi sử dụng được 3 lứa chè thì tôi đánh giá là cây chè khỏe và xanh hơn".

Ông Nguyễn Bằng Giang, Trưởng nhóm chè hữu cơ, xóm Non Bẹo, xã La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên cũng đánh giá: "Sau khi chúng tôi đưa vào sử dụng thì nhận bộ rễ của cây chè có sự phát triển rất khỏe, dẫn đến phát triển tốt bộ lá đỡ và búp chè góp phần tăng năng suất và khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn".

Ông Nguyễn Bằng Giang, Trưởng nhóm chè hữu cơ, xóm Non Bẹo, xã La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên: "Trung tâm Khuyến nông kết hợp với Công ty TNHH Đại Dương đã đưa phân hữu cơ bón gốc và kết hợp trên lá được nhập khẩu từ Nga về giúp đỡ chúng tôi, do đó chúng tôi thực hiện đảm bảo đúng, đủ và theo tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật mà các đơn vị chuyên môn đã đưa ra".

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn hữu cơ, xã La bằng đã triển khai tới các hộ dân, xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn hữu cơ. Theo đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai rất nhiều mô hình chè hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh, trong đó, 9 mô hình sử dụng chế phẩm IVAN, nhằm thử nghiệm cải tạo đất, kích thích sự phát triển cây trồng. Hợp tác xã chè La Bằng đang thực hiện với diện tích 5.000 m2, nâng tổng diện tích là 17.000 m2 chè của toàn xã được sử dụng chế phẩm IVAN. Hiện nay, xã La Bằng đang thực hiện sản xuất trên 400 ha chè, trong đó trên 320 ha chè kinh doanh, còn lại là diện tích chè kiến thiết cơ bản. Nhiều năm qua, người dân các xóm đã thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng các loại chè giống mới cho năng xuất và chất lượng cao như LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên...

Với chủ trương về phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, rất cần sự quan tâm, hợp tác từ phía người dân để xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất chè an toàn hữu cơ, có lợi cho người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo việc phát triển nông nghiệp bền vững, giúp thương hiệu chè La Bằng được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường rộng mở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, những mô hình sản xuất chè hữu cơ đã mang lại nhiều hiệu quả cho người dân. Trồng chè theo hướng hữu cơ khẳng định: mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ có giá bán nguyên liệu tăng, lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất chè đại trà. Đồng thời, giúp bà con vùng làm chè tiếp cận tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững, phù hợp với định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top